Kiểm soát quyền lực nhà nước trong giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và đặc biệt là quản lý tài chính về đất đai, đặc biệt là thuế, phí và lệ phí… Nên chăng cần đánh thuế với đất đai bỏ hoang, đánh thuế lũy tiến với bất động sản được sở hữu?
Theo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 4 (tháng 10/2022). Nhận định vấn đề này trên Cổng TTĐT Quốc hội PGS.TS Doãn Hồng Nhung giảng viên Cao cấp – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, đây là dự án luật quan trọng, cấp thiết cần khẩn trương xây dựng, ban hành nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đất đai, bảo đảm quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Nghị quyết số 18-NQ/TW thực sự là “kim chỉ nam”, “sợi chỉ đỏ“ để hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai
PGS.TS Doãn Hồng Nhung cho biết: Tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, BCH Trung ương đề ra mục tiêu tổng quát hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo Nghị quyết, nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả.
Nghị quyết nhấn mạnh, mục tiêu cụ thể đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất; hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông.
Hoàn thành kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đất đai bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ, thống nhất; loại bỏ khâu trung gian, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp, kèm theo cơ chế kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.
Giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với sản xuất và xây dựng kinh tế; đất của các cơ sở sản xuất, đơn vị sự nghiệp đã di dời khỏi trung tâm các đô thị lớn; đất lấn biển; đất tôn giáo; đất nghĩa trang; đất kết hợp sử dụng nhiều mục đích; đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Đến năm 2030, hệ thống pháp luật về đất đai cơ bản được hoàn thiện đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khắc phục bằng được tình trạng sử dụng đất lãng phí, để đất hoang hoá, ô nhiễm, suy thoái và những tồn tại, vướng mắc về quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại.
Nghị quyết 18-NQ/TW đã thẳng thắn chỉ rõ những bất cập, tồn tại, trong công tác quản lý và sử dụng đất, một số nội dung của Nghị quyết 19-NQ/TW chưa được thể chế hoá hoặc thể chế hoá chậm, chưa đầy đủ; Luật Đất đai và một số văn bản pháp luật có liên quan còn chồng chéo, chưa thống nhất, đồng bộ. Trong một số trường hợp, chính sách, pháp luật về đất đai chưa theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn.
Đồng thời, Nghị quyết cũng đã xác định rõ 5 quan điểm; đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và năm 2030; xác định 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng thời giao các cơ quan thực hiện Nghị quyết quan trọng này.
Việc ban hành Nghị quyết là vô cùng kịp thời và cần thiết trong bối cảnh kinh tế – xã hội có nhiều biến động, thay đổi từng ngày như hiện nay. Nghị quyết ra đời thực sự là “kim chỉ nam”, “sợi chỉ đỏ“ và là cơ sở chính trị rất quan trọng để hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Nghị quyết 18-NQ/TW đặt ra nhiều vấn đề mới, chặt chẽ và quyết liệt
Theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Nghị quyết 18 được Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành kịp thời, được giới chuyên môn, học giả và người dân đón nhận với kỳ vọng sẽ hạn chế được những bất cập trong chính sách, quản lý tồn tại nhiều năm không chỉ gây thiệt hại cho Nhà nước, doanh nghiệp, người dân mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội, cơ hội phát triển của đất nước.
Nghị quyết số 18-NQ/TW đã khắc phục được những điểm còn điểm còn hạn chế của Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại” cũng đã được ban hành.
Nghị quyết số 18-NQ/TW năm 2022 được xây dựng trên cơ sở tổng kết gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2012 đặt ra nhiều vấn đề mới, chặt chẽ và quyết liệt hơn. Trong đó đặt ra mục tiêu năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và các luật liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. Đến năm 2025 phải hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông.
Đặc biệt, đối với những vấn đề vướng mắc mà Nghị quyết số 19-NQ/TW chưa đưa ra giải pháp hiệu quả thì tại Nghị quyết số 18-NQ/TW năm 2022 đã bám rất sát vào thực tế để định hướng như: Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Bỏ khung giá đất; Nghị quyết cũng đưa ra yêu cầu cụ thể “quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”;…
Với những nội dung cụ thể, thiết thực bám sát tình hình thực tiễn, trên cơ sở đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, Nghị quyết 18 đã đi thẳng vào những vấn đề tồn tại, gây bức xúc hiện nay.
