Con số này vừa được Tổng cục Đường bộ Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải về số thu dịch vụ sử dụng đường bộ tại các dự án BOT trong giai đoạn kinh doanh khai thác.
BTO Pháp Vân – Cầu Giẽ thu về 702,8 tỷ đồng trong năm 2018
Cụ thể, tổng số thu phí sử dụng đường bộ tại 57 dự án BOT với tổng cộng 63 trạm thu phí được Tổng cục Đường bộ Việt Nam giám sát trong năm 2018 là 12.192 tỷ đồng, lũy kế số thu từ đầu dự án đến hết năm 2018 là 47.442 tỷ đồng.
Trong số các dự án BOT được Tổng cục Đường bộ Việt Nam báo cáo, tuyến có doanh thu thu phí lớn nhất trong năm 2018 là dự án mở rộng Quốc lộ 51 (730 tỷ đồng), dự án đầu tư nâng cấp tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ (702,8 tỷ đồng).
Dự án xây dựng cầu Đồng Nai mới đứng thứ ba với 590 tỷ đồng; dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 Hà Nội – Bắc Giang (462 tỷ đồng); dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Phan Thiết – Đồng Nai (340 tỷ đồng); dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Vinh – Bến Thủy (324 tỷ đồng); dự án mở rộng Quốc lộ 1 qua Khánh Hòa (309 tỷ đồng)…
Các dự án có mức thu rất thấp dù triển khai thu từ đầu năm 2018 là dự án đầu tư xây dựng tuyến Thái Nguyên – Chợ Mới (22,9 tỷ đồng); dự án xây dựng cầu Việt Trì mới (63 tỷ đồng)…
Đáng chú ý, doanh thu 57 dự án BOT giao thông trên chưa bao gồm các tuyến cao tốc: Cầu Giẽ – Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai, TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây, Đà Nẵng – Quảng Ngãi của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam; tuyến Hà Nội – Hải Phòng của Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam – Vidifi và tuyến TP. HCM – Trung Lương thực hiện bán quyền thu phí cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh.