Phó Thủ tướng phụ trách Công nghiệp Quốc phòng Nga Yuri Borisov một lần nữa khẳng định Bắc Cực là khu vực mang lợi ích quân sự chiến lược của Moscow.
Căn cứ quân sự Nagurskoye ở phía tây bắc quần đảo Franz Josef Land của vùng Arkhangelsk thuộc Bắc Cực.
Phát biểu trên chương trình truyền hình “Moskva. Kremlin. Putin” mới đây, khi trả lời câu hỏi về ý nghĩa quân sự chiến lược của Bắc Cực đối với Nga, ông Borisov nhấn mạnh rằng: “Lãnh thổ này (Bắc Cực) là khu vực mang lợi ích quốc phòng của Nga. Chúng ta sẽ không nhượng bộ hay từ bỏ nó”.
Trước đó, Đô đốc Mỹ James Foggo, chỉ huy Bộ Tư lệnh Lực lượng Liên quân Đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từng tuyên bố Mỹ sẽ không cho phép Nga và Trung Quốc thống trị Bắc Cực và kiểm soát Tuyến đường Biển Bắc, lưu ý rằng khu vực này nên được sử dụng một cách bình đẳng bởi tất cả các quốc gia thuộc Hội đồng Bắc Cực và không ai có quyền đặt ra yêu sách.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson hồi giữa tháng Hai cũng tuyên bố nước này sẽ điều 9 máy bay P8 Poseidon tới căn cứ Lossiemouth của không quân Anh tại Scotland vào năm 2020 để trinh sát bắc Đại Tây Dương và Bắc Cực.
Theo vị Bộ trưởng Anh, các máy bay tuần thám P8 Poseidon mới sẽ được sử dụng để kiềm chế hoạt động của Nga trong khu vực.
Về phía Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu khẳng định việc bảo vệ quyền lợi của Nga ở khu vực Bắc Cực và chủ động phát triển khu vực này vẫn là ưu tiên hàng đầu của quân đội Nga.
“Ngày nay, Bắc Cực đang trở thành nơi mang lợi ích quân sự chiến lược và giàu tài nguyên nên được nhiều quốc gia nhắm tới. Điều này làm tăng nguy cơ xung đột quân sự trong khu vực”, ông Shoigu nói.
Phó Thủ tướng phụ trách Công nghiệp Quốc phòng Nga Yuri Borisov.
Vị Bộ trưởng nhấn mạnh rằng, Hạm đội phương Bắc của Nga sẽ tiếp tục được cải thiện khả năng chiến đấu nhằm bảo vệ quyền lợi quốc gia tại khu vực này.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Yuri Shvytkin ngày 18/2 cảnh báo nếu Anh tăng cường hiện diện tại Bắc Cực, khu vực lợi ích quốc gia của Nga, thì nước này buộc phải có biện pháp trả đũa thích đáng.
Bắc Cực đang trở thành “đấu trường” cho một cuộc cạnh tranh khốc liệt để kiểm soát các tuyến đường vận chuyển và tài nguyên thiên nhiên có tầm quan trọng toàn cầu.
Hiện tại, ít nhất 5 nước gồm Nga, Na Uy, Đan Mạch, Canada và Mỹ đều đưa ra những đòi hỏi chủ quyền đối với vùng Bắc Cực bởi đây là nơi chứa rất nhiều tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác, trong đó có dầu mỏ.
Trong 5 năm qua, Nga đã hoàn thành việc xây dựng nhiều căn cứ ở Bắc Cực, gồm: căn cứ Temp trên đảo Kotelny thuộc quần đảo New Siberia; căn cứ quân sự Nagurskoye ở phía tây bắc quần đảo Franz Josef Land của vùng Arkhangelsk; lực lượng kỹ thuật vô tuyến và trung tâm theo dõi đường không ở vùng Arkhangelsk; khoảng 425 tòa nhà và các công trình khác đã được xây dựng trên diện tích hơn 700.000m2 ở Bắc Cực và một đường băng cũng đang được xây dựng trên quần đảo Franz Josef Land.
Điều này được phía Nga giải thích sẽ cho phép nước này bảo vệ quyền lợi của mình ở Bắc cực và trung hòa tất cả các mối đe dọa: từ trên không, trên biển và trên đất liền.
Theo Minh Đăng/VietnamFinance/Sputnik