Home Giá vàng – ngoại tệ Kinh doanh Bài toán nguồn cung nguyên liệu cho doanh nghiệp thực phẩm và...

Bài toán nguồn cung nguyên liệu cho doanh nghiệp thực phẩm và dự báo cuối năm 2022

0

Thị trường nguyên liệu thực phẩm Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Song, để tăng trưởng bền vững, các doanh nghiệp thực phẩm phải tự chủ được nguồn nguyên liệu. 

Nguyên liệu đầu vào phải nhập đến 90%

Ông Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Tp.Hồ Chí Minh cho biết, 8 tháng vừa qua, các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm đang dần phục hồi trở lại. Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn về thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp trong ngành này đã linh hoạt chuyển hướng về thị trường nội địa và khai thác khá tốt thị trường nội địa.

Số liệu thống kê cho thấy, 8 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành chế biến lương thực thực phẩm Việt Nam tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng tại Tp.Hồ Chí Minh trong 8 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành lương thực thực phẩm tăng 11,9%.

Trao đổi với Công thương, TS.Nguyễn Đăng Nghĩa – Nguyên Giám đốc trung tâm nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam cho rằng, chất lượng thực phẩm được sản xuất tại Việt Nam ngày càng được nâng cao. Hiện các công ty sản xuất thực phẩm tại Việt Nam đã đòi hỏi chất lượng nguyên liệu đầu vào khắt khe hơn. Đây là điều đáng mừng cho các doanh nghiệp Việt.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với lĩnh vực chế biến lương thực thực phẩm hiện nay là nguồn cung nguyên liệu. Mặc dù Việt Nam có nguồn nguyên liệu thực phẩm dồi dào nhưng các doanh nghiệp chế biến vẫn phải nhập đến 90%. Mỗi năm, các doanh nghiệp trong nước phải chi nhiều tỷ USD cho nhập khẩu nguyên liệu. Điều này khiến cho giá bán sản phẩm thực phẩm Việt rất khó cạnh tranh với các quốc gia có sản phẩm tương tự và mất lợi thế ngay trên “sân nhà”.

Số liệu thống kê từ Hải quan cho thấy, tính đến giữa tháng 9/2022, Việt Nam đã chi hơn 13,2 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng thủy sản, rau quả, nguyên phụ liệu chế biến thực phẩm. Trong đó, nhiều nhất là các mặt hàng ngô, hạt điều, thủy sản, rau quả….

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Lê Nguyễn Đoan Duy – Giám đốc phát triển kinh doanh Tập đoàn Nguyên Liệu Á Châu cho biết, hiện nay nông sản của Việt Nam còn khá manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết bền vững. Điều này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến.

Doanh nghiệp thực phẩm cần xây dựng vùng nguyên liệu để phát triển bền vững. 

“Công ty muốn xây dựng nhà máy chế biến công suất 100.000 tấn thì nguyên liệu đầu vào ít nhất cũng phải 200.000 – 300.000 tấn. Tuy nhiên, để đảm bảo được khối lượng nguyên liệu đầu vào này không dễ do các vùng nguyên liệu không đáp ứng được”, ông Lê Nguyễn Đoan Duy nêu dẫn chứng.

Cũng bởi sản xuất manh mún, nên người nông dân chưa có được lợi ích tương xứng với công sức bỏ ra, các hình thức cánh đồng mẫu lớn hay hợp tác xã kiểu mới chưa thực sự toàn diện…

Chủ động xây dựng vùng nguyên liệu riêng 

Đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu nguyên phụ liệu để sản xuất nên nhiều doanh nghiệp hiện nay phải hoạt động cầm chừng, tức khoảng từ 70 đến 80% công suất nhà máy. Thậm chí nhiều doanh nghiệp hiện nay đang đứng trước nguy cơ lỗ vốn, đền bù hợp đồng do chi phí sản xuất tăng cao.

Đứng trước những thách thức trên đòi hỏi các doanh nghiệp phải cắt giảm tối đa chi phí, áp dụng khoa học công nghệ, mở rộng thị trường nhập khẩu. Việc đầu tư nguồn nguyên liệu từ nội địa cũng là giải pháp được các doanh nghiệp hướng đến. Ông Lê Nguyễn Đoan Duy – Giám đốc phát triển kinh doanh Tập đoàn nguyên liệu Á Châu cho biết, hiện doanh nghiệp đang xây dựng những vùng nguyên liệu riêng, tạo ra những nguyên liệu đầu vào để cung cấp cho hoạt động sản xuất chế biến trong nước và xuất khẩu. Điển hình như các sản phẩm đường từ tinh bột sắn, sữa bột nguyên kem… đây là những nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất bánh kẹo.

“Hiện tại, doanh nghiệp đang xây dựng những vùng nguyên liệu riêng, ví dụ như vùng nguyên liệu về dừa, hay là vùng nguyên liệu sắn ở ngoài Nghệ An. Thông qua những vùng nguyên liệu này, doanh nghiệp sẽ kiểm soát và đảm bảo chất lượng đầu vào, đồng thời dần tự chủ nguồn cung nguyên liệu”, ông Duy thông tin thêm.

