Nghị định 83/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 11 năm 2014 và Nghị định 95/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu đã quy định rõ trách nhiệm đối với từng Bộ ngành, đơn vị, địa phương có liên quan.
Cụ thể:
1. Bộ Công Thương:
a. Kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu tuân thủ các điều kiện về hoạt động xăng dầu; Hướng dẫn thực hiện hoạt động kinh doanh, phân phối xăng dầu.
b. Hướng dẫn thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu.
c. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá bán xăng dầu, điều hành trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá. Mức trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá tại thời điểm công bố giá cơ sở thực hiện sau khi thống nhất với Bộ Tài chính. Khi có ý kiến khác nhau, Bộ Công Thương quyết định và chịu trách nhiệm; trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
d. Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để bảo đảm việc cung ứng xăng dầu được ổn định, đáp ứng yêu cầu xăng dầu trên địa bàn.
đ. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để đưa nhiên liệu sinh hoạt lưu thông trên thị trường trong nước, theo lộ trình quy định của Thủ tướng Chính phủ; Phối hợp Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng chính sách, cơ chế về giá, thuế, phí, cơ chế tài chính khác để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh hoạt, bảo đảm nguyên tắc thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.
e. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu (trên bộ, trên mặt nước), quy định thực hiện thống nhất trong cả nước.
2. Bộ Tài chính:
a. Chủ trì, kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối thực hiện các quy định về các loại thuế, phí có liên quan.
b. Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giá; chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở, hướng dẫn việc quản lý, trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu; kiểm tra giám sát việc thực hiện chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức.
c. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ ngành có liên quan hướng dẫn việc sử dụng các công cụ tài chính phù hợp để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học, bảo đảm nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Tại Khoản 28 Điều 1, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP (sửa đổi Điều 38 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP), chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy về cảng, premium trong nước… do Bộ Tài chính rà soát, xác định (trên cơ sở báo cáo của các thương nhân đầu mối) và thông báo để Bộ Công Thương áp dụng trong công thức tính giá cơ sở). Các chi phí này được Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh định kỳ 6 tháng (trừ trường hợp có biến động bất thường).
3. Bộ Khoa học và Công nghệ:
a. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan quản lý, kiểm tra kiểm soát đo lường, chất lượng xăng dầu sản xuất pha chế, nhập khẩu lưu thông trên thị trường.
b. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đo lường, chất lượng xăng dầu, quy định thực hiện thống nhất trong cả nước.
c. Hướng dẫn việc sử dụng phụ gia không thông dụng để pha chế xăng dầu; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và hệ thống quả lý năng lực phòng thí nghiệm.
d. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc thực hiện các quy định quản lý về đo lường, chất lượng của thương nhân kinh doanh xăng dầu.
4. Bộ Giao thông vận tải:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan quy định tiêu chuẩn, điều kiện điểm đấu nối của hệ thống giao thông với hệ thống cơ sở kinh doanh xăng dầu quy định vùng nước hoạt động của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên mặt nước.
5. Bộ Tài nguyên và Môi trường:
a. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở kinh doanh xăng.
b. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong kinh doanh xăng dầu.
c. Chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức đào tạo nghiệp vụ bảo vệ môi trường cho cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
6. Ban Chỉ đạo 389: Chủ trì, phối hợp công tác phòng chống buôn lậu trong lĩnh vực xăng dầu.
7. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm: chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành tại địa phương hướng dẫn hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu, Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý xăng dầu, Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu tại địa phương, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của luật hiện hành; giám sát chất lượng xăng dầu trên địa bàn quản lý; quy định giờ bán hàng tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu; quy định các trường hợp dừng bán hàng; quản lý thương nhân cung cấp xăng dầu cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Theo Bộ Công Thương