Tòa án Nhân dân thành phố Phúc Châu (Trung Quốc) ngày 10/12 đã chấp thuận đề nghị của Qualcomm về việc ban bố 2 lệnh cấm sơ bộ đối với 4 nhà phân phối của Apple, theo đó yêu cầu họ ngay lập tức ngừng bán các sản phẩm iPhone 6S, iPhone 6S Plus, iPhone 7, iPhone 7 Plus, iPhone 8, iPhone 8 Plus và iPhone X.
Lệnh cấm không bao gồm các mẫu iPhone đời mới nhất mà Apple mới ra mắt như iPhone XS, iPhone XS Plus và iPhone XR do chúng chưa xuất hiện khi Qualcomm nộp đơn kiện lên tòa Trung Quốc.
Tranh chấp pháp lý giữa Qualcomm và Apple là một cuộc chiến lâu dài giữa 2 gã khổng lồ công nghệ. Apple bắt đầu khởi kiện Qualcomm từ 2017, cáo buộc hãng này sử dụng các bằng sáng chế để ép buộc mua modem của mình với mức giá cao hơn.
Qualcomm cũng tố Apple vi phạm bản quyền sáng chế và yêu cầu cấm bán một số mẫu iPhone tại Mỹ nhưng không thành công. Ngày 26/10, Qualcomm cho biết Apple đang nợ 7 tỷ USD tiền bản quyền bằng sáng chế chip di động được sử dụng trên iPhone, nhưng tòa chưa xử vụ kiện này.
Trong phiên tòa ngày 10/12 mới đây, Tòa án thành phố Phúc Châu đã nghiêng về phía Qualcomm và phán quyết rằng Apple đã vi phạm hai bằng sáng chế của Qualcomm, liên quan đến ứng dụng thay đổi kích thước hình ảnh và quản lý ứng dụng trên màn hình cảm ứng.
Tranh chấp pháp lý giữa Qualcomm và Apple là một cuộc chiến lâu dài giữa 2 gã khổng lồ công nghệ.
Trước phán quyết này của Tòa án Trung Quốc, Apple cho rằng việc Qualcomm tìm cách để các sản phẩm của Apple bị cấm bán là một động thái “liều lĩnh” bởi Qualcomm vốn đang bị điều tra về các hành vi bất hợp pháp trên toàn thế giới. Apple cũng cho biết tất cả các mẫu iPhone của hãng này vẫn đang được bày bán tại thị trường Trung Quốc.
Theo chuyên gia Daniel Ives của tổ chức Wedbush Securities (Mỹ), lệnh cấm có thể làm ảnh hưởng từ 10-15% doanh thu của iPhone tại Trung Quốc.
Có nhiều ý kiến cho rằng yếu tố chính trị có thể là một nhân tố tác động tới quyết định của tòa án Trung Quốc trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đang “ăn miếng, trả miếng” lẫn nhau do căng thẳng thương mại leo thang.
Trước đó, việc Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính (CFO) Huawei Mạnh Văn Châu bị bắt giữ tại Canada theo yêu cầu của Mỹ cũng đã thổi bùng lên ngọn lửa tẩy chay hàng Mỹ của người dân Trung Quốc, đặc biệt là các sản phẩm của Apple.
Trung Quốc đã triệu tập đại sứ Mỹ và Canada ở Bắc Kinh để phản đối vụ bắt giữ, đồng thời cảnh báo Canada sẽ phải hứng chịu “hậu quả nặng nề” nếu không thả bà Mạnh ngay lập tức.
Trong khi đó, một số công ty Trung Quốc đã thực thi các chính sách để ủng hộ Huawei như cấm và phạt tiền nhân viên nếu mua iPhone của Mỹ, yêu cầu nhân viên chỉ được phép sử dụng sản phẩm và phần mềm của Huawei, trợ giá cho nhân viên mua sản phẩm Huawei…
Theo Minh Đăng/VietnamFinance/SCMP