Tôi cảm thấy bất ngờ xen cả nỗi bất an về sự không bình thường của mạng xã hội. Họ viết trên Facebook, họ đưa lên Youtoube tràn lan theo lối “mưa dầm thấm lâu”, kiểu nói mãi rồi cũng sẽ có người tin…
L.T.S. Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, nhà báo Quốc Phong- Nguyên Phó TBT báo Thanh Niên gửi đến Toà soạn một bài viết tâm huyết và sâu sắc liên quan đến một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo chí chính thống: Đấu tranh phản bác những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, độc hại đang lan tràn trên mạng xã hội. Người đưa tin xin trân trọng giới thiệu bài viết của một nhà báo kỳ cựu, có thâm niên 45 năm làm báo cùng bạn đọc.
Báo chính thống thực ra vốn có nhiều thế mạnh. Vì lẽ đó, chúng ta cần làm chủ thông tin hầu lấn át các thông tin xấu, độc đã và đang ngày ngày lan truyền trên mạng xã hội. Nên nhớ, nói hoài chuyện không có thật thì rồi cũng sẽ có người phân tâm và tin. Nếu chúng ta làm thật tốt điều này, bằng nhiều biện pháp khác nhau, hoặc tế nhị đề cập gián tiếp, hoặc khi cần, không đến mức “bí mật quốc gia đại sự” thì nên chủ động thông tin sớm hơn, hoặc biết chớp” thời cơ vàng”mà ta có được để làm chủ thông tin tích cực. Thông tin tích cực qua nhiều kênh báo chí khác nhau, mỗi báo thể hiện một kiểu luôn luôn là cách tốt nhất để tấn công lại các mạng xã hội xấu, độc nếu muốn tin tốt, tin tích cực sớm đến với người dân nói chung.
Từ chuyện vừa mới đây…
Tôi cảm thấy bất ngờ xen cả nỗi bất an về sự không bình thường của mạng xã hội. Họ viết trên Facebook, họ đưa lên Youtoube tràn lan theo lối “mưa dầm thấm lâu”, kiểu nói mãi rồi cũng sẽ có người tin…
Tôi rất lấy làm lạ khi Chủ tịch Nước Võ Văn Thưởng mới nhậm chức, mạng xã hội rộ lên bàn tán về tin đồn bịa đặt ông là “con trai cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt”. Oái oăm hơn khi họ lại “bẻ lái”, dựng tiếp ông là “cháu ngoại cụ Võ Văn Kiệt”… Tôi thấy lạ hơn ở chỗ báo chí chính thống của ta lúc đó vẫn im lặng, không một cơ quan nào bàn cách lên tiếng thế nào đó tấn công lại, làm sao cho khéo léo. Qua đó gián tiếp truyền tải thông tin cho dư luận biết, tất cả đều chỉ là tin rác, họ dựng đứng chuyện để nói xấu lãnh đạo ta, vi phạm vào đời tư người khác. Đó là sự bịa đặt trắng trợn đáng phê phán. Nhưng nó nguy hiểm ở chỗ nếu cứ nói mãi mà không ai nói lại thì vẫn có người tin, người hoài nghi mà không ai giải toả giúp.
Ấy là có cả một cựu Trung ương uỷ viên còn gọi cho tôi nói rằng: “Chú là lính cũ của ông Võ Văn Thưởng nhiều năm, những thông tin ông Thưởng là con cụ Sáu Dân có thực không ? Anh nghỉ hưu đã hơn hai chục năm nên cũng thiếu thông tin chính thống chuyện này, nên không biết thế nào dù anh cũng có biết đôi chút về các con cụ …”
Vậy thì đúng là đáng lo rồi ! Thứ đồn đại linh tinh như thế nguy hiểm thật!
Giá như báo chí chính thống của chúng ta, mỗi anh nghĩ ra một cách khai thác và cùng chủ động lên tiếng sao cho tế nhị thì hay biết bao!
Không lẽ chúng ta cứ để họ “thụi” mình, muốn nói gì thì nói sao!
Theo tôi biết, quê Chủ tịch Nước Võ Văn Thưởng ở Vĩnh Long. Cha ông được ra Bắc an dưỡng khi đất nước vẫn còn chia cắt và thân mẫu ông đã sinh ra ông tại tỉnh Hải Dương, năm 1970.
Sau đó, khi đất nước Thống nhất, thân mẫu ông và ông trở về quê cha sinh sống. Ông đã học tập và trưởng thành như mọi gia đình lao động bình thường khác tại Vĩnh Long .
Ấy thế mà không hiểu sao người ta lại biến hoá, dựng chuyện y thật như vậy được.
Không lẽ chỉ là do Chủ tịch nước và cụ Kiệt cùng quê Vĩnh Long, đều mang họ đệm “Võ Văn”?
