Bà Lê Thị Băng Tâm, bà Trần Thị Lâm và bà Lê Thu Thủy là những “nữ tướng” tuổi Hợi đang chèo lái các công ty, tập đoàn lớn với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
3 ‘nữ tướng’ tuổi Hợi quyền lực trên thương trường Việt
“Nữ tướng” của Vinamilk Lê Thị Băng Tâm
Vào năm 2013, cổ đông Vinamilk đã “sốc” với bản đệ trình tách chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Vinamilk. Và từ ngày 25/7/2015, bà Lê Thị Băng Tâm, thành viên độc lập HĐQT Vinamilk được bầu làm Chủ tịch HĐQT Vinamilk, còn bà Mai Kiều Liên làm Tổng giám đốc.
Vào thời điểm đó, bà Tâm được một nhóm cổ đông đại diện cho khoảng 11% vốn cổ phần giới thiệu. Được biết, 11% nói trên là nhóm cổ đông nhỏ lẻ nước ngoài và trong nước, đặc biệt trong đó có 3% cổ đông là các cán bộ nhân viên Vinamilk.
Người nhận chức Chủ tịch HĐQT của Vinamilk thay bà Mai Kiều Liên là một nữ doanh nhân được nể trọng với bề dày 40 năm kinh nghiệm trên thương trường và từng đảm nhiệm trọng trách quan trọng trong bộ máy quản lý nhà nước về tài chính.
Bà Lê Thị Băng Tâm sinh năm Đinh Hợi 1947 tại Tuy Hòa, Phú Yên. Bà là Tiến sỹ Kinh tế Đại học Kinh tế Tài chính Leningrad (Liên Xô trước đây) và có chứng chỉ Tài chính Quốc tế của Noth University (Anh).
Sau quãng thời gian gần 4 thập kỷ công tác tại các cơ quan nhà nước, bà Tâm từng giữ chức Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Hội đồng Quản trị – Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Hiện tại, bà đang là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank) và Chủ tịch HĐQT Vinamilk.
Bà Lê Thị Băng Tâm sinh năm 1947 Đinh Hợi, Chủ tịch HĐQT Vinamilk.
Dưới sự điều hành của bà Tâm, HDBank đã có nhiều hoạt động khởi sắc. Đây là ngân hàng được tạp chí Asiamoney và Euromoney trao tặng giải thưởng dịch vụ quản lý tiền tệ tốt nhất Việt Nam. Nhà băng cũng vinh dự đón nhận Huân chương lao động hạng ba do Chủ tịch nước trao tặng.
Cũng là người tiếp quản thương hiệu Vinamilk từ năm 2015 tới nay, bà Lê Thị Băng Tâm đã chứng tỏ mình xứng đáng với lựa chọn của cổ đông khi tiếp tục giữ vững thương hiệu và phát triển Vinamilk ở ngôi vị thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam.
Có một điểm không nhiều người biết, bà Tâm từng là Chủ tịch SCIC – Công ty mẹ của Vinamilk và ở cương vị này, bà đã cùng bà Mai Kiều Liên đưa Vinamilk từ một doanh nghiệp nhà nước nhỏ lên vị trí thống lĩnh thị trường, vượt qua nhiều thương hiệu nước ngoài, tự tin bước tới mục tiêu công ty sữa nổi tiếng thế giới.
Bà được nhìn nhận là người đã có nhiều đóng góp cho lĩnh vực quản lý tài chính và ngân sách quốc gia, là một trong những người có công sức tạo nền móng cho thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm và đặc biệt thành công trong công tác tài chính đối ngoại. Bà cũng là người có tư tưởng tân tiến, có cái nhìn đổi mới trong công tác tài chính và quản trị doanh nghiệp.
Nữ doanh nhân năm nay bước sang tuổi thất thập 70 hiện vẫn là một nhân vật có ảnh hưởng lớn trên thương trường.
Nữ chủ tịch sở hữu tài sản nghìn tỷ: Trần Thị Lâm
Sau “nữ tướng” của Vinamilk, bà chủ Tập đoàn Hoa Lâm – Trần Thị Lâm cũng là một nhân vật quyền lực trên thương trường. Bà Lâm sinh năm Kỷ Hợi 1959 tại huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Năm 1993, bà cùng chồng mình là ông Dương Ngọc Hòa bắt đầu sự nghiệp với việc kinh doanh xe gắn máy từ hai bàn tay trắng.
Bằng những tìm tòi sáng tạo, năm 1998 bà độc quyền bán xe máy của hãng Daelim (Hàn Quốc), và một năm sau đó thành lập Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải Nhất Nguyên, sau này đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Hoa Lâm (Tập đoàn Hoa Lâm).
Trong năm 1999, bà đã bán được khoảng gần 100.000 xe trong một năm với trên 300 công nhân và gần 200 cửa hàng, đại lý bán xe trên toàn quốc đạt doanh thu và đóng thuế hàng nghìn tỷ.
Không dừng lại ở việc kinh doanh xe máy, bà Lâm là người đầu tiên khôi phục và sáng lập Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank), sau đó vươn sang lĩnh vực bất động sản.
Bà chủ Tập đoàn Hoa Lâm – Trần Thị Lâm sinh năm Kỷ Hợi 1959.
Hiện nay, Tập đoàn Hoa Lâm đang sở hữu và đầu tư một số dự án bất động sản ở trung tâm TP. HCM, trong đó có cao ốc Lim Tower 1 và 2, tòa nhà VietBank, khu dân cư 2-3-4 phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2), dự án văn phòng kết hợp khu thương mại căn hộ 1,6ha nằm liền kề khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi và khu du lịch làng Chài ở huyện Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu…
Năm 2008, Hoa Lâm được Thủ tướng Chính phủ giao 37,5ha đất tại khu Tên Lửa quận Bình Tân (TP. HCM) để xây dựng “Thành phố y tế” với 6 bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế và nhiều trung tâm dịch vụ đi kèm phục vụ khu này.
Khu Y tế kỹ thuật cao ra đời với liên doanh Hoa Lâm – Shangri La được thành lập có tổng vốn đầu tư lên đến 1 tỷ USD. Liên tiếp những năm sau đó, Hoa Lâm thành công khi mời được các nhà đầu tư lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản…tham gia các dự án trung tâm thương mại, thực phẩm, đào tạo nhân sự tại Khu y tế kỹ thuật cao.
Tháng 7/2015, Hoa Lâm khởi công xây dựng Bệnh viện Quốc tế Hoa Lâm – theo mô hình PPP công tư kết hợp giữa Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hoa Lâm và Bệnh viện Nhân dân 115. Bệnh viện Quốc tế Hoa Lâm là bệnh viện thứ 2 trong tổng số 6 bệnh viện quy hoạch trong Khu Y tế kỹ thuật cao.
Theo “nữ tướng” Hoa Lâm, để thành công cần rất nhiều yếu tố, cái tâm, chữ tín, chữ tầm… 3 chữ T đó phải gắn liền. “Với tôi, để đạt tới thành công trước tiên doanh nghiệp phải có người đứng đầu xuất sắc; người đó phải biết kết nối, tận dụng, nhìn nhận và đánh giá đúng về con người. Nếu người đó cho dù tài giỏi bao nhiêu nữa nhưng không biết liên kết, tập hợp nhân tài thì cũng khó thành công”, bà Lâm từng chia sẻ.
Lê Thu Thủy – “bóng hồng quyền lực” thứ 2 tại SeABank
CEO của SeABank Lê Thu Thủy sinh năm Quý Hợi 1983.
Nữ CEO trẻ tuổi nhất của SeABank Lê Thu Thủy sinh năm 1983, có thâm niên làm việc hơn 10 năm tại nhà băng này và nhiều năm kinh nghiệm làm việc ở các tổ chức tài chính ngân hàng quốc tế. Tại SeABank, bà Lê Thu Thủy đã trải qua hầu hết vị trí công tác tại các bộ phận trong ngân hàng.
Bà Thủy được xem là người có vai trò to lớn trong việc lên kế hoạch, kết nối và chỉ đạo triển khai việc phát triển hệ thống khách hàng lớn của SeABank. 12 tổng công ty trong Tập đoàn Dầu khí, trong đó có những tên tuổi như PVEP, PVGas, PVD, PVI hay các tổng công ty như VietnamAirlines, các địa phương như UBND TP. Hải Phòng… đã trở thành đối tác chiến lược của SeABank.
Từng được coi là người quyền lực thứ 2 tại SeABank sau mẹ là bà Nguyễn Thị Nga, nhiều người nói rằng “Thu Thủy không được hưởng bất cứ đặc quyền nào”. Lê Thu Thủy đã trải qua mọi vị trí và đảm nhận mọi nghiệp vụ tại Ngân hàng để có thể cảm nhận và thấu hiểu rõ nhất về nơi mình sẽ gắn bó.
Không chỉ được đánh giá cao tại ngân hàng SeABank, bà Lê Thu Thuỷ còn để lại nhiều “tiếng tăm” trên thị trường tài chính khi mới hơn 30 tuổi đã ẵm hàng chục giải thưởng, bình chọn danh giá cả trong nước và thế giới, như bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, “Nhà lãnh đạo ngân hàng năng động nhất 2016”; “Nhà lãnh đạo ngân hàng trẻ xuất sắc nhất Việt Nam 2014” của tổ chức Global Banking & Finance Review; “Top 10 doanh nhân trẻ thế hệ tiếp nối” của Tạp chí Forbes.
Năm 2017, bà Lê Thu Thủy được The Asian Banker (Singapore) chọn là nhà lãnh đạo ngân hàng trẻ triển vọng Việt Nam. Cũng trong năm 2017, bà Thủy được Mạng lưới doanh nhân nữ ASEAN (AWEN) vinh danh là “Doanh nhân nữ tiêu biểu ASEAN” đồng thời là doanh nhân Việt Nam duy nhất được Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC) vinh danh giải Legacy Award dành cho “Doanh nhân biểu tượng tại mỗi quốc gia trong khối ASEAN”.
Tuy ồn ào trong sự nghiệp nhưng bà Thuỷ lại có một đời tư khá bí ẩn. Được biết, chồng bà Thuỷ là người Mỹ, giảng viên một trường đại học lớn, bản thân bà Thuỷ tốt nghiệp 2 bằng đại học danh giá tại đại học George Mason, Mỹ.
CEO của SeABank từng chia sẻ: “Là nữ doanh nhân trẻ trong giai đoạn lập gia đình như Thủy phải sắp xếp thời gian để cân bằng công việc và gia đình, thời điểm nào mình cần cho công việc, thời điểm nào mình cần cho gia đình nhất chứ không thể cầu toàn cả hai việc một lúc”.
Theo Lệ Chi/VietnamFinance