Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo quyết định, khu du lịch quốc gia Mũi Né có diện tích 14.760ha, trong đó diện tích vùng lõi tập trung phát triển, hình thành các khu chức năng du lịch khoảng 1.000ha.
Ranh giới khu du lịch quốc gia Mũi Né được xác định: phía bắc giới hạn bởi đường Võ Nguyên Giáp và các đường tỉnh 715, 716, 716B; phía đông giáp sông Lũy và Biển Đông; phía tây dọc theo ranh giới hành chính phường Phú Hải, thành phố Phan Thiết; phía nam giáp Biển Đông.
Mục tiêu phát triển khu du lịch quốc gia Mũi Né được nêu rõ là nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tầm cỡ để phát triển Mũi Né thành điểm đến hấp dẫn, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống du lịch của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước; phấn đấu đến năm 2030, đưa Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Cụ thể, về mục tiêu khách du lịch, quyết định nêu phấn đấu đến năm 2025 đón 9 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 1,5 triệu lượt; đến năm 2030 đón 14 triệu lượt khách, riêng khách quốc tế trên 2,5 triệu lượt.
Về mục tiêu tổng doanh thu từ khách du lịch, kế hoạch đến năm 2025 đạt 24.000 tỷ đồng; phấn đấu đến năm 2030 đạt 50.000 tỷ đồng.
Về phát triển buồng lưu trú, nhu cầu buồng đến năm 2025 là trên 21.000 buồng, đến năm 2030 là trên 41.000 buồng.
Quyết định của Thủ tướng cũng nêu rõ việc hình thành các phân khu du lịch chính của khu du lịch quốc gia Mũi Né. Cụ thể, phân khu du lịch biển cao cấp Bắc Bình (dải ven biển từ Hòa Thắng đến giáp bãi biển Long Sơn, diện tích 500ha) là khu vực hạt nhân trong định hướng phát triển Mũi Né. Khu vực này tập trung phát triển các tổ hợp du lịch đa năng với các sản phẩm du lịch cao cấp, đặc biệt là nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí, nông nghiệp kết hợp đô thị, khám phá biển đảo.
Phân khu du lịch biển Mũi Né (dải ven biển khu vực Mũi Né và Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết, diện tích 349ha) là phân khu cốt lõi của khu du lịch quốc gia Mũi Né. Khu vực này tập trung phát triển các không gian công cộng kết hợp với các mô hình khu nghỉ dưỡng quy mô vừa và nhỏ; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đặc biệt là sản phẩm vui chơi giải trí, các hoạt động về đêm.
Phân khu du lịch chuyên đề – du lịch cát (một phần phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết và xã Thiện Nghiệp, diện tích 100ha), là khu vực khai thác các đặc trưng về cảnh quan cát, sinh thái nông nghiệp, phát triển các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, góp phần đa dạng hóa sản phẩm cho khu du lịch quốc gia Mũi Né như nghỉ dưỡng, thể thao cát kết hợp các sản phẩm du lịch gắn liền với sinh thái nông nghiệp, dã ngoại.
Ngoài ra, khu du lịch quốc gia Mũi Né cũng phát triển 4 trung tâm dịch vụ gắn với các khu vực phát triển đô thị theo định hướng phát triển đô thị của tỉnh Bình Thuận, có chức năng cung cấp các dịch vụ, sản phẩm bổ trợ và hậu cần như: trung tâm dịch vụ du lịch Hàm Tiến, trung tâm dịch vụ du lịch Mũi Né, trung tâm dịch vụ du lịch Hòa Thắng, trung tâm dịch vụ du lịch Suối Nước.
Về phát triển hệ thống lưu trú, quyết định của Thủ tướng nhấn mạnh việc ưu tiên phát triển các loại hình cơ sở lưu trú cao cấp gắn với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng đặc thù tại các phân khu du lịch trên, đồng thời chú trọng phát triển cơ sở lưu trú gắn với cộng đồng như nghỉ dưỡng tại các làng chài, lưu trú tại nhà dân và tại các trung tâm dịch vụ du lịch;
Phát triển các loại hình lưu trú cao cấp (khách sạn 4 – 5sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp, biệt lập) và hệ thống vui chơi giải trí, dịch vụ phụ trợ… ở khu vực xã Hòa Thắng, Hồng Phong huyện Bắc Bình, xã Hòa Phú huyện Tuy Phong thành phố Phan Thiết, khu suối nước nóng Bưng Thị.
Còn các khách sạn, nhà nghỉ cộng đồng quy mô nhỏ thì phát triển ở khu vực trung tâm các phường Mũi Né, Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết và các điểm du lịch cộng đồng như làng chài Mũi Né, làng nghề nước mắm Phú Hải…
Theo Tào Minh/VietnamFinance