Tiếc là ở chỗ mạng xã hội họ “biết 1 mà không biết 10”. Cụ Kiệt đâu có họ Võ mà là họ Phan. Tên khai sinh của ông là Phan Văn Hoà, quê huyện Vũng Liêm của tỉnh Vĩnh Long. Ông theo cách mạng nên phải sang tên đổi họ để giữ bí mật công tác.. .
Còn Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sinh ra tại Hải Dương như tôi vừa đề cập. Đến sau 1975, hai mẹ con ông trở về quê cha ở Mang Thít. Thế thôi!
Chỉ có mỗi như vậy mà họ xuyên tạc đủ thứ chuyện, trong khi báo chí chính thống thì im lặng không bác bỏ. Đây là điều khiến tôi thấy buồn, băn khoăn và khó có thể chấp nhận trong khi Đảng ta luôn chỉ đạo bằng nhiều biện pháp để chúng ta làm chủ thông tin, tấn công phản bác lại các thông tin xuyên tạc sự thật lan tràn ngoài xã hội. Cứ đồn mãi cũng sẽ có người tin sái cổ. Vậy là rất không nên và gián tiếp cho thấy báo chí chính thống chúng ta có nguy cơ “thua… lấm lưng” ngay trên sân nhà( ?!!) .
Đến chuyện từ cả chục năm trước
Tôi đã từng làm báo và viết báo, cho đến nay nghỉ hưu vẫn viết, thế nên cũng có 45 năm thâm niên. Tôi cũng từng nêu quan điểm của mình xung quanh chuyện cách đây nhiều năm khi chứng kiến nhiều sự việc liên quan đến nghề báo.
Số là năm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người Anh Cả của Lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam vừa qua đời (2013). Thông tin trên mạng thì họ nói đủ thứ, đúng sai lẫn lộn. Chỉ có cái đúng, đó là Đại tướng của chúng ta đã đi xa trong khi báo chính thống lúc này chưa đăng vì Ban tổ chức Tang lễ chưa họp(!). Anh nào lách thì lách theo kiểu viết “vu vơ” ca ngợi Đại tướng, không nói cụ đã đi xa và ai muốn hiểu sao, tuỳ!
Thế thì chúng ta làm chủ thông tin thế nào? Như vậy thì có bị động không? Tôi nghĩ, nếu so với thế giới thì có thể nói, chúng ta rất bị động và máy móc. Một nhà cựu lãnh đạo đã 103 tuổi thì việc ra đi như vậy đâu cần thiết phải bí mật như người đang đương chức rồi bất chợt ra đi!
Vài chục năm trước, khi còn làm báo, có một việc khiến tôi nhớ mãi khi đứng ở góc độ kinh nghiệm nghề nghiệp. Đó là việc một ông Đại sứ Hoa Kỳ sang Việt Nam nhậm chức. Chuyện đã lâu rồi nên không nhớ chính xác tuyệt đối nhưng chắc là ông Raymond Burghardt .
Theo quy định, các cơ quan ngoại giao nào muốn họp báo thì phải có văn bản xin phép Bộ Văn hoá – Thông tin (cũ).
Lần đó, Đại sứ quán Mỹ không xin phép chúng ta. Mà thực ra họ cũng nhiều lần không xin phép, kiểu cho mình là “nước lớn”(!?) cho dù đã được Nhà nước ta nhắc nhở. Vì đó là cuộc họp báo không xin phép, nên báo chí trong nước không đưa tin.
Tiếc rằng bữa đó, vị Đại sứ Mỹ lại ca ngợi Việt Nam ta đến bất ngờ .
Ông Đại sứ phát ngôn với nhiều nhận xét rất giá trị trên một số mặt kinh tế, xã hội của đất nước ta. Nó có cả những nội dung mà trước đó không lâu, các phương tiện truyền thông Phương Tây và Hoa Kỳ đưa theo thiên kiến, nói xấu ta không hay chút nào…
Anh em phóng viên quốc tế của tờ báo sau khi về có báo cáo lại Ban Biên tập nội dung cuộc họp. Họ đăng ký viết để đăng báo ngày hôm sau thì sau đó không lâu, tôi nhận được chỉ đạo là không được đăng vì họ họp báo mà không xin phép cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động báo chí.
Trước một tình huống như vậy, về lý việc báo chí chúng ta không đưa tin để bày tỏ quy định mang tính chất nguyên tắc: Anh không tôn trọng pháp luật của tôi thì tôi không ủng hộ anh.
Nói vậy thì cũng đúng bởi họ đã không xin phép ta đâu chỉ một lần.
Song nếu không đăng thì lại rất uổng khi có ông Đại sứ Hoa Kỳ bày tỏ quan điểm, suy nghĩ về Việt Nam một cách rất có thiện cảm.
