Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam lọt vào danh sách 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất toàn cầu. Bảng xếp hạng được Brand Finance, công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới công bố đầu tháng 2 này.
Giá trị thương hiệu của VPBank được Brand Finance định giá 354 triệu USD.
Bên cạnh đó, chỉ số xếp hạng thương hiệu (Brand rating) của ngân hàng cũng được xếp loại A trong thang xếp hạng từ D tới AAA+. Và chỉ số sức mạnh thương hiệu (Brand Strength Index) được Brand Finance chấm 58.76 điểm, trong thang điểm từ 0 – 100.
Trước đó, Tạp chí Forbes cũng xếp VPBank là doanh nghiệp có giá trị thương hiệu lớn thứ 13 toàn quốc và đứng thứ 4 trong toàn hệ thống ngân hàng, đứng đầu nhóm ngân hàng tư nhân.
Theo Brand Finance, Việt Nam có 4 ngân hàng lọt vào danh sách năm nay, gồm 3 ngân hàng quốc doanh và 1 ngân hàng tư nhân là VPBank. Khu vực ASEAN có 40 ngân hàng lọt vào danh sách, tăng 2 ngân hàng so với danh sách năm 2018.
Theo đại diện VPBank, việc nằm trong danh sách 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất toàn cầu là kết quả trong nhiều năm VPBank liên tục nỗ lực cải tiến mô hình kinh doanh, đầu tư vào công nghệ, chất lượng dịch vụ nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Kết thúc năm 2018, tổng thu nhập hoạt động hợp nhất của VPBank đạt hơn 31.000 tỷ đồng, tăng 24,2% so với năm 2017. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt xấp xỉ 9.200 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với một năm 2018 và tăng 1,8 lần so với mức lợi nhuận năm 2016. Liên tiếp trong 3 năm kể từ 2016, VPBank là ngân hàng có mức lợi nhuận cao thứ 4 trong toàn hệ thống và là một trong những ngân hàng có tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và vốn chủ sở hữu (ROE) cao nhất, lần lượt là 2,5% và 22,9%.
Đặc biệt, sức mạnh thương hiệu của VPBank cũng được thể hiện mạnh mẽ ở những phân khúc chiến lược mà ngân hàng đang dẫn đầu thị trường. Đó là phân khúc tài chính tiêu dùng, khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ và khách hàng tiểu thương.
Theo Hà Thu/VietnamFinance