Home Ấn tượng 24H Lợi nhuận 2018 giảm 61%, Vinaconex loay hoay “dọn” khối nợ 12...

Lợi nhuận 2018 giảm 61%, Vinaconex loay hoay “dọn” khối nợ 12 nghìn tỷ

0

Hoạt động kinh doanh ngày càng sa sút nên lợi nhuận trước thuế năm 2018 của Vinaconex chỉ đạt 788 tỷ đồng, giảm gần 60% so với năm trước. Áp lực trả nợ vay, gánh nặng lãi suất vẫn tiếp tục “bào mòn” lợi nhuận nhiều năm qua…

Lợi nhuận hẻo chỉ đạt 788 tỷ đồng

Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã: VCG) vừa công bố BCTC quý 4/2018 với nhiều chỉ tiêu kinh doanh sụt giảm mạnh.

Cụ thể, theo BCTC hợp nhất, trong quý 4/2018, doanh thu thuần của Vinaconex chỉ đạt gần 3.341 tỉ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu hoạt động tài chính sụt giảm tới 73% so với quý IV/2017, chỉ đạt 447 tỷ đồng.

Điểm tích cực là công ty đã tiết giảm các chi phí đáng kể, đơn cử: chi phí quản lý doanh nghiệp quý 4 đã giảm dc 42 tỷ đồng, chi phí tài chính giảm 18 tỷ đồng… song chi phí bán hàng lại tăng 8,5 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận thuần tư hoạt động kinh doanh chỉ đạt 291 tỷ đồng, sụt giảm tới 77% so với cùng kỳ quý 4/2017. Song nhờ có các thu nhập khác 63 tỷ đồng, nên lợi nhuận trước thuế quý 4 đạt 340,5 tỷ đồng, chỉ bằng 1/4 so với cùng kỳ năm trước đạt gần 1.282 tỷ đồng.

Luỹ kế cả năm 2018, Vinaconex ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 9.721 tỷ đồng, giảm 10,4% so với năm 2017 và hoạt động tài chính đem về 258,6 tỷ đồng doanh thu…

Lợi nhuận thuần kinh doanh đạt 724 tỷ đồng, song Vinaconex ghi nhận lợi nhuận khác 64 tỷ đồng nên tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 788 tỷ đồng, giảm gần 60% so với năm 2017, lãi sau thuế còn 635,6 tỷ đồng.

Riêng lãi ròng công ty mẹ đạt 495,5 tỷ đồng, giảm 63% so với năm trước. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 1.122 đồng/CP, chỉ bằng 1/3 năm trước.

Tính đến ngày 31/12/2018, tổng tài sản của Vinaconex đạt 20.083 tỷ đồng, trong đó giá trị tiền mặt và tiền gửi 2.949 tỷ đồng, giảm hơn 500 tỷ đồng so với đầu năm.

Giá trị hàng tồn kho đến cuối năm đã giảm bớt, chỉ còn 3.505 tỷ đồng, song công ty phải trích dự phòng tới 27 tỷ đồng.

Căng thẳng trả nợ vay

Năm 2018, quy mô Nợ phải trả của Vinaconex đã giảm được 1.707 tỷ đồng so với đầu năm, xuống còn 12.063 tỷ đồng. Hệ số Nợ phải trả /Vốn chủ sở hữu là 1,52 lần, đã cải thiện giảm thấp hơn so với mức 1,77 hồi đầu năm.

Tuy nhiên, cơ cấu nợ của Vinaconex vẫn đang phản ánh mức độ rủi ro cân đối thanh khoản khi Nợ phải trả ngắn hạn chiếm tỷ trọng rất lớn tới 74% tổng Nợ phải trả, tương đương 8.940 tỷ đồng (giảm 1.495 tỷ đồng so với năm 2017). Trong số này, công nợ lớn phải trả là Nợ trả cho nhà cung cấp, tiền người mua trả trước, vay và nợ thuê tài chính… lên tới vài nghìn tỷ đồng ở mỗi khoản mục.

Còn nợ phải trả dài hạn giảm nhẹ còn 3.124 tỷ đồng, chủ yếu là doanh thu chưa thực hiện dài hạn, vay và nợ thuê tài chính. Do vay nợ lớn nên chi phí lãi vay năm qua của công ty lên tới 281 tỷ đồng.

Xét riêng quy mô nợ vay và nợ thuê tài chính, con số nợ có sự giảm bớt song vẫn còn ở mức cao tới 3.708 tỷ đồng. Thuyết minh lưu chuyển dòng tiền cho thấy, trong năm 2018, Vinaconex đã vay được gần 4.268 tỷ đồng nhưng đã đem trả nợ gốc vay tới 4.596 tỷ đồng. Số tiền trả nợ gốc bằng tới 50% doanh thu của cả tổng công ty, hay nói cách khác, Vinaconex tạo ra 2 đồng doanh thu thì phải dành tới 1 đồng để trả nợ gốc, chưa kể trả nợ lãi vay, các khoản công nợ khác… lên tới cả nghìn tỷ đồng.

Có thể thấy, áp lực tài chính vay nợ và cơ cấu nguồn để trang trải nợ nần của Vinaconex vẫn rất căng thẳng trong suốt nhiều năm qua, nhất là từ giai đoạn 2011 khi ngân hàng siết chặt tín dụng, lãi vay tăng cao, thị trường bất động sản lao đao… khiến các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng như Vinaconex lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất. Thực tế, hàng loạt công ty thành viên của Vinaconex đã báo lỗ trong nhiều năm qua, các dự án bất động sản đầu tư bị dở dang, thiếu vốn, phải tính đường chuyển nhượng lại trong bối cảnh thị trường kém thanh khoản.

Hiện, chưa rõ dàn lãnh đạo HĐQT mới của Vinaconex sẽ làm gì để giải bài toán nợ nần của công ty này, thay vì tiếp tục duy trì tình trạng “giật gấu vá vay” nợ nần suốt chục năm qua?

Trước đó, theo chủ trương thoái vốn ngoài ngành và cơ cấu doanh nghiệp, cuối năm 2018, Viettel và SCIC đã thoái hết vốn khỏi Vinaconex để chuyển giao cho tư nhân với kỳ vọng “vực dậy” tổng công ty này. Dù làm ăn kém hiệu quả, từng thua lỗ, gánh nợ lớn… song khối tài sản dự án, quỹ đất mà Vinaconex sở hữu, hay quản lý vẫn còn là “miếng bánh” hấp dẫn các doanh nghiệp tư nhân.

Đơn cử: Dự án cải tạo khu chung cư cũ 97-99 Láng Hạ, Dự án hạ tầng Khu công nghệ cao 2 Hòa Lạc, Dự án chung cư 2B Vinata Towers, Dự án cải tạo chung cư cũ 93 Láng Hạ.

Đáng chú ý nhất là các dự án có quỹ đất rộng như dự án khu nhà ở thu nhập thấp 18,5 héc ta Bắc An Khánh, Dự án cải tạo khu chung cư cũ Thượng Đình và Thanh Xuân Bắc; Dự án tòa nhà văn phòng D9 giai đoạn 2 (VC1), Thủy điện Xuân Minh…

Theo Hải Hà/Thương Gia