Tết Nguyên Đán là Tết cổ truyền của người Việt Nam, mở đầu năm mới. Cảm thức dân gian cho rằng đây là lúc mở đầu vòng quay mới của vũ trụ sau bốn mùa: Xuân – Hạ – Thu – Đông. “Ăn Tết” là một nét sinh hoạt có tính chất phong tục, một phong cách ứng xử của con người trong lĩnh vực văn hóa ẩm thực.
Ông đồ viết chữ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Công Hùng
Thú vui đi chợ Tết
Đi chợ là bước chuẩn bị cho ăn uống trong ba ngày Tết. Ngày trước, trong các gia đình có người vợ đảm đang thì họ đi chợ Tết từ đầu tháng Chạp. “Người vợ ngày nào cũng dậy từ tinh mơ đi chợ để bắt đầu mua các thứ đồ nấu cất sẵn ở một chỗ vì sợ để đến Rằm tháng Chạp mới mua thì đã kém ngon mà lại đắt” (Vũ Bằng – Thương nhớ mười hai).
Cái sự đi chợ Tết bây giờ dĩ nhiên khác trước vì dịch vụ xã hội, thương mại điện tử khiến cho nhà nhà không phải lo tích trữ thực phẩm. Hệ thống siêu thị, phương thức bán hàng qua điện thoại, qua mạng đã giúp các “nội tướng” tốn ít thời gian hơn cho chuyện chợ búa ngày Tết.
Nhưng đi chợ Tết rất có thể vẫn là một thú vui không dễ bỏ. Chợ là bộ mặt đời sống kinh tế – văn hóa của một vùng, là cái “nhiệt kế thị trường” nhìn vào đó sẽ thấy tăng trưởng hay khủng hoảng. Hà Nội có rất nhiều chợ nổi tiếng như chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ Mơ, chợ Hàng Da, chợ Bưởi, chợ Cửa Nam… Nhưng có lẽ điển hình nhất là chợ Đồng Xuân. Thạch Lam gọi chợ Đồng Xuân là “cái bụng của Hà Nội”. Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Quốc Vượng cũng có lý do khi viết “chợ Đồng Xuân là biểu tượng của văn hóa ẩm thực Hà Nội cũng như chợ Đông Ba là biểu tượng văn hóa ẩm thực Huế, chợ Bến Thành là biểu tượng của văn hoá ẩm thực Sài Gòn…”.
Đi chợ Tết không có nghĩa chỉ là đi sắm, đi mua sản vật lương thực, thực phẩm mà còn đi mua câu đối, xin chữ và đi chợ hoa. Bây giờ thì chợ hoa tràn ra khắp Hà Nội không chỉ 36 phố phường mà chợ hoa có mặt khắp mọi nơi. Đôi khi, người ta đi chợ Tết mà chẳng mua bán gì, chỉ để ngắm nhìn thiên hạ hồ hởi, hân hoan đi sắm Tết mà thôi.
Còn đâu hương vị Tết xưa?
Bây giờ hình như người Hà Nội “tạp” hơn trong ẩm thực. Cái hình ảnh đẹp về Tết “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” xem ra cũng nhạt nhòa dần vì nhiều lẽ. Cái màu, cái mùi, cái vị, cái âm thanh Tết bây giờ đã khác xưa nhiều lắm.
Ở Hà Nội xưa, trong những gia đình khá giả có món trứng đen được ưa dùng trong ngày Tết. Người ta dùng chè mạn loại ngon, đun lấy nước đặc, rồi đem tôi vôi, cho thêm một ít đinh hương, hoa hồi và quế chi. Sau đó nước này đem đun sôi, rồi thả từng quả trứng gà (hay vịt) vào, tiếp tục đun sôi vài phút và lần lượt vớt trứng ra.
