Hiện tại, chuyến bay từ Việt Nam sang Mỹ đang phải quá cảnh tại một nước thứ ba như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… sau đó từ trạm trung chuyển quốc tế này, hành khách mới có chuyến bay đến Mỹ.
Chuyến bay từ Việt Nam sang Mỹ đang phải quá cảnh qua một nước thứ ba
Được biết, hiện có hơn 10 hãng hàng không khai thác chặng bay Việt – Mỹ tại các sân bay Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất.
Cụ thể, bay với các hãng hàng không nước ngoài thì có United Airlines (quá cảnh ở Hồng Kông hoặc Nhật Bản), American Airlines và Northwest Airlines (quá cảnh Narita -Nhật), Eva Air và China Airlines (quá cảnh Đài Bắc – Đài Loan), Korea Airlines (quá cảnh Incheon – Hàn Quốc), Singapore Airlines (quá cảnh Singapore)…
Hãng hàng không Vietnam Airlines tuy không có các chuyến bay trực tiếp sang Mỹ, nhưng vẫn khai thác các chuyến bay kết hợp sang một nước thứ ba (Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc…) rồi từ đó bay tiếp sang Mỹ.
Thời gian bay từ Việt Nam sang Mỹ phụ thuộc vào địa điểm xuất phát tại Việt Nam là ở đâu, sân bay nào (sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài, sân bay Đà Nẵng…). Ngoài ra nó còn phụ thuộc nhiều vào hãng hàng không nội địa hoặc quốc tế đó và khoảng thời gian bay buổi ngày hay ban đêm.
Thông thường, để sang Mỹ, hành khách sẽ phải bay ít nhất hai chuyến. Thời gian bay dao động từ 16 – 19 giờ bay (tính cả transit). Chiều về từ 19 – 24 giờ bay.
Theo lịch trình, chiều nay (15/2), Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam sẽ chính thức trao chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1) cho Việt Nam. Đây là yếu tố quan trọng “mở ra” lộ trình bay thẳng tới Mỹ, có thể thực hiện ngay trong năm 2019.
CAT1, hay Category 1, là chuẩn giám sát an toàn hàng không được phê chuẩn bởi chương trình Đánh giá an toàn hàng không quốc tế của FAA, dựa trên 8 tiêu chuẩn an toàn trọng yếu của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Đây là cơ quan kỹ thuật của Liên Hợp Quốc thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế và đưa ra khuyến nghị để vận hành và bảo trì máy bay.
Một quốc gia nếu có nhu cầu thiết lập đường bay thương mại vào Mỹ phải đạt chuẩn an toàn CAT1. Thái Lan cũng từng được Mỹ phê chuẩn CAT1 nhưng sau đó đã bị hạ xuống CAT2.
Sau khi có chứng nhận CAT1, các hãng hàng không Việt Nam còn cần nộp hồ sơ xin cấp phép bay thương mại tới FAA nếu muốn bay thẳng Mỹ. Nếu được FAA đồng thuận, các hãng bay Việt có thể thiết lập đường bay thẳng.
Vietnam Airlines đã nhiều lần chia sẻ về dự định bay thẳng tới Mỹ và là hãng đáp ứng được nhiều điều kiện kỹ thuật cần thiết.
Tuy nhiên, lãnh đạo Vietnam Airlines cũng nhận định nếu bay thẳng Mỹ, hãng sẽ lỗ trong khoảng 5-10 năm đầu tiên, mức lỗ có thể lên tới hơn 30 triệu USD mỗi năm.
Hai hãng bay khác là Vietjet Air và Bamboo Airways cũng đưa đường bay thẳng Mỹ vào kế hoạch phát triển, tuy nhiên chưa có máy bay thân rộng để thiết lập đường bay.
Theo Lệ Chi/VietnamFinance