Home Tiêu điểm Quốc tế Bị Mỹ gây khó dễ, nhà đầu tư Trung Quốc ‘tháo chạy’...

Bị Mỹ gây khó dễ, nhà đầu tư Trung Quốc ‘tháo chạy’ khỏi Thung lũng Silicon

0

Hồi đầu năm 2018 các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn còn ồ ạt rót vốn vào các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ của Mỹ. Tuy nhiên, kể từ khi Mỹ đưa ra một quy chế mới vào tháng 8/2018 thì tình hình đã hoàn toàn thay đổi.

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 8 đã ký một đạo luật nhằm tăng cường sự kiểm soát, giám sát của chính phủ Mỹ đối với các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài cũng như việc xuất khẩu các công nghệ nhạy cảm.

Đạo luật này đã được Quốc hội Mỹ thông qua với sự nhất trí hiếm thấy của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Mặc dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng rõ ràng không thể phủ nhận mục đích của nó là nhằm vào Bắc Kinh.

Đạo luật mới này sẽ tăng cường quyền hạn cho Ủy ban về Đầu tư nước ngoài (CFIUS) do Bộ trưởng Tài chính Mỹ đứng đầu trong việc xem xét, đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài. Ủy ban này hiện tại có thể xem xét, đánh giá bất kỳ một dự án đầu tư nào trong đó cho phép người nước ngoài được tiếp cận các bí mật thương mại do các công ty công nghệ cao của Mỹ sở hữu.

Kể từ khi đạo luật này được thông qua, các nhà đầu tư Trung Quốc tỏ ra “kém hào hứng” với các giao dịch làm ăn tại Mỹ.

Theo kết quả khảo sát được Reuters thực hiện với 35 công ty  mới đây, các khoản đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc vào các công ty khởi nghiệp ở Mỹ đã dần chững lại.

Luật sư Nell O’Donnell, người đại diện cho các công ty công nghệ Mỹ giao dịch với các nhà đầu tư nước ngoài, cho biết: “Các thỏa thuận liên quan đến các công ty Trung Quốc, khách hàng Trung Quốc, và các nhà đầu tư Trung Quốc gần như đã chững lại.”

Các nhà đầu tư Trung Quốc, bao gồm các công ty đại gia đình, đã từ bỏ các giao dịch và ngừng tham gia các cuộc họp với các công ty khởi nghiệp ở Mỹ. Trong khi đó, một số doanh nhân khác lo ngại việc phê duyệt kéo dài của chính phủ Mỹ có thể làm mai một các nguồn lực và động lực của họ trong một lĩnh vực mà tốc độ tiếp cận thị trường nhanh là rất quan trọng.

Một nhà đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon nói với Reuters rằng ông biết có đến ít nhất 10 giao dịch đã bị rút, trong đó có một số công mà công ty của ông có mua cổ phần, họ hủy giao dịch vì cần phải có sự chấp thuận từ CFIUS.

Ông Reid Whitten, một luật sư của công ty Sheppard Mullin, nói rằng trong số 6 công ty mà ông gần đây đã tư vấn để có được sự chấp thuận của CFIUS, thì chỉ có 2 công ty tiếp tục nộp hồ sơ. Những công ty khác đã từ bỏ giao dịch của họ hoặc vẫn đang xem xét liệu có nên tiếp tục hay không.

Trung Quốc có nhiều kế hoạch tham vọng để dẫn đầu thế giới về công nghệ trong thập kỷ tới, với việc cam kết đầu tư hàng trăm tỷ USD các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, phương tiện tự lái và siêu máy tính. Tuy nhiên, lượng nhân tài tại Trung Quốc ít hơn nhiều so với ở Mỹ – nơi thu hút được những kỹ sư và doanh nhân đầy tham vọng từ khắp thế giới.

Theo hãng nghiên cứu Rhodium Group, từ con số không đáng kể vào năm 2000, đến năm 2016, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Mỹ (bao gồm xây dựng các nhà máy, trụ sở văn phòng, cũng như việc mua lại các công ty Mỹ) đã đạt con số kỷ lục 46 tỷ USD.

Các nhà đầu tư Trung Quốc đổ vốn vào các công ty Mỹ liên quan đến trí tuệ nhân tạo, chế tạo người máy và công nghệ blockchain (công nghệ chuỗi khối).

Công ty nghiên cứu kinh tế Rhodium Group có trụ sở ở New York cho biết nguồn vốn đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc trong các dự án khởi nghiệp vào năm ngoái tăng đến 3 tỷ USD.

Theo cựu cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Rod Hunter, việc thắt chặt hơn nữa hoạt động giám sát các mặt hàng công nghệ hiện đại xuất khẩu sẽ gây ra tác động mạnh hơn nhiều đối với Trung Quốc so với việc chính quyền Tổng thống Trump sử dụng các biện pháp thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước này.

Tuy vậy, các biện pháp mới nói trên có thể gây ra những gánh nặng đối với công ty của Mỹ do sẽ ngày càng khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn đầu tư từ Bắc Kinh. Họ cũng sẽ không thể dễ dàng chia sẻ với đối tác hoặc khách hàng Trung Quốc các công nghệ mà chính quyền Mỹ cho rằng có tính nhạy cảm.

Thung lũng Silicon (tiếng Anh: Silicon Valley; còn được gọi Thung lũng Điện tử) là phần phía Nam của vùng vịnh San Francisco tại phía Bắc California ở Mỹ. Ban đầu tên này được dùng để chỉ một số lượng lớn các nhà phát minh và hãng sản xuất các loại chíp silicon (bộ xử lý vi mạch bằng silic), nhưng sau đó nó trở thành cái tên hoán dụ cho tất cả các khu thương mại công nghệ cao (high tech) trong khu vực.

Đây chính là nơi ra đời và đặt trụ sở của nhiều hãng công nghệ lớn nhất thế giới hiện nay, chính vì vậy Thung lũng Silicon được gọi là “cái nôi” của ngành công nghệ nước Mỹ nói riêng và của cả thế giới nói chung.

Theo Minh Đăng/VietnamFinance

Theo Reuters