Tiếp theo, xếp trứng vào hũ, đậy kín, để cạnh bếp, rồi mỗi ngày xoay hũ vài ba lần cho nhiệt độ trong hũ ấm đều. Sau độ 20 ngày thì có thể ăn được. Món trứng đen là món ăn quý trong ngày Tết của người Hà Nội xưa (nó có chất bùi ngậy của trứng, vị thơm lạ của chè và gia vị, mùi nồng đậm của vôi. Nhờ có chất vôi ngấm trong trứng làm cho người ăn nhanh tiêu, tạo cảm giác ngon miệng, không bị ngấy vì thịt mỡ ăn nhiều trong ngày Tết). Một ví dụ nhỏ như thế cũng đã thấy cái “nét ăn” của người Hà Nội hôm nay ít cầu kỳ hơn trước và rõ ràng cũng kém sành điệu hơn.
Sự uống trong dịp Tết cũng khác xưa nhiều. Người Thăng Long – Hà Nội xưa uống rượu là chính trong dịp năm mới. Hà Nội có rượu Kẻ Mơ ngon nổi tiếng qua câu ca “Em là con gái Kẻ Mơ/Em đi bán rượu tình cờ gặp anh/ Rượu ngon chẳng quản be sành…”. Thời bao cấp, ngày Tết trên mâm cỗ của mọi nhà có chai rượu màu do nhà máy rượu quốc doanh sản xuất, bán phân phối theo tem phiếu. Thời mở cửa, người ta uống bia trong dịp Tết. Mấy năm gần đây, kinh tế khá giả, người Hà Nội chuyển sang dùng rượu vang trong dịp Tết (vang Pháp, Italia, Australia, Chile, Mỹ, Tây Ban Nha…).
Ăn Tết và chơi Tết
Nói ăn Tết cũng bao hàm cả nghĩa chơi Tết. Nhà văn Băng Sơn đã kỳ khu viết bộ sách Thú ăn chơi người Hà Nội (2 tập, dày hơn 1.000 trang) đọc rất hay. Nếu khảo kỹ thì người đọc sẽ thấy tác giả viết về cái thú “ăn” nhiều hơn cái thú “chơi”. Vì sao vậy? Vì “có thực mới vực được đạo”. Nhưng đó là trong truyền thống. Còn thời hiện đại khi nhu cầu về cái ăn và cái uống không còn là cấp bách nữa, người ta nghĩ tới cái sự “chơi” trong chữ “ăn chơi”.
Trước đây, nhân dịp Tết người ta “chơi hoa”, “chơi chữ” và chơi các trò khác (như du Xuân, cờ người, xem bói chữ…). Chữ “chơi” trong “ăn chơi Tết” bây giờ mang màu sắc thời đại mà cái không khí của sự “chơi Tết” này phần nhiều là do lớp trẻ nghĩ ra, tạo ra. Người trẻ muốn đi ra khỏi Hà Nội dịp Tết Nguyên đán để mà “chơi Tết”. Thay đổi không khí, quang cảnh sống quen thuộc cũng là một cách “chơi Tết” như Vũ Bằng đã viết trong Thương nhớ mười hai: “Có ai ở tỉnh, thành ăn Tết ngày mồng Một rồi đến mồng Hai, mồng Ba đi về vùng đất thơm ngát hoa đồng cỏ nội mới thật thấy cái Tết của ta đẹp biết ngần nào, êm ái ngần nào”. Cái sự “du Xuân” ắt có lẽ trùng với cái sự “chơi Tết”.
Nghĩ về ý nghĩa sâu xa của ngày Tết Nguyên Đán truyền thống, có lẽ hơn ai hết nhà văn Vũ Bằng đã nói hộ tâm tư của nhiều người qua những dòng tha thiết sau “Tết siết chặt tình yêu hơn lên, Tết là ngày giải lao, Tết là ngày vui vẻ, đoàn kết, đoàn kết người sống với người chết và đoàn kết người sống với người sống”.
Theo Bùi Việt Thắng/Kinh tế & đô thị