Bình luận về vấn đề tăng thuế xăng dầu lên kịch khung 4.000 đồng/lít, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, nó có tác động rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế trong nước.
Chiều 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Theo đó, từ 1/1/2019 thuế môi trường với xăng sẽ tăng lên kịch khung 4.000 đồng/lít (tăng 1.000 đồng so hiện tại), với dầu hoả là 1.000 đồng/lít (tăng 700 đồng so với hiện tại), dầu diesel là 2.000 đồng (tăng 500 đồng so hiện tại)…
Để làm rõ hơn về những tác động của việc thay đổi biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi ngắn với chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long.
Việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng lên kịch khung kể từ ngày 1/1/2019. Theo ông, có nên tăng thuế môi trường đối với xăng dầu vào thời điểm này hay không?
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan lập pháp đã ban hành thì mọi người nên chấp hành và tuân theo. Tuy nhiên, dưới góc độ là một nhà nghiên cứu về xăng dầu, tôi cũng có một số trăn trở, suy nghĩ.
Trong bối cảnh hiện nay, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như là doanh nghiệp, đặc biệt là thu nhập bình quân của người tiêu dùng thuộc loại trung bình thấp so với thế giới. Theo số liệu công bố năm 2017, thu nhập bình quân đầu người là 2.400 USD/người và dự tính trong năm 2018 sẽ tăng lên nhưng vẫn ở mức thấp so với thế giới.
Khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng còn rất nhiều hạn chế và trong thời kỳ hội nhập, yếu tố quyết định đối với doanh nghiệp là khả năng cạnh tranh.
Xăng là một mặt hàng vật tư chiến lược hết sức quan trọng, là đầu vào của một nền kinh tế và mỗi lần điều chỉnh giá bán nó có tác động rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế trong nước. Chính vì vậy, việc điều chỉnh giá xăng tăng hay giảm cần phải xem xét kỹ lưỡng sao cho phù hợp với tình hình thực tế của từng đất nước.
Vào tháng trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng từng họp và đưa ra một thông báo là từ nay tới trước năm 2020 thì giá xăng dầu sẽ không điều chỉnh, tức là sẽ không tăng thuế đối với xăng dầu. Cũng không hiểu tại sao vào tháng 8/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại ra Nghị quyết như vậy.
Khi ra một Nghị quyết, chúng ta cần phải xem xét, cân nhắc hết sức cụ thể về những mặt tác động của nó, chỗ nào được chỗ nào chưa được. Hay nói cách khác là cần phải xem xét huệ luỵ của nó.
Việc Bộ Tài chính nói tăng thuế môi trường với xăng dầu không ảnh hưởng nhiều đến đến CPI (chỉ số giá tiêu dùng). Ông đánh giá thế nào về điều này?
Theo quan điểm cá nhân tôi thì đây là lý lẽ của một cơ quan chức năng đưa ra thì không biết đã có cơ quan độc lập đứng ra xem xét và phản biện hay chưa, nó có chính xác như vậy hay không?
Bởi một vấn đề nghiên cứu đòi hỏi cần phải có nhiều phương án thì mỗi một phương án sẽ có một cách tiếp cận khác nhau cũng như cách đánh giá khác nhau.
Giá xăng dầu phụ thuộc vào những yếu tố nào, thưa ông?
Giá xăng dầu được căn cứ vào giá của thế giới, cộng vào đó là phải căn cứ vào chính sách tài chính của từng quốc gia (đó là căn cứ vào thuế và phí). Thuế và phí ở mỗi quốc gia khác nhau thì giá cũng sẽ khác nhau.
Trước Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng lên kịch khung từ ngày 1/1/2019, ông có thể đưa ra một số giải pháp để hạn chế những tác động?
Trong bối cảnh đó, người tiêu dùng cần phải sử dụng hết sức tiết kiệm và tính toán một cách hợp lý việc sử dụng nguồn nhiên liệu. Còn đối với doanh nghiệp thì cần phải cần phải xem xét lại định mức hoặc trong quá trình sử dụng sản phẩm cần phải nghiên cứu và thay đổi so cho phù hợp.
Theo Lê Ngà/VietnamFinance