Home Ấn tượng 24H 10 sự kiện nổi bật của ngành ngân hàng năm 2018

10 sự kiện nổi bật của ngành ngân hàng năm 2018

0

Năm 2018, hoạt động ngành ngân hàng không sôi động như các năm của giai đoạn 2012 – 2016 nhưng vẫn nổi lên những sự kiện quan trọng. Điểm nổi bật của các sự kiện năm nay là tiếp tục mở rộng các vụ đại án liên quan đến ngành ngân hàng cùng các chuyển động có tính chiều sâu về tín dụng, công nghệ cũng như chuẩn mực hoạt động.

VietnamFinance đã tham khảo một số ý kiến chuyên gia và bạn đọc và dưới đây là 10 sự kiện nổi bật trong năm nay.

Dự trữ ngoại hối quốc gia đạt mức kỷ lục trên 60 tỷ USD

Vào tháng 6/2018, tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố con số dự trữ ngoại hối lên tới 63,5 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục tại thời điểm đó. Tuy nhiên, từ đó đến nay, con số này đã không được Ngân hàng Nhà nước cập nhật thêm lần nào.

BIDV và VietinBank có Chủ tịch Hội đồng quản trị mới

Ngày 1/9/2016, ông Trần Bắc Hà, chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV nghỉ hưu nhưng mãi đến 15/11/2018, ông Phan Đức Tú mới được bầu vào vị trí này.

Khác với việc bầu chủ tịch Hội đồng quản trị ở VietinBank diễn ra khá chóng vánh, ông Lê Đức Thọ được bầu làm chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng này chỉ sau 3 tháng kể từ lúc người tiền nhiệm rời đi.

Tổng phương tiện thanh toán và tín dụng tăng thấp nhất kể từ 2014

Cụ thể, tính đến 12/12/2018, tổng phương tiện thanh toán (M2) chỉ tăng 10,99%. Trong khi, con số này ở các năm như sau: 2014: 15,65%; 2015: 13,55%; 2016: 18,38%; 2017: khoảng 16%.

Cùng đó, tăng trưởng tín dụng cũng chỉ ở mức 14% – 15%.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc hãm đà tăng trưởng tín dụng và M2 là cần thiết để tránh bất ổn về lạm phát, hiệu suất đầu tư, tính bền vững của dòng tiền tín dụng ở những năm tiếp theo.

Ồn ào xung quanh việc cho phép thanh toán Nhân dân tệ (CNY) biên giới phía Bắc

Ngày 28/8/2018, Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc.

Mặc dù chỉ là thông tư hướng dẫn cụ thể hơn khung khổ pháp lý đã có và những văn bản ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc về ngoại giao, thương mại; tuy nhiên, nội dung “thanh toán bằng CNY” đã gây ồn ào trong một thời gian dài. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã xử lý kịp thời nhưng qua đó, cũng bộc lộ sự phối hợp giữa hoạt động truyền thông và nghiệp vụ chưa nhịp nhàng.

Tiếp tục ghi nhận một loạt đại án trong ngành ngân hàng

Ngày 23/11, Toà xử phạt ông Huỳnh Nam Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long – MHB (nay đã sáp nhập vào Ngân hàng BIDV) 13 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tiếp đó là mở rộng giai đoạn 2 xét xử vụ án Phạm Công Danh và thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng tại VNCB; xét xử vụ Ngân hàng Đông Á. Những vụ án này sẽ còn tiếp tục mở rộng và kéo dài dư chấn sang các năm tiếp theo.

Trong một diễn biến khác, ông Trần Bắc Hà và một số cựu lãnh đạo BIDV cũng đã bị truy tố vì các sai phạm trước đây.

NHNN công bố Bộ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa

Ngày 5/10/2018, lần đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 1927/QĐ-NHNN về Tiêu chuẩn cơ sở thẻ chip nội địa.

