Dự báo đến năm 2020, các đô thị cả nước sẽ có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Để đáp ứng nhu cầu này cần phải xây dựng 700.000 căn hộ.
Đây cũng chính là nội dung được các chuyên gia bàn luận tại Hội thảo “Phát triển Nhà ở xã hội tại Việt Nam – Giải pháp và kinh nghiệm quốc tế” được tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 23 – 24/1.
Nhu cầu cấp thiết
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, tại Việt Nam, nhu cầu nhà ở xã hội (NƠXH) ngày càng bức thiết hơn bởi cơ cấu dân số bước vào cơ cấu dân số vàng, với 70% dân số trong độ tuổi lao động. Đặc biệt là tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, dân số gia tăng trong khi quỹ đất để phát triển các công trình hạ tầng, như: Nhà ở, giao thông và các dịch vụ công cộng đang ngày càng thiếu hụt.
“Đến năm 2020, có khoảng 1,7 triệu người gặp khó khăn về nhà ở, phải sinh sống trên diện tích dưới 5m2/người. Mục tiêu đến năm này cần xây dựng thêm ít nhất 12,5 triệu mét vuông sàn NƠXH hướng tới tầng lớp dân cư có mức thu nhập thấp tại các khu vực đô thị; đáp ứng khoảng 80% số sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp dạy nghề và khoảng 70% số công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở; hỗ trợ khoảng 500.000 hộ gia đình (theo chuẩn nghèo mới) tại khu vực nông thôn cải thiện nhà ở” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nói.
Để thúc đẩy sự phát triển của thị trường NƠXH, Chính phủ đã đưa ra nhiều cơ chế tích cực, như các dự án NƠXH được miễn hoàn toàn tiền sử dụng đất, miễn giảm các loại thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập DN. Tạo điều kiện để chủ đầu tư tiếp cận nguồn vay ưu đãi và được ngân sách cấp bù khoản lãi suất để cho vay lãi suất ưu đãi thấp hơn thị trường, Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí ngoài dự án. Trong dự án nhà ở xã hội, chủ đầu tư được dành 20% quỹ đất, quỹ nhà theo hình thức nhà ở thương mại để góp phần bù đắp chi phí…
Xã hội hóa các dự án
Theo ông Trần Hữu Hà – Giám đốc Học viện AMC, Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”, được xem là cơ hội thuận lợi để nâng cao hiệu quả tăng trưởng kinh tế của đất nước, nhưng cũng là áp lực không nhỏ đối với vấn đề nhà ở. Trên thực tế, giải quyết vấn đề nhà ở vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tốc độ đô thị hóa nhanh, quỹ đất ngày càng hạn hẹp, đặc biệt là trong khu vực trung tâm. Trong khi đó, hệ thống hạ tầng chưa được kết nối giữa khu vực trung tâm và các vùng lân cận.
Quỹ đất xây dựng NƠXH xa trung tâm mới có thể khả thi. Bên cạnh đó là khó khăn về nguồn vốn, mặc dù Nhà nước đã có hỗ trợ về đầu tư công, tuy nhiên việc bố trí chưa kịp thời cũng ảnh hưởng phần nào đến việc chậm trễ trong công tác triển khai. Nhu cầu là 1 triệu đơn vị NƠXH nhưng thực tế mới chỉ đáp ứng được khoảng 30%”.
Các chuyên gia và nhà nghiên cứu cho rằng, giải pháp cho NƠXH tại các đô thị lớn của Việt Nam trong thời gian tới đang tập trung vào 6 hướng chính: Nghiên cứu phát triển bền vững nhà ở xã hội; nghiên cứu giải pháp cân bằng lợi ích giữa các bên tham gia vào NƠXH; nghiên cứu giải pháp quy hoạch xây dựng hiệu quả; nghiên cứu hoàn thiện các tiêu chuẩn thiết kế và tiêu chuẩn chất lượng NƠXH; nghiên cứu các giải pháp nhà ở dành cho người thu nhập thấp và người lao động tại các Khu công nghiệp – Khu chế xuất; nâng cao vai trò của người dân trong quy trình triển khai, thiết kế NƠXH.
“Một trong những vấn đề trọng tâm về giải pháp tăng cường phát triển NƠXH trong thời gian tới là việc huy động các nguồn lực từ khối kinh tế tư nhân, để mọi người có thể tiếp nhận nhà ở an toàn, phù hợp với khả năng chi trả. Từ đó NƠXH sẽ tiếp tục góp phần quan trọng để tạo công ăn việc làm, cải thiện môi trường sống” – ông Trần Hữu Hà chia sẻ.