Thứ Bảy, Tháng Mười Một 23, 2024
Home Bất động sản Bất động sản “co kéo” lợi nhuận

Bất động sản “co kéo” lợi nhuận

0

Doanh thu bất động sản của Tập đoàn FLC tăng ấn tượng 6 tháng đầu năm 2018 song lợi nhuận lại khá khiêm tốn

Những con số lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng của doanh nghiệp bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2018 đã giúp cho cổ phiếu trên sàn hồi phục, bật tăng mạnh 30-40% sau đợt “bão” vừa qua. Song lợi nhuận chưa phải là con số đáng quan tâm nhất…

Bất ngờ lợi nhuận “đẹp”

Nhiều doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn HNX, HoSE bất ngờ báo lãi lớn trong quý 2/2018 với những chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng cao. “Điểm sáng” đáng chú ý là các tập đoàn lớn ghi nhận con số doanh thu hàng nghìn tỷ đồng, lợi nhuận vượt kế hoạch đề ra.

Nổi bật là nhóm công ty họ VIN gồm Vingroup, Vincom Retail, Vinhomes, trong đó doanh thu thuần hợp nhất quý 2/2018 của Tập đoàn Vingroup đạt hơn 31.741 tỷ đồng tăng 63,3% so với cùng kỳ năm 2017, lợi nhuận trước thuế tăng tới 90,3% đạt 3.606 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận quý kỷ lục của tập đoàn từ trước đến nay nhờ tập đoàn liên tục mở rộng đầu tư hàng loạt dự án bất động sản, trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng quy mô lớn trên toàn quốc.

Hoạt động chuyển nhượng bất động sản đóng góp tới 23.814 tỷ đồng doanh thu trong quý 2, tiếp đến là bán lẻ 4.316 tỷ đồng, mảng khách sạn nghỉ dưỡng và giải trí đạt 2.0008 tỷ đồng… và đều tăng trưởng trên 65%. Riêng mảng cho thuê mặt bằng bán lẻ, giáo dục, y tế… chỉ tăng trưởng từ 28% đến 53%…

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu thuần của Vingroup đạt hơn 61,2 nghìn tỷ đồng, tăng 73,6% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động tài chính mang về 1.170 tỷ đồng doanh thu. Lợi nhuận trước thuế đạt 14.316 tỷ đồng và sau thuế 8.876 tỷ đồng, vượt kế hoạch cả năm.

Vingroup liên tục mở rộng chuỗi hệ thống trung tâm thương mại tại nhiều địa phương 

Trên đường đua mở rộng thị phần bất động sản nghỉ dưỡng, Tập đoàn FLC trong vài năm gần đây đã ghi nhận những con số tăng trưởng vốn, doanh thu và lợi nhuận cao. Năm 2017, FLC công bố con số doanh thu hợp nhất 11.600 tỷ đồng, tăng trưởng 87%, là mức lợi nhuận đột biến sau khi phát triển các dự án nghỉ dưỡng lớn tại Thanh Hoá, Bình Định và Vĩnh Phúc. Song lợi nhuận sau thuế lại giảm mạnh 61% chỉ đạt 390 tỷ đồng do hiệu quả kinh doanh tại một số công ty thành viên vẫn ghi nhận lỗ.

Nhưng đến quý 2/2018 là quý tăng trưởng doanh thu của FLC gấp 2,6 lần, đạt hơn 3.030 tỷ đồng, nâng luỹ kế doanh thu hợp nhất 6 tháng qua lên mức 5.296 tỷ đồng, tăng trưởng 80% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do chi phí bán hàng, lãi vay tăng quá cao khiến cho lợi nhuận của FLC bị sụt giảm đáng kể, chỉ đạt 206 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và sau thuế còn vỏn vẹn… 124,7 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 1,44%.

