Trung Quốc một lần nữa thẳng thắn bác bỏ lời kêu gọi về việc tham gia Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF).
Tên lửa đạn đạo tấn công tàu trong một cuộc diễu binh ở Bắc Kinh năm 2015
Phát biểu tại Munich (Đức) ngày 16/1, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì khẳng định: “Trung Quốc phát triển năng lực hoàn toàn phù hợp với nhu cầu quốc phòng và không hề đe dọa bất cứ ai. Chính vì vậy, chúng tôi phản đối việc đa phương hóa hiệp ước INF”.
Ông Dương nhấn mạnh rằng các tên lửa của Trung Quốc hoàn toàn mang tính chất phòng vệ và hiệp ước sẽ đặt ra những giới hạn không công bằng đối với quân đội nước này.
Tuyên bố này của ông Dương được đưa ra trong bối cảnh trước đó cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng công tác đối thoại về Hiệp ước INF không chỉ nên diễn ra giữa Mỹ, châu Âu và Nga mà còn cần có sự tham gia của Trung Quốc.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng nhiều lần khẳng định rằng, INF sẽ không có ý nghĩa gì nếu không có sự tham gia của Trung Quốc, vì hiện tại Trung Quốc không bị kiềm chế bởi các điều khoản của thỏa thuận này.
Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì.
Trước đó, trong buổi họp báo đầu tháng 12/2018 tại Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố Trung Quốc phản đối đa phương hóa Hiệp ước INF bởi đây là Hiệp ước đã được ký kết giữa Mỹ và Nga.
Theo cựu Thư ký Hội đồng An ninh Nga Andrey Kokoshin, mục tiêu chính của Mỹ trong việc rút khỏi Hiệp ước INF là Trung Quốc. Mỹ cho rằng Trung Quốc đã triển khai hơn 1.000 tổ hợp tên lửa tầm ngắn và tầm trung nhắm vào vùng Biển Hoa Đông và Biển Đông, đe dọa các đội tàu sân bay Mỹ tiến vào những vùng biển này.
Theo ông Kokoshin, Trung Quốc sở hữu một loạt vũ khí có độ chính xác cao, chủ yếu là tên lửa đạn đạo có khả năng đánh trúng các căn cứ quân sự và tàu sân bay của Mỹ trong khu vực. Để đối phó với tên lửa Trung Quốc, Lầu Năm Góc dự kiến chế tạo vũ khí laser nhằm bổ sung năng lực phòng không trong không gian.
Hiệp ước INF, được ký kết năm 1987, là thỏa thuận giữa chính phủ Mỹ và Liên Xô nhằm loại bỏ việc phát triển, triển khai hoạt động các loại tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 1/2 tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi hiệp ước INF trong vòng sáu tháng nếu Nga không phá hủy bệ phóng và tên lửa vi phạm hiệp ước. Hiệp ước INF được Mỹ và Liên Xô ký kết vào năm 1987, trong đó các bên bị cấm phát triển tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km.
Theo Minh Đăng/VietnamFinance