Đây là cơ sở giúp các ngân hàng và các hãng sản xuất thẻ và thiết bị chấp nhận thẻ dễ đang triển khai; khách hàng thanh toán đồng nhất trên hạ tầng thanh toán của toàn bộ các ngân hàng. Hiện tại NAPAS đang phối hợp với 6 ngân hàng triển khai thí điểm ứng dụng Bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa và dự kiến chính thức công bố phát hành ra thị trường những chiếc thẻ chip nội địa đầu tiên vào quý I/2019.

BIDV bị phiên toà sơ thẩm tuyên phải nộp lại trên 1.633 tỷ đồng

Tại bản án sơ thẩm vụ án Phạm Công Danh gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng tại Ngân hàng VNCB, đã quyết định thu hồi số tiền 1.633.714.696.000 đồng có nguồn gốc từ 1.800 tỷ đồng vay của Sacombank mà Phạm Công Danh dùng để trả nợ cho 2 khoản vay của Tập đoàn Thiên Thanh tại BIDV như là yếu tố “vật chứng”.

Sự kiện này gây chú ý đặc biệt đối với ngành ngân hàng và luật sư trong lĩnh vực này. Trong cáo trạng của Viện Kiểm sát cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh phục vụ phiên toà phúc thẩm, đã đề nghị Hội đồng xét xử phải kiến nghị cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao “làm rõ hậu quả của việc thu hồi số tiền hơn 1.633 tỷ đồng” nói trên, nếu toà phúc thẩm tuyên tương tự như bản án sơ thẩm.

Quyết định cuối cùng của vấn đề này sẽ ngã ngũ vào ngày 25/12/2018.

Hai ngân hàng công bố chính thức áp dụng basel II

Mặc dù chuẩn mực basel II đã được thí điểm áp dụng ở 10 ngân hàng cách đây 5 năm nhưng có vẻ như tiến trình này bị đình trệ ở một số đơn vị do không đủ khả năng để theo đuổi.

Điều gây ngạc nhiên, trong số 10 ngân hàng có tên tuổi lớn nhất hệ thống từng thí điểm basel II thì hai ngân hàng áp dụng sớm nhất lại là VIB và Vietcombank.

Basel II được biết đến như là chuẩn mực hiện đại, phổ biến ở hệ thống ngân hàng hiện đại trên thế giới. Tuy nhiên, đó cũng là rào cản khắt khe về an toàn vốn và các tiêu chí phòng ngừa rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động, không dễ vượt qua.

Chính phủ ban hành Nghị định 116 về tín dụng “tam nông”

Ngày 7/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Điểm mới ở Nghị định 116 là tăng gấp đôi mức cho vay không cần tài sản bảo đảm đối với hộ nông dân, chủ trang trại. Cùng một loạt cơ chế mới như: cho vay tối đa 70% tổng mức dự án (không thế chấp), cho phép dùng tài sản trên đất nông nghiệp (nhà kính, nhà lưới…) để thế chấp, Chính phủ muốn trợ lực cho mục tiêu “nông nghiệp sạch” và “ứng dụng công nghệ cao” đã đề cập nhiều lần trước đó.

Thống đốc Lê Minh Hưng đứng thứ 5 về “tín nhiệm cao” trong khối lãnh đạo Chính phủ.

Ngày 25/10, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV, đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh.

Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận được 339 phiếu “tín nhiệm cao”, 122 phiếu “tín nhiệm” và 11 phiếu “tín nhiệm thấp”.

So sánh với 48 chức danh lấy phiếu mà Quốc hội đưa ra, số phiếu “tín nhiệm cao” của Thống đốc đứng thứ 10; đồng thời, đứng thứ 5  về số phiếu “tín nhiệm cao” trong khối Chính phủ.

Kết quả này phản ánh dấu ấn điều hành chính sách tiền tệ của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã phục vụ hiệu quả các mục tiêu vĩ mô về lạm phát, tăng trưởng mà Quốc hội giao cho Chính phủ. Cùng đó, thể hiện sự kiên định về các mục tiêu khác nội tại của ngành như tái cơ cấu, xử lý nợ xấu và áp dụng các chuẩn mực quản trị hiện đại.

Theo VietnamFinance