Nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng vẫn tiếp tục gia tăng trong quý 2 khi lãi suất gửi tiền kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên được đẩy lên cao. Hiện lãi suất huy động cao nhất thị trường lên tới gần 9%/năm.
Khảo sát từ biểu lãi suất của 30 ngân hàng thương mại và ngân hàng liên doanh, nước ngoài tại Việt Nam cho thấy, trong tháng 4/2019, lãi suất huy động được đẩy lên trên 8%/năm cho các kỳ hạn trên 12 tháng.
Hiện, lãi suất ngân hàng cao nhất trên thị trường là Viet Captial Bank và TPBank đều niêm yết ở mức 8,6%/năm cho kỳ hạn 24 tháng.
Theo quy định của Ngân hàng nhà nước, bắt đầu từ năm 2019, tỉ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ kéo từ mức 45% xuống 40%. Như vậy các ngân hàng sẽ không được sử dụng quá nhiều vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Việc cạnh tranh huy động vốn ở các kì hạn dài được các chuyên gia đánh giá như là một trong những công cụ để các NHTM đang chuẩn bị các bước để tăng vốn trung và dài hạn nhiều hơn trong năm 2019.
Do đó, các ngân hàng chịu sức ép phải đảm bảo nguồn vốn huy động dài hạn thay vì chỉ trông chờ vốn ngắn hạn kém ổn định lâu nay.
Gửi tiền ngân hàng nào lãi nhất?
Theo biểu lãi suất tiết kiệm trên website của 30 ngân hàng trong nước tại ngày 1/4, lãi suất tiền gửi tiết kiệm phổ biến ở ngân hàng từ 6,8%/năm – 8,6%/năm.
Với các khoản tiền gửi 1-2tháng, các ngân hàng lớn của Nhà nước đều huy động dưới 5%/năm, còn các ngân hàng tư nhân hầu như không có sự khác biệt so với kỳ hạn 3 tháng. Cụ thể kỳ hạn 3 tháng, lãi suất phổ biến là 4,5%– 5,5%/năm ở các ngân hàng tư nhân, còn nhóm cổ phần thương mại Nhà nước là 5%/năm.
Ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tiết kiệm ở kì hạn cao nhất là 7,5%/năm ở hai ngân hàng Bắc Á và VIB (với số tiền từ 100 triệu đồng trở lên).
Ở mức thấp hơn là các ngân hàng như NCB (7,4%); VietCapitalBank (7,4%); VietBank (7,2%); Dong A Bank (7,1%); VietABank (7,1%); SCB (7,1%).
Có 4 ngân hàng áp dụng mức lãi suất tiết kiệm 6 tháng ở mức 7%/năm gồm VIB, VietABank (đối với số tiền gửi dưới 100 triệu đồng), VPBank (từ 300 triệu đồng trở lên) và PVcomBank.
Mức lãi suất huyđộng thấp nhất ở kì hạn này là 5,5%/năm áp dụng tại nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước gồm BIDV, Agribank, Vietcombank, VietinBank.
Từ kì hạn 12 tháng trở lên, sự phân hoá cạnh tranh lãi suất ngày càng gay gắt hơn. Có tới 6 ngân hàng niêm yết mức lãi suất huy động trên 8%/năm. Đứng đầu danh sách là TPBank niêm yết lãi suất ngân hàng kì hạn 12 tháng cao nhất ở mức 8,2% nhưng mức lãi suất này chỉ áp dụng cho khách hàng có khoản tiền gửi tái tục từ 100 tỉ đồng trở lên và cam kết không rút tiền trước hạn.
BAC A BANK, Bao Viet Bank, NCB, PVcomBank, Viet Capital Bank… đều niêm yết ở mức 8%. Các ngân hàng như Agribank, Eximbank, Techcombank, SeABank niêm yết lãi suất kì hạn 12 tháng ở mức 6,8%.
Mức chênh lệch lãi suất huy động rõ rệt tại kì hạn 24 tháng, ngân hàng có lãi suất cao nhất là Viet Capital Bank và TPBank cùng niêm yết ở mức 8,6%.
Trong khi Viet Capital Bank chỉ đưa ra điều kiện khách gửi tiền kì hạn 24 tháng thì TPBank yêu cầu khách hàng có khoản tiền gửi tái tục từ 100 tỉ đồng trở lên và cam kết không rút tiền trước hạn.
Với diễn biến hiện nay cũng như dự báo về nhu cầu vốn trong thời gian tới, phần lớn các ý kiến phân tích đều cho rằng lãi suất huy động sẽ ổn định hoặc tăng nhẹ chứ khó có khả năng hạ.
Theo Huyền Đoàn/Kinh tế đô thị