Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết nước này sẽ phóng thử một tên lửa hành trình có tầm bắn khoảng 1.000 km vào tháng 8, tiếp đó là một tên lửa đạn đạo có tầm bắn 3.000-4.000 km vào tháng 11. Đây đều là loại tên lửa có tầm bắn thuộc diện bị cấm theo Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin
Được biết hai loại tên lửa này sẽ được Mỹ biên chế trong khoảng 2-5 năm tới và sẽ được trang bị đầu đạn thông thường chứ không phải vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, chúng nằm trong phạm vi điều chỉnh của Hiệp ước INF mà Mỹ vừa rút hồi đầu tháng 2 mới đây.
Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết Washington có thể triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung tại đảo Guam, khu vực phía tây Thái Bình Dương để đối phó với “mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga”.
Trước đó, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Michelle Baldanza ngày 11/3 cho biết quân đội Mỹ đã bắt đầu quá trình chế tạo các bộ phận cho loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất (GLCM) mới của nước này.
“Chúng tôi sẽ khởi động dây chuyền sản xuất linh kiện hỗ trợ thử nghiệm tên lửa hành trình phóng từ mặt đất, hoạt động trước đây bị coi là vi phạm Hiệp ước INF”, Reuters dẫn lời bà Baldanza.
“Quá trình này có thể đảo ngược nếu Nga tuân thủ hoàn toàn INF trước khi chúng tôi rút khỏi hiệp ước này vào tháng 8/2019″, bà Baldanza nói thêm.
Theo bà Baldanza, Bộ Quốc phòng Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu và phát triển các tên lửa phóng từ mặt đất, tuân thủ Hiệp ước INF, từ cuối năm 2017 nhằm phản ứng với việc Nga vi phạm hiệp ước.
Bà Baldanza cho biết vì trước đây Mỹ tuân thủ INF, công việc nghiên cứu chỉ diễn ra trong giai đoạn đầu, nhưng bây giờ khi Washington không còn bị ràng buộc với INF, việc nghiên cứu đã được đẩy mạnh, bên cạnh những nỗ lực phát triển.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Lầu Năm Góc nhấn mạnh đây chỉ là những tên lửa thông thường, không phải là tên lửa hạt nhân.
Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng đây là tín hiệu chính trị khẳng định Mỹ nghiêm túc trong việc theo đuổi phát triển hệ thống tên lửa hành trình phóng từ mặt đất thế hệ mới, trừ khi Nga tuân thủ quy định trong hiệp ước.
Hiệp ước INF, được ký kết năm 1987, là thỏa thuận giữa chính phủ Mỹ và Liên Xô nhằm loại bỏ việc phát triển, triển khai hoạt động các loại tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Theo đó, Liên Xô và Mỹ thống nhất loại bỏ các tên lửa hạt nhân và thông thường, bệ phóng trên mặt đất có tầm bắn từ 500-1.000 km (tầm ngắn), 1.000-5.500 km (tầm trung). Hiệp ước không bao gồm các loại tên lửa đạn đạo, hành trình phóng từ biển.
Ngày 2/2, Mỹ chính thức đình chỉ tham gia hiệp ước này. Washington cho rằng Moscow đã vi phạm Hiệp ước, chế tạo tên lửa hành trình “Novator 9M729” được đặt trên mặt đất cho tổ hợp Iskander.
Cùng ngày, đáp lại quyết định của Mỹ, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga cũng quyết định đình chỉ tham gia Hiệp ước này. Ông yêu cầu Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu không được chủ động đề nghị các cuộc đàm phán về chủ đề này với Mỹ.
Không đợi thời hạn 6 tháng do Washington đặt ra để hoàn tất các thủ tục chấm dứt INF, ngày 4/3/2019, nhà lãnh đạo Nga đã đi một bước mạnh mẽ hơn nữa bằng việc ký sắc lệnh đình chỉ việc thực thi hiệp ước này.
Tổng thống Putin đã chỉ thị Bộ Quốc phòng Nga bắt tay ngay vào việc chế tạo các tên lửa đạn đạo siêu thanh phóng lên từ mặt đất. Ông Putin nhấn mạnh rằng Nga sẽ không triển khai các tên lửa tầm ngắn và tầm trung trước khi Mỹ triển khai các loại vũ khí này tại châu Âu và các quốc gia khác.
Theo Chu La/VietnamFinance/AP