Ngày 27/12, Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) phát đi thông báo đã được Ngân hàng Nhà nước công nhận đạt chuẩn mực basel II trước thời hạn.
Theo OCB, trước khi trình Ngân hàng Nhà nước toàn bộ hồ sơ để công nhận đạt chuẩn basel II, OCB đã thuê Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS) tư vấn triển khai dự án Basel II cho OCB. Quá trình này kéo dài hàng năm và đã được DBS công nhận vào ngày 6/12/2017.
Trong hoạt động ngân hàng, theo đuổi basel II là phải chấp nhận một hành trình “đau khổ” khi phải chôn cả nghìn tỷ đồng (tuỳ thuộc quy mô) để làm “tấm đệm tài chính” phòng khi rui ro khủng hoảng xảy ra, thay vì đưa ra vận hành kinh doanh.
Ví dụ, theo quy định Thông tư 19 của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm 2017 là vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn không được vượt quá 45% nhưng nhưng ngân hàng nào áp dụng basel II thì phải rút tỷ lệ này xuống 30% như OCB.
Hay như trong trụ cột thứ nhất của basel II, mặc dụ hệ số CAR vẫn là 8%/tổng tài sản có rủi ro như basel I, nhưng ở basel II, trọng số này (mẫu số) phình to lên, khiến lượng vốn mà ngân hàng chôn vào đó nhiều thêm, chi phí vốn đội lên.
Đó cũng là một phần lý do mà trong 10 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước đưa vào thí điểm đã 5 năm nay nhưng chỉ có Vietcombank và VIB hoàn thành theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước vào tuần trước và nay là OCB.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, toàn hệ thống (khoảng 100 tổ chức tín dụng, trong đó có trên 30 ngân hàng thương mại) mới chỉ có 3 đơn vị đạt chuẩn basel II.
Áp dụng Basel II là chấp nhận hành trình “đau khổ” do chi phí vốn đội lên. Ảnh: Đỗ Phượng
Theo Nguyễn Hoài/VietnamFinance