Tổng Biên tập của tôi sau khi biết nội dung cuộc họp đầy bất ngờ và cũng khá thú vị trên, và biết việc chúng ta không đăng tin do cuộc họp báo không xin phép thì yêu cầu tôi liên lạc ngay với ông Phạm Quang Nghị, (sau này là Ủy viên Bộ Chính trị), khi đó đang là Bộ trưởng Bộ Văn hoá-Thông tin (nhiệm kỳ 2001-2006) để báo cáo Bộ trưởng, cố gắng thuyết phục bằng được Bộ trưởng, hy vọng có thể “phá rào” mà “châm chước”, cho các báo đưa tin, viết bài xung quanh sự kiện này? Sau rồi ta nhắc nhở luôn thể để thể hiện Nhà nước ta rất thiện chí, không máy móc trong việc xử lý, giúp họ hiểu và tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
Một mặt khác, ấy là thông tin họ phát ra trong khi chúng ta lại rất cần và không dễ có được. Bộ trưởng Nghị lúc đầu dứt khoát không đồng ý. Sau đó, tôi xin phép điểm lướt ý cho ông nghe nội dung mà tân Đại sứ Hoa Kỳ nói những gì về Việt Nam chúng ta thì ông dịu giọng và im lặng đôi chút. Như để suy nghĩ, ông hẹn tôi sẽ trả lời sau ít phút nữa để ông xác minh thêm vì ông biết, lúc này thì các báo cũng đang lên khuôn để in, không thể chờ được thêm nữa.
Khi tôi nhìn đồng hồ, cố chờ thêm ít phút rồi mới gọi lại thì từ đầu dây bên kia, giọng ông nhẹ nhàng đồng ý để báo chúng tôi chọn đăng những thông tin nào có lợi cho đất nước.
Cái giá trị nhất là nội dung này lại đều phát đi từ vị tân Đại sứ. Phải nhớ rằng, đó cũng là cơ hội tốt để chúng ta chớp lấy thông tin, đập lại các luận điệu của một số cơ quan khác của họ khi đó hay phê phán ta, đặc biệt về vấn đề nhân quyền, về dân chủ … Vì thế, chúng ta nên thấy được những giá trị của thông tin này.
Cần nắm thế mạnh của báo chính thống để làm chủ thông tin, dẫn dắt dư luận xã hội…
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 5/2022, về cơ cấu, số lượng cơ quan báo chí in và điện tử, cả nước có 815 cơ quan báo chí, gồm 138 báo và 677 tạp chí, trong đó có 29 cơ quan báo chí chỉ thực hiện loại hình điện tử; có 72 cơ quan phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương…
Một đội ngũ người làm báo hùng hậu như vậy mà sao lại phải “nhường” trận địa, vô tình “trao tặng” lợi thế cho mạng xã hội thì quả rất đáng buồn !
Đây rõ ràng là vấn đề mà báo chí chúng ta nói chung và từng cơ quan báo chí nói riêng phải đặt ra cách tuyên truyền một cách nghiêm túc và cấp thiết.
Không ai phủ nhận khía cạnh tích cực của mạng xã hội trong đời sống hôm nay. Người làm báo cũng rất cần đến nó, để có thêm nguồn thông tin phong phú, cập nhật rất nhanh từng giờ, từng phút từ khắp mọi nơi. Nhưng để khai thác đăng báo thì lại phải thông qua quá trình thẩm định sao cho vừa phải nhanh vừa phải chính xác. Nhiều khi, vì cái chung mà nếu có lợi cho toàn cục thì cũng nên nghĩ cách làm, không để thông tin xấu độc làm loạn môi trường mạng, gây bất lợi cho công tác tuyên truyền, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Chúng ta dứt khoát không để kẻ xấu lợi dụng, bôi lem hình ảnh và các nhân tố tích cực của chế độ ta… và cũng không để bỏ lỡ những thông tin tích cực được phát đi từ những nhân vật nào đó quan trọng, có tiếng nói trọng lượng.
Trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng và tiêu cực hiện nay, nhân dân rất tin vào Đảng ta trước những gì Đảng ta làm. Sự công khai, minh bạch trong đời sống chính trị sẽ khiến đảng viên và quần chúng càng tin Đảng hơn. Điều này là chắc chắc vì họ sẽ được biết cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta đã và đang xử lý những cán bộ mắc sai phạm mà không hề có vùng cấm, trong đó có cả những cán bộ cao cấp. Họ rất muốn biết những thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước ta đang xử lý những sai phạm đó theo cách nào, có nghiêm túc không, có thật khách quan không?
Từ những câu chuyện có thật và được lấy làm ví dụ ở trên, tôi cho rằng chúng ta cần thật linh hoạt và uyển chuyển khi làm nhiệm vụ tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ các nền tảng tư tưởng của Đảng hơn. Chúng ta lại càng cần nhiều cách tuyên truyền, thuyết phục khác nhau, biết nắm lấy và làm chủ thông tin để đạt được mục tiêu, miễn sao có lợi nhất cho chế độ, cho Đảng trong công tác tuyên truyền.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Quốc Phong