Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, khâu liên kết và hợp tác đang là điểm yếu của doanh nghiệp Việt, nếu bản thân các doanh nghiệp không thay đổi thì sẽ không thể đi xa được.
Ngày 28/5, Bộ Công Thương với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức cuộc họp liên ngành về tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo và rau quả 4 tháng đầu năm và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu những tháng cuối năm 2024.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế, tiềm ẩn rủi ro tới hoạt động thương mại hàng hóa toàn cầu, trong đó có mặt hàng gạo và rau quả.
Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa gạo
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định: “Hiện chúng ta mới đang xuất khẩu một sản phẩm của doanh nghiệp chứ không phải xuất khẩu sản phẩm của một ngành hàng. Khâu liên kết và hợp tác đang là điểm yếu của doanh nghiệp”.
Nhìn thẳng vào sự yếu kém trong khâu hợp tác, liên kết, Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn chứng: “Khi chúng tôi đi Hội chợ quốc tế, các bạn Trung Quốc trưng bày là cả 1 không gian, nhưng với Việt Nam, có những doanh nghiệp vẫn thuê riêng 1 góc ngoài chứ không đi chung với Hiệp hội hay Bộ, ngành. Rõ ràng, nếu bản thân các doanh nghiệp không thay đổi thì sẽ không thể đi xa được”.
Bộ trưởng Hoan cho rằng, cần phải nhấn mạnh nói đến hình ảnh gạo Việt Nam sẽ nhớ đến hình ảnh nông sản Việt chứ không chỉ nói về gạo Trung An, hay một doanh nghiệp gạo nào khác. Có như vậy, nông sản Việt mới có thể lớn lên được.
Nhận định về dự báo tình hình và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ, nhu cầu nhập khẩu về gạo, rau quả của thế giới ngày càng lớn do nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia do ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang; cạnh tranh địa chính trị và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn.
Ngoài ra, yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao và ổn định. Nhiều hàng rào kỹ thuật ở các nước nhập khẩu đã và đang được dựng lên để bảo hộ thương mại trong nước.
Thị trường truyền thống cũng còn dư địa rất lớn, ngoài ra, còn nhiều thị trường tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả, như: Sản phẩm thực phẩm Halal, thị trường châu Phi, Mỹ Latinh,..
Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán, ký kết và nâng cấp các FTA với các đối tác ở các thị trường tiềm năng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng để đẩy mạnh xuất khẩu.
Trong bối cảnh có những thuận lợi và khó khăn đan xen, để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu gạo, rau quả, đồng thời bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, Bộ trưởng Diên đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa, gạo, rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Làm tốt công tác định hướng quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản….
“Đồng thời, chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế để nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị sản phẩm gạo, rau quả Việt Nam nhằm khẳng định thương hiệu ở các thị trường truyền thống và mở rộng thị phần tại các thị trường tiềm năng”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.
Song song với đó là chủ động theo dõi sát tình hình, kịp thời nắm bắt thông tin để cung cấp đầy đủ, chính xác về diễn biến thị trường nông sản và hướng dẫn, khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp và các Hiệp hội, người sản xuất tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng, quy định của thị trường nhập khẩu…
Đề xuất áp giá sàn trong xuất khẩu gạo
Tại sự kiện, ông Nguyễn Ngọc Nam – Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam – thông tin, 4 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 3,4 triệu tấn gạo, kim ngạch hơn 2 tỷ USD.
Việt Nam cũng tập trung vào thị trường lớn như Philippines, Trung Quốc, Indonesia…Trong 5 tháng đầu năm, giá gạo trong nước tăng hơn so với cùng kỳ, đảm bảo hiệu quả bà con nông dân, người trồng lúa.
Dù vậy, ông cũng nêu một số vấn đề tồn tại, như việc doanh nghiệp nợ tiền lúa nông dân, hay việc doanh nghiệp xuất khẩu gạo cạnh tranh không lành mạnh về giá.
“Trong số 157 đầu mối xuất khẩu gạo, chỉ 70 doanh nghiệp thuộc hiệp hội, nên họ không báo cáo và khó chỉ đạo. Theo quy định thì cũng không có biện pháp nào để chế tài. Do vậy chỉ có Bộ Công Thương mới có thể xử lý được”, ông Nam nói. Từ đó, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam đề xuất áp dụng giá sàn trong xuất khẩu gạo.
Đại diện Hiệp hội rau quả Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Thanh Bình chia sẻ, đến ngày 20/5, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt 2,490 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2023. Các thị trường chủ lực tiếp tục tăng tốc độ cao, Trung Quốc đứng đầu 1,156 triệu USD.
Tại các doanh nghiệp, hoạt động xuất khẩu mặt hàng này tiếp tục thuận lợi, nhu cầu tại các thị trường truyền thống tiếp tục tăng, đặc biệt là sầu riêng, dưa hấu, xoài.
“Tuy nhiên, vấn đề về chất lượng, nhất là rau quả còn chưa cao, thể hiện ở sự đồng đều của sản phẩm, vẫn tồn tại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên cần có giải pháp để xử lý”, ông Bình nói.
Bên cạnh đó, còn có hiện tượng tranh mua, tranh bán khi thị trường biến động, nhất là ở vùng nguyên liệu xảy ra nghiêm trọng, đây là vấn đề tồn tại đã lâu, dù có nhiều giải pháp nhưng chưa giải quyết tốt được (đó là liên kết giữa nhà sản xuất và tiêu thụ) khi thị trường biến động, nhất là sầu riêng.
Ông Bình nhấn mạnh, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm về mặt chất lượng liên quan đến khâu sản xuất làm chưa tốt, nên vẫn xảy ra vi phạm, vì vậy các cơ quan chức năng cần phối hợp địa phương, hiệp hội làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt các sản phẩm thu hoạch, quản lý tốt lực lượng thương lái, không để xảy ra hiện tượng tranh mua, tránh bán…
Nguyễn Phương Anh