Tổng Giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) Agustin Carstens nhận định các nguy cơ lạm phát đình trệ đang ngày càng hiện rõ, phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế toàn cầu.
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) kêu gọi các ngân hàng trung ương nhanh chóng hành động để giải quyết vấn đề lạm phát cao, với “bóng ma” lạm phát đình trệ (tình trạng kinh tế tăng trưởng thấp trong khi tỷ lệ lạm phát cao) đang rình rập nền kinh tế toàn cầu.
Tổng Giám đốc BIS Agustin Carstens nhận định rằng các ngân hàng trung ương sẽ cần hành động nhanh chóng và quyết đoán để đảm bảo lạm phát quay trở lại mức thấp và ổn định, đồng thời hạn chế tác động đến tăng trưởng kinh tế.
Nếu để lạm phát cao trở nên dai dẳng, chi phí để đưa lạm phát quay trở lại tầm kiểm soát sẽ cao hơn. Lợi ích lâu dài của việc duy trì sự ổn định cho các hộ gia đình và doanh nghiệp lớn hơn bất kỳ chi phí ngắn hạn nào.
Theo báo cáo của BIS, để khôi phục lạm phát về mức thấp và ổn định, các ngân hàng trung ương nên tìm cách giảm thiểu tác động của lạm phát đến các hoạt động kinh tế, từ đó bảo vệ sự ổn định tài chính.
Rất khó để thiết kế một kịch bản “hạ cánh mềm” – giảm lạm phát mà không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế – và các điều kiện hiện nay đang khiến nhiệm vụ trở nên khó khăn hơn.
Ông Carstens nhấn mạnh trong phát biểu tại cuộc họp báo rằng một cái kết êm thấm càng được mong đợi hơn trong bối cảnh hiện nay vì điều này đồng nghĩa rằng việc siết chặt chính sách tiền tệ có thể chỉ cần thực hiện ở mức nhẹ nhàng hơn.
Tuy nhiên, ngay cả khi không đạt được kịch bản trên thì ưu tiên hàng đầu vẫn phải là kiềm chế lạm phát để ngăn kinh tế thế giới lao dốc.
Khi các nền kinh tế mở cửa trở lại đại dịch COVID-19, các ngân hàng trung ương trên thế giới đều cho rằng tình trạng lạm phát tăng chỉ là ngắn hạn khi các hoạt động kinh tế khôi phục sau thời gian trì trệ vì đại dịch. Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra hồi tháng Hai đã khiến giá cả hàng hóa tăng mạnh hơn.
BIS cảnh báo nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ bước vào một kỷ nguyên lạm phát cao mới. Các nguy cơ lạm phát đình trệ đang ngày càng hiện rõ khi tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài sau hai năm đại dịch hoành hành, kết hợp với những tác động của cuộc xung đột tại Ukraine, giá cả hàng hóa leo thang và những bất ổn tài chính đang phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế toàn cầu.
BIS cho rằng các nhà hoạch định chính sách phải thúc đẩy cải cách để hỗ trợ tăng trưởng lâu dài và đặt nền móng hình thành chính sách tài khóa và tiền tệ bình thường hơn.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có kế hoạch tăng lãi suất vào tháng Bảy và tiếp theo là tháng Chín. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa thực hiện đợt tăng lãi suất lớn nhất kể từ năm 1994, với mức tăng 0,75 điểm phần trăm, và cho biết Fed sẵn sàng đưa ra mức tăng như vậy một lần nữa vào tháng Bảy trong một nỗ lực toàn diện để giảm lạm phát.
BIS thành lập năm 1930 tại Basel, thuộc sở hữu chung của 62 ngân hàng trung ương trên thế giới, đại diện cho những quốc gia đang đóng góp tổng cộng 95% tổng GDP toàn cầu.
Mai Ly
Link nguồn: https://www.vietnamplus.vn/bis-canh-bao-bong-ma-lam-phat-dinh-tre-de-doa-kinh-te-the-gioi/800527.vnp