Thị trường điều chỉnh trong tuần qua khiến cho phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu đều có sự suy giảm. Chỉ số VN-Index giảm hơn 40 điểm (-3,61%) trong tuần và đóng cửa ở mức 1077,15 điểm.
VN-Index ghi nhận 1 tuần giao dịch không mấy tích cực khi áp lực bán mạnh xuất hiện vào phiên giữa tuần, chủ yếu đến từ nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã đè nặng áp lực lên thị trường khiến chỉ số chung đánh mất mốc 1100 lui về dưới khu vực 1080.
Tại phiên giao dịch ngày 01/02, áp lực bán mạnh bất ngờ xuất hiện về cuối phiên chiều ở nhiều mã cổ phiếu thuộc VN30 như VCB, VHM, VIC đã tạo tiền đề tiêu cực khiến cho thị trường chìm trong sắc đỏ, giảm hơn 30 điểm xuống dưới khu vực 1080. Sau phiên giảm điểm mạnh, tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn với sự cân bằng giữa bên mua và bên bán giúp cho đà bán ròng tạm thời chững lại.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 39,95 điểm (-3,6%) xuống 1.077,15 điểm, HNX-Index giảm 5,48 điểm (-2,5%) xuống mức 215,28 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 23,1% so với 5 phiên giao dịch trước đó lên mức 66.648 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 25,1% lên 3.646 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 38,6% lên 6.912 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 40% lên 469 triệu cổ phiếu.
Theo dữ liệu của Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội, nhóm cổ phiếu tài chính giảm mạnh nhất với 4,8% giá trị vốn hóa. Ngành con chứng khoán trong tuần qua điều chỉnh mạnh với các đại diện như SSI (-5,7%), HCM (-2,9%), VCI (-8%), VND (-7,4%), SHS (-7,2%)… Ngành con bất động sản cũng điều chỉnh với VHM (-9,8%), DXG (-5%), NLG (-2,8%), KDH (-2,5%)…
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin với mức sụt giảm 4,3% giá trị vốn hóa, chủ yếu do chịu áp lực từ mức giảm của trụ cột trong ngành là FPT (-4,6%).
Cổ phiếu hàng tiêu dùng giảm 4,1% giá trị vốn hóa, với các cổ phiếu tiêu biểu trong ngành là VNM (-5%), MSN (-6,9%)… Cổ phiếu dầu khí cũng giảm mạnh với 3,8% vốn hóa. Các mã tiêu biểu trong nhóm này là PVS (-6,3%), BSR (-5,3%), PVD (-7,7%), PLX (-2,1%), PVC (-10,5%)…
Cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng giảm 3,1% giá trị và tạo áp lực điều chỉnh mạnh lên thị trường với các đại diện tiêu biểu như STB (-2,3%), VPB (-7,4%), ACB (-7%), MBB (-5,6%), TCB (-6,7%)…
Ở chiều ngược lại, chỉ có nhóm dược phẩm và y tế là tăng nhẹ 1,1%.
Khối ngoại mua ròng trên hai sàn trong tuần qua với 1.809,23 tỷ đồng để hỗ trợ thị trường chung. Xét theo khối lượng ròng, HPG là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 39,7 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là FUEVFVND và STB với lần lượt 13 và 12,9 triệu đơn vị. Ở chiều ngược lại, ST8 là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 6,4 triệu cổ phiếu.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 2/2023 đang thấp hơn chỉ số cơ sở VN30 với mức chênh 3,8 điểm. Động thái này cho thấy các trader vẫn đang khá tiêu cực về triển vọng thị trường trong ngắn hạn.
Thị trường điều chỉnh trong tuần giao dịch trọn vẹn đầu tiên của năm Quý Mão 2023 với thanh khoản gia tăng. Điều này cho thấy là áp lực bán trong tuần qua đã có sự gia tăng thể hiện việc một bộ phận nhà đầu tư đã tiến hành chốt lời.
Nguyễn Luận
Link nguồn