Có thể nói, Nghị quyết số 18-NQ/TW đã tạo cơ sở chính trị quan trọng, tạo động lực mạnh mẽ, soi đường cho việc khơi thông nguồn lực đất đai. Tuy nhiên, để Nghị quyết đi vào cuộc sống, có tác động thực tế thì cần phải khẩn trương cụ thể bằng Luật, bằng chính sách và triển khai nhanh chóng ở cấp, các ngành và địa phương.
Luật đất đai sửa đổi phải giải quyết được các vướng mắc trong thu hồi đất, giải phóng mặt bằng
PGS.TS Doãn Hồng Nhung nhấn mạnh: Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật đặc biệt quan trọng, có phạm vi ảnh hưởng lớn, tới hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội cũng như trực tiếp tới người dân.
Trước đó, dự án sửa đổi Luật Đất đai đã được Thủ tướng Chính phủ 4 lần cho ý kiến kể từ năm 2016 tới nay, thế nhưng vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần phải tháo gỡ.
Do đó, việc triển khai sửa đổi, bổ sung Luật đất đai 2013 là một vấn đề cấp thiết và quan trọng, quá trình xây dựng Dự thảo Luật Đất đai mới sửa đổi cần có tổng kết thực tiễn thi hành, đánh giá tác động, tham vấn chuyên gia, xin ý kiến người dân,… đầy đủ và kỹ lưỡng.
Mọi chính sách đưa ra cần có sự cân nhắc một cách thận trọng, đánh giá tác động nhiều chiều, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả cũng như tính pháp điển hóa lâu dài của quy định pháp luật trong quá trình thực hiện. Một bộ luật tốt là một bộ luật được người dân và doanh nghiệp đón nhận.
Một trong những mấu chốt cần tháo gỡ, giải quyết của việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 là giải quyết các vướng mắc trong thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tăng khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, giải quyết những bất cập của giá đất, để hạn chế một cách tối đa lợi ích nhóm từ chênh lệch địa tô…. đồng thời kiểm soát được quyền lực của Nhà nước trong giao đất, cho thuê đất và thu hồi đất, hoàn thiện chế định thu hồi đất, bảo vệ quyền lợi của người nông dân, những người dân có cuộc sống mưu sinh từ đất.
Cần đổi mới căn bản về cơ chế chuyển dịch đất đai để phục vụ cho lợi ích theo cơ chế thị trường
Ngoài ra, Luật Đất đai cần được tháo gỡ bất cập trong vấn đề cho phép tổ chức tín dụng trong nước và nước ngoài thế chấp quyền sử dụng đất; vấn đề cho người nước ngoài sở hữu và giao dịch bất động sản (Hiện nay Luật Kinh doanh bất động sản đã cho phép điều này, trong khi Luật Nhà ở thì không); Bổ sung khái niệm về chuyển đổi mục đích sử dụng đất; Về bồi thường và hỗ trợ tái định cư; Thẩm quyền ban hành khung giá đất, bảng giá đất; Cần phải tính toán cân nhắc việc bỏ khung giá đất thì việc thực hiện nghĩa vụ tài chính , tính tiền sử dụng đất, tính tiền bồi thường sẽ có quy trình thực hiện và căn cứ tính thuế và tiền như thế nào? Tất cả các hoạt động về giao, cho thuê, thu hồi đất đều thực hiện đấu giá trên thị trường.
Việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 cũng cần đổi mới căn bản về cơ chế chuyển dịch đất đai để phục vụ cho lợi ích theo cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, trong thời gian chờ sửa luật, Chính phủ cần ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất một cách công khai, minh bạch.
Kiểm soát quyền lực nhà nước trong giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và đặc biệt là quản lý tài chính về đất đai, đặc biệt là thuế, phí và lệ phí… cũng cần được quy định cụ thể, chi tiết để hạn chế tranh chấp đất đai.
Nhà nước cần điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do người sử dụng đất đầu tư mang lại. Cần có xã hội hóa và chia sẻ lợi ích của các chủ đầu tư dự án đầu tư bất động sản với Nhà nước để mở đường, chỉnh trang đô thị nơi có những con đường đi qua các bất động sản xung quanh…
Nên chăng cần đánh thuế với đất đai bỏ hoang, đánh thuế lũy tiến với bất động sản được sở hữu,…
Những chính sách và pháp luật cần bổ sung thêm là những tiền đề cơ bản để Nhà nước nghiên cứu từng bước nâng cao hiệu quả thực thi Quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất và nâng cao hiệu quả sử dụng đất ở nước ta hiện nay.
Link nguồn: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/nen-chang-danh-thue-voi-dat-dai-bo-hoang-danh-thue-luy-tien-nguoi-so-huu-nhieu-bat-dong-san-119220724194007152.htm