Home Bất động sản Bình Định sắp xây dựng tuyến đường gần 800 tỷ đồng

Bình Định sắp xây dựng tuyến đường gần 800 tỷ đồng

0

Dự án có chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Giao thông tỉnh Bình Định, tổng vốn đầu tư hơn 795 tỷ đồng và sẽ triển khai trong giai đoạn 2022 – 2025. 

Ngày 24/11, Văn phòng UBND tỉnh Bình Định vừa có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án Tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 19 đến Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex Vsip Bình Định.

Dự án này có quy mô đầu tư xây dựng tuyến đường theo tiêu chuẩn thiết kế đường cấp III, tổng chiều dài gần 13 km. Điểm đầu tại ngã tư nút giao thông thông giữa Quốc lộ 19 và ĐT.638 thuộc địa phận xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn. Điểm cuối giáp với đường ĐS10 của Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định.

Tuyến đường gồm 3 đoạn, trong đó đoạn từ Km0+00 – Km1+606 giữ nguyên theo quy mô đường hiện trạng ban đầu, bề rộng nền đường 11m. Đoạn 2 từ Km1+606 – Km2+300 đầu tư nâng cấp mở rộng đồng bộ với đoạn 1. Đoạn 3 từ Km2+300 – Km12+945 đầu tư xây dựng mới với quy mô bề rộng nền đường 12m đảm bảo việc lưu thông của xe cơ giới và xe thô sơ.

Bên cạnh đó, công trình còn đầu tư xây dựng các hệ thống thoát nước, gia cố mái taluy, bó vỉa, vỉa hè, hệ thống chiếu sáng đảm bảo an toàn giao thông.

Dự án có chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Giao thông tỉnh Bình Định. Tổng vốn đầu tư hơn 795 tỷ đồng và sẽ triển khai trong giai đoạn 2022 – 2025.

Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex Vsip Bình Định.

Tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ kết nối từ Quốc lộ 19 đến Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định, nối liền huyện Tây Sơn, thị xã An Nhơn với huyện Vân Canh, góp phần phát triển hạ tầng giao thông nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng lao động từ thị xã An Nhơn, huyện Tây Sơn dễ dàng di chuyển đến Khu Công nghiệp, Đô thị Becamex Bình Định.

Dự án cũng thúc đẩy giao thương hàng hóa từ Khu Công nghiệp, Đô thị Becamex Bình Định với các tỉnh Tây Nguyên và Cảng Quy Nhơn, từ đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; đảm bảo an ninh – quốc phòng của các địa phương phía Tây tỉnh, đặc biệt là các xã khó khăn thường bị chia cắt giao thông khi có mưa lũ.

Dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa với diện tích khoảng 1,718ha và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phòng hộ với diện tích khoảng 18,34ha.

Hạng mục công trình và hoạt động của dự án có khả năng tác động xấu đến môi trường.

Hoạt động phát quang, chuẩn bị mặt bằng thi công, đào đắp nền đường, thi công các hạng mục công trình và hoạt động vận chuyển nguyên vật liệu, đất, đá thừa phát sinh tiếng ồn, bụi, khí thải, nước thải sinh hoạt, nước mưa chảy tràn, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại; nguy cơ gây ngập úng…

Nguyễn Duy Cường

Link nguồn