Tập đoàn CEO cũng gây chú ý khi kết quả kinh doanh liên tục khởi sắc trong các quý gần đây. Riêng quý 2/2018, doanh thu thuần tăng gần 45% so với cùng kỳ năm trước, đạt 596,6 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 116,5 tỷ đồng. Doanh thu chủ yếu đến từ các dự án nghỉ dưỡng Phú Quốc (khách sạn, biệt thự), dự án bất động sản nhà ở và cho thuê văn phòng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu của Tập đoàn CEO đạt hơn 1.046 tỷ đồng, tăng gần 36% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế đạt 213 tỷ đồng, lãi sau thuế gần 170 tỷ đồng, tăng trưởng 37,5%. Như vậy, công ty đã hoàn thành 46% kế hoạch doanh thu cả năm (2.200 tỷ đồng) và chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế (370 tỷ đồng). Nhờ hoạt động kinh doanh tăng trưởng tích cực nên cổ phiếu CEO trên sàn cũng tăng rất mạnh từ vùng đáy 10.000 đồng/CP lên tới hơn 18.000 đồng/CP trong quý 2.

Áp lực hàng tồn kho

Trong nhóm các “ông lớn” bất động sản phía Nam, Tập đoàn Novaland cũng ghi nhận tăng trưởng kinh doanh khả quan trong quý 2/2018. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 2.383 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 859 tỷ đồng, tăng 145% so với quý 2/2017. Novaland cũng ghi nhận 777 tỷ đồng doanh thu tài chính, chủ yếu do thu lãi tiền gửi và khoản đánh giá lại khoản đầu tư khi hợp nhất kinh doanh từng giai đoạn vào Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Sun City tại ngày nắm quyền kiểm soát.

Nhưng do các chi phí tài chính, bán hàng tăng mạnh nên lợi nhuận sau thuế quý 2 của Novaland chỉ đạt 617 tỷ đồng, ttăng trưởng 42,6% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, Novaland đạt doanh thu 4.290 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 745 tỷ đồng, chỉ đạt 23% kế hoạch cả năm.

Mặc dù kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn tăng trưởng cao nhưng thị trường bất động sản nửa đầu năm khá ảm đạm, thanh khoản sụt giảm đáng kể đã khiến lượng hàng tồn kho tăng lên đáng kể.

Đơn cử, đến hết quý 2/2018, lượng hàng tồn kho của Novaland tăng thêm 16% lên 31.454 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng tài sản công ty. Đây chủ yếu là hàng tồn kho tại các công ty con mà Novaland mới mua trong kỳ. Tổng nợ phải trả của Novaland tăng mạnh, lên mức 41.290 tỷ đồng, bao gồm 9.126 tỷ đồng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và 13.076 tỷ đồng vay nợ thuê tài chính dài hạn. Có thể thấy, hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn đang “chôn” vốn của doanh nghiệp khiến cho khả năng quay vòng vốn sinh lớn yếu đi và ảnh hưởng tới lợi nhuận.

Trong khi đó, nhờ đẩy mạnh hoạt động kinh doanh bán hàng nên lượng hàng tồn kho của Tập đoàn FLC đến cuối tháng 6 giảm nhẹ, duy trì ở mức 1.229 tỷ đồng, chiếm chưa đầy 5% tổng tài sản. Tuy nhiên, tổng nợ phải trả lại tăng mạnh lên hơn 17.601 tỷ đồng và tạo áp lực cân đối nguồn tài chính trả nợ ngắn hạn khá lớn cho doanh nghiệp này.

Theo dự báo, thị trường bất động sản nửa cuối năm sẽ khởi sắc hơn song việc cần thiết là doanh nghiệp cân đối nguồn cung sản phẩm hợp lý theo nhu cầu, đẩy mạnh hoạt động bán hàng mới giúp cải thiện doanh thu. Hơn nữa, việc tiết giảm các chi phí quản lý, tài chính, giảm áp lực nợ vay và hàng tồn kho… sẽ giúp lợi nhuận trở nên đẹp thực chất hơn, thay vì con số “co kéo” trên sổ sách lâu nay.

Theo Thương Gia