Thời gian vừa qua, cơn sốt “tiền ảo” dường như có vẻ tạm lắng, tuy nhiên thời gian vừa qua Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Đà Nẵng cho biết, đã tiếp nhận hàng chục đơn tố cáo bị lừa đảo qua hình thức mở tài khoản đầu tư đồng tiền ảo Daycoin.
Hình minh họa
Với chiêu đánh vào tâm lý của nhiều người muốn dùng tiền thật, mua các gói tiền ảo và hi vọng trong thời gian ngắn nó tăng giá chóng mặt như Bitcoin, trên các diễn đàn mạng liên tục đăng tải, quảng bá giới thiệu các đồng tiền kỹ thuật số (tiền ảo) với lãi suất cao, lan rộng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố. Mỗi gói đầu tư đồng tiền ảo trị giá lên đến hàng ngàn USD.
Người chơi được hưởng tiền lãi, không hề biết rằng số tiền gọi là lãi này được trích ra từ tiền của người gửi sau, trả cho người gửi trước (tương tự như tham gia mua hàng đa cấp). Phương thức này, bên bán không có gì để bán, mà vẫn thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ theo nguyên tắc “lấy mỡ khách hàng trước, rán khách hàng sau” và cứ như vậy cho đến khi còn khách hàng tham gia mua tiền ảo.
Tiền ảo không được pháp luật công nhận là tiền tệ và không có giá trị trong thanh toán ngoài những người tham gia giao dịch tiền ảo với nhau. Chủ thể ẩn danh bán cái không có, nhưng lại thu về tiền thật, tài sản thật của các chủ thể mua cái không có thật đó.Chủ thể bán tiền ảo (nhà phát hành) không được xác định, khả năng tài chính của người bán không được chứng minh, không có cơ quan nào giám sát, các chủ thể sử dụng một loại tiền ảo không hề biết lãi suất mà mình được hưởng từ nguồn sản xuất nào.
Với phương thức này, nhiều phần tử xấu trong xã hội có thể lợi dụng giao dịch tiền ảo để thu về những khoản tiền lớn, hoặc lợi dụng giao dịch này để rửa tiền.
Quan hệ giữa bên mua và bên bán tiền ảo được bảo mật và không được pháp luật bảo hộ. Tính rủi ro phát sinh từ phương thức giao dịch này là rất lớn. Vì bên mua thanh toán bằng tiền thật, còn bên bán lại bán ra thứ tiền ảo, không cầm nắm được mà lại được lưu giữ trên mạng điện tử có mã số bảo mật. Mã số bảo mật này luôn luôn bị tấn công và có thể bị lộ, bị chiếm đoạt bởi những người rất giỏi về sử dụng máy tính.
Căn cứ Khoản 2 Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 và Khoản 6, 7 Điều 4 Nghị định 80/2016/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt), tiền ảo nói chung và Bitcoin, Daycoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Căn cứ vào Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về tài sản thì tiền ảo không thuộc một loại tài sản nào nên nó cũng không phải là tài sản. Về việc đầu tư vào tiền ảo, các cơ quan chức năng đã cảnh báo nhiều lần việc đầu tư này tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư.
Theo một lãnh đạo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội, qua công tác trinh sát, Cơ quan công an nắm được hoạt động đầu tư, mua bán “tiền ảo”, huy động vốn qua phát hành “tiền ảo” (ICO), nhất là hoạt động sử dụng “tiền ảo” để huy động vốn theo phương thức đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính, trật tự an toàn xã hội và có thể gây rủi ro rất lớn đối với tổ chức, cá nhân tham gia.
Hiện pháp luật Việt Nam đã có chế tài đối với hành vi phát hành, cung ứng và sử dụng “tiền ảo” với tư cách là phương tiện thanh toán. Nếu ai vi phạm thì sẽ bị xử lý hành chính, hoặc hình sự. Tuy nhiên, vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn khi “tiền ảo” không phải là phương tiện thanh toán.
“Theo đó, nếu sử dụng “tiền ảo” như là các hoạt động dân sự khác, hoạt động kinh doanh khác thì vì chưa có văn bản quy định cấm nên đương nhiên người dân, doanh nghiệp sẽ được làm” – vị này cho biết thêm.
Cơ quan công an cũng khuyến cáo người dân trước bất cứ lời mời chào đầu tư hấp dẫn nào, cần tỉnh táo để tìm hiểu bằng cách tra cứu thông tin hoặc hỏi các nhà tư vấn kinh tế có kinh nghiệm, tránh trở thành miếng mồi ngon của các đối tượng lừa đảo.
Theo Nguyễn My (TH)/Thời báo chứng khoán