Tại cuộc họp báo ngày 4/4 công bố Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) tháng 4 năm 2023, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng tăng trưởng Việt Nam có thể đạt mức 6,5% trong năm nay.
Nhiều yếu tố bên ngoài tác động bất lợi đến tăng trưởng
Theo Báo cáo , kinh tế Việt Nam phục hồi ấn tượng trong năm 2022 nhờ sự hỗ trợ của xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh và sự phục hồi của tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, đại dịch đã làm bộc lộ các vấn đề mang tính cơ cấu và đây cũng là những rủi ro chủ yếu đối với nền kinh tế. Tăng trưởng được dự báo giảm nhẹ trong 2 năm tới và lạm phát dự kiến sẽ tăng.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sẽ bị hạn chế do suy thoái kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt ở các nước phát triển và tác động lan tỏa từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc nới lỏng tiền tệ và khối lượng lớn đầu tư công kỳ vọng được giải ngân trong năm 2023, cùng với việc mở cửa trở lại của Trung Quốc, sẽ giúp Việt Nam đương đầu với những bất lợi này.
Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng ADB phân tích thêm, nhu cầu thế giới giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất chế biến chế tạo. Suy thoái kinh tế toàn cầu trở nên trầm trọng trong quý 4 năm 2022 và nhiều khả năng sẽ tiếp tục trong năm 2023. Nhu cầu toàn cầu giảm đã khiến chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 6,3% trong 2 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022.
Dịch vụ dự kiến tăng 8% trong năm 2023 nhờ du lịch và các dịch vụ liên quan được phục hồi. Trong đó, Trung Quốc là thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam, do đó Việt Nam sẽ được hưởng lợi đáng kể từ sự thay đổi này.
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng sẽ mang lại lợi ích cho ngành nông nghiệp khi nước này thường tiếp nhận 45% lượng rau quả xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, nông nghiệp dự kiến sẽ tăng 3,2% vào năm 2023.
Đầu tư công sẽ là động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Dự kiến một lượng đáng kể vốn đầu tư công sẽ được giải ngân trong năm 2023. Chính phủ cam kết giải ngân 30 tỷ USD trong năm nay, trong đó 90% đã được phân bổ cho các bộ, ngành và địa phương để giải ngân từ tháng 1/2023. Tuy nhiên, đầu tư nước ngoài vẫn sẽ bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhu cầu toàn cầu suy yếu sẽ tiếp tục tác động tới thương mại trong năm 2023.
Ứng phó với khó khăn của thị trường tài chính và thị trường vốn
Chính sách giảm lãi suất điều hành khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế đầu tiên ở Đông Nam Á nới lỏng chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã hành động vì thị trường vốn, giúp cải thiện niềm tin của nhà đầu tư. Chuyên gia của ADB đồng tình với việc chuyển hướng chính sách từ thắt chặt, kiểm soát lạm phát sang nới lỏng, hỗ trợ tăng trưởng.
Trong khi đó, lạm phát giảm nhẹ và tình trạng bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng gần đây ở Mỹ được đánh giá là sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm bớt chính sách thắt chặt tiền tệ, qua đó có khả năng làm giảm lạm phát do chi phí đẩy từ bên ngoài. Đồng thời, áp lực duy trì tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam gia tăng khi nền kinh tế toàn cầu bị đình trệ. Những yếu tố này khiến Chính phủ vào ngày 7/3 đã chỉ đạo NHNN hành động để hỗ trợ thanh khoản và phục hồi kinh tế.
Theo ADB, Chính phủ đã phản ứng kịp thời trước điều kiện thị trường xấu đi. Nghị định 65 nhanh chóng được thông qua trong quý 3 năm 2022 nhằm tăng cường quản trị trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Sau đó, Chính phủ đã lùi thời hạn thực hiện một năm đối với các quy định về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm xếp hạng tín dụng bắt buộc đối với việc phát hành trái phiếu riêng lẻ. Chính phủ đã ban hành Nghị định 08 vào ngày 5/3/2023 cho phép thanh toán lãi và gốc trái phiếu không chỉ bằng tiền mặt mà còn bằng tài sản vật chất và tài sản khác.
Các chuyên gia ADB khuyến nghị, cần tiếp tục phối hợp các biện pháp tiền tệ và tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế. Việc ban hành Nghị định 65 là rất kịp thời và cần tiếp tục triển khai, vì nếu chậm trễ có thể làm tăng nợ xấu trong tương lai. Việc thực hiện chương trình nhà ở xã hội cần cân bằng giữa nhu cầu cho vay thận trọng để tránh các khoản nợ xấu trong tương lai với nhu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Mặc dù chuyển sang chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, Việt Nam vẫn nên tiếp tục ưu tiên ổn định giá cả, do căng thẳng địa chính trị leo thang và việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công vẫn có thể làm gia tăng lạm phát trong năm 2023. Lạm phát bình quân trong 2 tháng đầu năm 2023 tăng từ 1,7% cùng kỳ năm trước lên tới 4,6%. Do vậy, lạm phát được dự báo sẽ tăng nhẹ lên 4,5% trong năm 2023.
Việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân 30 tỉ USD đầu tư công là rất quan trọng. Cùng với việc tiếp tục thực hiện chương trình phục hồi kinh tế được thông qua trong tháng 1 năm 2022, khoản chi tiêu này sẽ tạo ra tác động đa chiều, tạo động lực mạnh mẽ cho cả nền kinh tế. Về dài hạn, cần tiếp tục cải cách tài chính để giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng và nâng cao tính minh bạch trên thị trường trái phiếu, chuyên gia của ADB khuyến nghị.
Anh Minh