Cũng theo ông Duy, Việt Nam có nguồn nông sản phong phú, nếu các doanh nghiệp Việt kết hợp với sự đầu tư của các công ty chế biến nguyên liệu thực phẩm sẽ có cơ hội để tăng thêm giá trị cho nông sản. Điều này cũng đòi hỏi việc mở rộng quy mô sản xuất, với mức độ kiểm soát vệ sinh cao hơn tiêu chuẩn quốc tế và tiếp thị chuyên nghiệp.

Việc đầu tư nguồn nguyên liệu từ nội địa là một trong những giải pháp được các doanh nghiệp hướng đến để giải quyết bài toán về nguồn cung nhiên liệu cho sản xuất. 

Ông Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh cho biết, với những biến động về chuỗi cung ứng nguyên liệu trên thế giới, hiện một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã hướng đến sản xuất nguyên liệu thực phẩm trong nước, tận dụng nguồn tài nguyên nông sản sẵn có. 

“Hy vọng thời gian tới xu hướng mới trong lĩnh vực này sẽ phát triển mạnh. Bởi vì ngành nguyên liệu thực phẩm được xem như ngành công nghiệp phụ trợ và Chính phủ rất ủng hộ. Trước những biến động, nỗi lo đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, khủng hoảng năng lượng… Các công ty thực phẩm rất muốn có nguồn cung ổn định, nhất là cần có sự chủ động về nguồn nguyên liệu ngay tại Việt Nam”, ông Phạm Ngọc Hưng nói.

Tuy nhiên để các doanh nghiệp có nguồn lực để xây dựng được vùng nguyên liệu bền vững, về phía nhà nước cũng cần có những chính sách hỗ trợ đi sâu, đi sát với người nông dân. Đồng thời xây dựng những đầu mối liên kết, để người nông dân thấy được giá trị gia tăng của việc cung cấp cho những doanh nghiệp chế biến để sản xuất ra các nguyên liệu, từ đó đảm bảo cho sự phát triển bền vững cho cả một vùng.

Doanh nghiệp thực phẩm sẵn sàng đón nhu cầu tiêu dùng cuối năm 

Năm nay, theo Dự báo của Hội Lương thực thực phẩm Tp.Hồ Chí Minh, nhu cầu tiêu dùng ngành hàng thực phẩm dịp cuối năm sẽ tăng khoảng 30%.

Thông thường, những tháng cuối năm sẽ là mùa mua sắm nhộn nhịp nhất trong năm. Đây cũng là tháng cao điểm để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất. Điểm thuận lợi lúc này là giá nguyên liệu đầu vào đang có xu hướng giảm, vì vậy nhiều doanh nghiệp đã tăng thu mua nguyên liệu, bằng cách đa dạng thêm nhà cung cấp và tối ưu hóa chi phí để sẵn sàng đón đầu nhu cầu tiêu dùng cuối năm.

Từ tháng 9, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh đã chủ động làm việc với nhà cung cấp, tích trữ hơn 1.000 tấn gạo và nhập khẩu gần 500 tấn lúa mì. Việc chủ động tích trữ sớm giúp doanh nghiệp tránh được biến động về giá nguyên, vật liệu, biến động tỷ giá.

Sản lượng bún, phở, bánh tráng phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu cuối năm dự báo tăng khoảng 30%, do đó theo đại diện doanh nghiệp, việc tích trữ nguyên liệu không chỉ giúp doanh nghiệp chủ động sản xuất, mà còn là cơ sở để giữ, giảm giá thành sản phẩm.

Giá lợn hơi giảm đã giúp Công ty Vissan có điều kiện chuẩn bị nguồn hàng sớm ngay đầu quý 3. Doanh nghiệp dành hơn 700 tỷ đồng để thu mua 2.000 tấn hàng tươi sống và khoảng 4.500 tấn hàng chế biến.

“Chuẩn bị nguồn nguyên liệu như thế nào để tham gia bình ổn, đối với doanh nghiệp là không lỗ, còn người tiêu dùng thì giá không biến động cao; chuẩn bị trước thì những thiệt hại sẽ được giảm thiểu. Đặc biệt thời gian qua khi Chính phủ đưa giá xăng dầu trở lại bình thường, đây là yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp”, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho hay.

Theo Hội Lương thực Thực phẩm Tp.Hồ Chí Minh, giá nguyên liệu đầu vào của ngành sản xuất thực phẩm đang có xu hướng giảm. Nhiều doanh nghiệp đã tăng tích trữ để đảm bảo duy trì sản xuất ổn định và sẽ cân nhắc giảm từ 5 – 15% giá bán sản phẩm hàng hóa.

“Chúng tôi đã có dự trữ ổn định cho tới cuối năm và qua 1 – 2 tháng đầu của năm 2023. Một số mức giá bắt đầu giảm xuống. Các mặt hàng chủ lực theo đó sẽ ổn định trong thời gian từ nay tới cuối năm”, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp.Hồ Chí Minh, thông tin với VTV. 

Hương Anh

Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/bai-toan-nguon-cung-nguyen-lieu-cho-doanh-nghiep-thuc-pham-va-du-bao-a572862.html