Ông Lê Tấn Hùng, Tổng giám đốc Sagri
UBND TP. HCM cho rằng hình thức kỷ luật trước đây đối với Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) và cá nhân ông Lê Tấn Hùng là quá nhẹ. Thành phố sẽ lập hội đồng kỷ luật mới để xem xét lại.
Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND TP. HCM, cho biết Sagri có 2 sai phạm lớn trong quản lý đất đai và điều hành.
Sai phạm đã xảy ra ở 2 nhiệm kỳ trước đây, còn việc quản lý điều hành tổng công ty thuộc trách nhiệm của tổng giám đốc. Sai phạm trong điều hành đúng như báo chí đã nêu, đơn vị đã khắc phục. Thành phố đã kiểm điểm tổng giám đốc. Hội đồng kỷ luật đã đưa ra hình thức kỷ luật khiển trách.
Tuy nhiên, UBND TP. HCM nhận thấy mức xử lý kỷ luật đó chưa đúng, chưa chính xác với các sai phạm của ông Lê Tấn Hùng (Tổng giám đốc Sagri, em trai nguyên Bí thư thành ủy Lê Thanh Hải) nên UBND thành phố có chỉ đạo thành lập lại hội đồng kỷ luật mới để xem xét lại hình thức kỷ luật.
Trước đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã có thông báo kết quả kiểm toán, chỉ ra các sai phạm nghiêm trọng của Sagri.
Cụ thể, kết quả kiểm toán cho thấy Công ty mẹ – Sagri đã hoàn nhập hơn 36 tỷ đồng các khoản dự phòng đã trích lập đến thời điểm 31/12/2017 vào kết quả kinh doanh năm 2017 của Tổng công ty.
Cùng với đó Công ty mẹ và Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM chưa trích dẫn dự phòng nợ phải thu khó đòi theo quy định, không yêu cầu Công ty cổ phần Tư vấn Đức Nguyên cung cấp chứng từ thế chấp tài sản hoặc chứng thư bảo lãnh của ngân hàng có giá trị với số tiền mà công ty này đã tạm ứng là 12 tỷ đồng để thực hiện hợp đồng giao 4.000 ha đất ở Đắc Lắc, hiện nay khó có khả năng thu hồi.
Ngoài ra Công ty mẹ đã kí 3 hợp đồng vay vốn bổ sung vào vốn lưu động nhưng không thực hiện đúng mục đích, gây thất thoát hơn 12 tỷ đồng.
Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn để xảy ra nhiều sai phạm tài chính và đất đai
Bên cạnh những sai phạm về quản lý tài chính, kế toán, Sagri còn có nhiều sai phạm đất đai của công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên.
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM và Công ty TNHH MTV Cây trồng TP.HCM đã giao khoán đất sản xuất cho một số hộ gia đình và cá nhân có địa chỉ cư trú ngoài địa bàn có đất giao khoán, giao khoán vượt hạn mức quy định.
Tại Sagri, Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM và Công ty TNHH MTV Cây trồng TP.HCM còn một số diện tích đất cho mượn, tranh chấp, lấn chiếm, chưa được thu hồi. Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ Sagri và Công ty TNHH MTV Cây trồng TP.HCM cho thuê lại hơn 5,4ha đất không đúng quy định.
Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Nông Lâm Hải sản (100% vốn của Sagri) được xác định đã ký 10 hợp đồng góp vốn thành lập các pháp nhân mới để đầu tư trên 24 khu đất, có diện tích hơn 1.919ha.
Trong số 1.919ha này, Sagri đã bàn giao 140ha đất và tài sản trên đất của Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM cho Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Sagri, bàn giao cho Công ty TNHH Nông nghiệp Vineco Sagri hơn 452ha khi chưa có văn bản chấp thuận của UBND TP.HCM, chưa có quyết định thu hồi và giao đất của cơ quan có thẩm quyền. Điều này trái với quy định tại Quyết định 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 5039/QĐ-UBND ngày 16/9/2013 của UBND TP về việc công nhận quyền sử dụng đất với Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM.
Trong số 10 hợp đồng hợp tác thì có 2 hợp đồng có ngành nghề kinh doanh bất động sản, là ngành nghề phải thoái vốn theo Quyết định 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thuộc lĩnh vực không được phép đầu tư theo Nghị định 91/2005/NĐ-CP của Chính phủ; 6 hợp đồng đã thông báo dừng hợp tác nhưng chưa thanh lý hợp đồng.
Ngoài ra, Sagri còn ký 7 hợp đồng hợp tác (chưa lập pháp nhân mới) với 4 đơn vị để hợp tác kinh doanh trên 7 cơ sở nhà đất có tổng diện tích hơn 114ha.
Trong đó, Sagri có 6 hợp đồng hợp tác thực hiện theo phương thức việc tổ chức kinh doanh trên khu đất hoàn toàn do các đối tác toàn quyền quyết định. Bù lại, Sagri được hưởng một khoản lợi nhuận cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh trên khu đất. Thực chất của hợp đồng hợp tác là Sagri cho thuê lại đất, trái quy định và không có văn bản chấp thuận chủ trương của UBND TP.HCM.
Theo Nguyễn Tường/Vietnamfinance