Home Chứng khoán Vì sao nhà đầu tư trong nước không ưa chuộng “con robot”?

Vì sao nhà đầu tư trong nước không ưa chuộng “con robot”?

0

Do đặc tính thích tự đầu tư, các nhà đầu tư Việt Nam thường không ưa chuộng đầu tư thuật toán vì cho rằng “con robot” cứng nhắc và thụ động, áp dụng tại Việt Nam không hiệu quả.

Đầu tư cổ phiếu bằng robot, đầu tư theo thuật toán không phải là thuật ngữ gì mới mẻ. Nhiều năm trước, khi phân tích kỹ thuật xuất hiện và trở nên thịnh hành ở Việt Nam, sau các khóa học phân tích kỹ thuật, nhà đầu tư vô cùng thích thú chỉ cho nhau “con robot” có thể thông báo cho họ khi nào mua, khi nào bán và mua bán cổ phiếu nào.

Tuy nhiên, những con robot thời kỳ đó được thiết kế quá đơn giản để có thể ứng dụng vào một thị trường như Việt Nam nên đã không thể trở thành sản phẩm thời thượng. 2 năm trở lại đây, khi đầu tư theo thuật toán đang trở thành xu hướng rõ ràng ở châu Á và xuất hiện những đơn vị cung cấp công cụ này một cách chuyên nghiệp cho thị trường câu chuyện về những con robot biết khuyến nghị lại được nhắc đến nhiều hơn ở Việt Nam.

Tại châu Á, ngày càng nhiều quỹ đầu cơ đi theo chiến lược đầu tư dựa trên thuật toán máy tính. Theo số liệu từ Eurekahedge, kể từ năm 2006 đến nay, số lượng quỹ đầu tư định lượng (quỹ đầu tư dựa trên phân tích định lượng) đã tăng gấp đôi. Tại Singapore, công ty quản lý tài sản gia đình Thirdrock Group với giá trị tài sản 2 tỷ USD đã ra mắt một quỹ đầu tư định lượng. Trong khi đó, Lucerne Investment Partners cũng đang cân nhắc thành lập một quỹ tương tự vào năm tới. Tại Hồng Kông, Hantak Investment Advisors dự định năm tới ra mắt một phiên bản của quỹ định lượng mà Công ty điều hành ở bên ngoài Bắc Kinh. Đầu năm nay, Samsung Asset Management đã ra mắt một quỹ do Chang Hwan Sung, từng là nhà điều hành tại BlackRock Inc, đứng đầu.

Tuy nhiên, do đặc tính thích tự đầu tư nên các nhà đầu tư Việt Nam thường không ưa chuộng đầu tư thuật toán vì cho rằng “con robot” cứng nhắc và thụ động, áp dụng tại Việt Nam không hiệu quả. Trước đây, Việt Nam có một số đơn vị cung cấp robot như CTCP Giao dịch trí tuệ (iTrade), Phú Toàn, BeRich… nhưng giờ không còn xuất hiện. Hiện tại, hoạt động trong lĩnh vực này còn một số cái tên hiếm hoi như CTCP Bloomberg Việt Nam (finvn), CTCP Nghiên cứu Đầu tư StockTraders và thuật toán do một số tổ chức, cá nhân tự “chế”. Với nhà đầu tư Việt, cách đơn giản nhất là sử dụng chính 2 phần mềm phổ biến AmiBroker hay MetaStock để đưa ra các tín hiệu mua bán theo thuật toán nhà đầu tư mô tả.

Ông Nguyễn Ngọc Chức – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của đơn vị Nghiên cứu Đầu tư StockTraders cho biết, để áp dụng đầu tư thuật toán trên thị trường chứng khoán Việt Nam một cách hiệu quả, quan trọng nhất, tất nhiên vẫn là viết thuật toán để robot hiểu và đưa ra quyết định. Khuyết điểm lớn nhất của các hệ thống đầu tư thuật toán chính là không phải phần mềm nào cũng có khả năng dự đoán xu hướng tương lai, mà chỉ nhận biết khi xu hướng xuất hiện và đi theo, hay nói cách khác là cảnh báo chậm.

Tuy nhiên theo ông Chức, phần mềm StockTraders phân tích từng mã cổ phiếu riêng lẻ, tổng hợp thành xu hướng rồi mới quay lại phát tín hiệu mua cổ phiếu, nói cách khác là đầu tư theo xu hướng. Những người vận dụng sai lầm là do chỉ tập trung vào tín hiệu từng cổ phiếu. Thực tế, cổ phiếu có tín hiệu tốt cũng khó tăng được khi thị trường chung đang ở trong tình trạng xấu.

Để thích nghi với sự thay đổi của thị trường và cạnh tranh với các robot khác, một thuật toán sẽ phải liên tục cải tiến. Xu hướng phát triển hiện tại là tích hợp yếu tố tin tức vào hệ thống, chẳng hạn như phân tích thông tin tìm kiếm trên Google hoặc các thảo luận từ cộng đồng.

Ông Chức cũng cho hay, kinh doanh trong lĩnh vực này, điều khó nhất chính là thay đổi thói quen đầu tư của khách hàng. “Đa phần khách hàng thua lỗ mới tìm đến mình, mà thua lỗ chắc chắn là mắc lỗi, mình phải là người chỉ ra lỗi và chỉ cách cho họ sửa. Nhưng… có người sửa được, có người không.”

Theo Trang Nhi/Thời báo Chứng Khoán