Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ bán đấu giá hơn 601 tấn phế liệu tiền kim loại sau tiêu hủy, với giá khởi điểm là 48,1 tỷ đồng, không bao gồm VAT và chi phí bốc dỡ, di chuyển.
Toàn bộ số phế liệu trên đã được Trung tâm kĩ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 – Tổng cục đo lường Chất lượng – Bộ khoa học công nghệ thực hiện phân tích, thử nghiệm thành phần hoá học.
Theo yêu cầu từ NHNN, tổ chức đấu giá tài sản muốn đăng kí phải có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho việc đấu giá với loại tài sản đấu giá, có phương án đấu giá khả thi, hiệu quả.
Đồng thời, đơn vị này phải có có năng lực, kinh nghiệm và uy tín thoả mãn một số điều kiện như là tổ chức có 5 năm kinh nghiệm hoạt động, có tối thiểu 5 đấu giá viên đã có kinh nghiệm 5 năm, tổ chức đấu giá có hợp đồng bán đấu giá tài sản hoàn thành trong năm 2018 đạt tối thiểu 45 tỷ đồng.
Các tổ chức muốn đăng kí tham gia tổ chức đấu giá cần nộp hồ sơ trước ngày 14.5.2019.
Tiền kim loại bắt đầu đi vào lưu thông từ cuối năm 2003 với mong muốn có phương tiện thanh toán tự động như máy bán nước giải khát vệ đường, mua vé đi tàu, xe buýt.
Phát hành tiền xu có 5 loại mệnh giá 200, 500, 1.000, 2.000 và 5.000 đồng. Loại tiền xu 200, 500 đồng được làm bằng chất liệu thép mạ niken; loại 1.000, 2.000 đồng bằng thép mạ đồng vàng; riêng loại 5.000 đồng bằng hợp kim đồng, bạc, niken. Tốc độ trượt giá của VND khiến một số mệnh giá của loại tiền xu ít được sử dụng. Thêm vào đó, sau vài năm, người dân bắt đầu “ngán” bởi vô vàn những lý do như không bền, kích thước lại nhỏ, khó bảo quản và lưu giữ trong ví.
Dù tiền xu vẫn là một trong những hình thức thanh toán hợp lệ, cả 5 mệnh giá vẫn dần vắng bóng trong lưu thông. Tháng 4/2011, NHNN ngừng phát hành tiền xu.
Theo Đức Quân/Kinh tế môi trường