Home Bất động sản Cao tốc Cam Lộ-La Sơn: Khắc phục khó khăn, giữ nguyên cam...

Cao tốc Cam Lộ-La Sơn: Khắc phục khó khăn, giữ nguyên cam kết hoàn thành trong năm 2022

0

Trên cơ sở khối lượng còn lại của cao tốc Cam Lộ-La Sơn, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã rà soát và báo cáo Bộ GTVT điều chỉnh tiến độ các gói thầu và cam kết giữ nguyên tiến độ hoàn thành dự án trong năm 2022.

Cao tốc Cam Lộ-La Sơn đang trong giai đoạn “nước rút” hoàn thành trong năm 2022 – Ảnh: VGP

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa trực tiếp kiểm tra tiến độ thi công Dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lộ – La Sơn (nối 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế).

Khó khăn từ thời tiết, mặt bằng, vật liệu

Báo cáo Bộ trưởng, ông Lê Văn Sáu, Phó Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), dự án đã bàn giao 98,2/98,3 km tuyến chính và 3,8/3,8 km tuyến tránh.

Trong đó, tại tỉnh Quảng Trị còn vướng 1 vị trí đường điện 220 kV, hồ sơ đang trình Cục Điện lực (Bộ Công Thương thẩm định). Đối với đoạn xử lý kỹ thuật cầu khe Ái Tử, hội đồng GPMB huyện Triệu Phong đang hoàn thiện thủ tục để chi trả cho các hộ dân.

Đường gom DDG7 (Triệu Phong) đã có thông báo thu hồi đất (còn vướng khoảng 60 m) và đang thực hiện các thủ tục tiếp theo. Đồng thời, điểm sụt trượt Km 26+140 – Km 26+500 (Hải Lăng) địa phương chưa trình bổ sung kế hoạch sử dụng đất. Hiện, các tồn tại trên đã được đơn vị tham mưu bằng văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Trị và đang phối hợp với địa phương giải quyết.

Tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, dự án còn vướng khoảng 100 m mặt bằng ở cây xăng Hưng Phát. Hiện địa phương đang thẩm định giá, công tác này kéo dài 2 năm chưa giải quyết xong. Ông Lê Văn Sáu cho biết: Đây là “đường găng” của dự án có nguy cơ chậm tiến độ (đoạn này còn khoảng 5.000 m3 đất đắp).

Bên cạnh đó, mặt bằng hiện còn có 13 vị trí điện cao thế chưa di dời. Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đánh giá: Các vị trí này không ảnh hưởng trong quá trình thi công, chỉ ảnh hưởng khi đưa dự án vào khai thác, hiện Bộ Công Thương đang thẩm định hồ sơ thiết kế để tổ chức đấu thầu xây lắp di dời đường điện.

Giá trị sản lượng thực hiện từ lúc khởi công đến ngày 7/7 là hơn 5.137 tỷ đồng/5.691 tỷ đồng, đạt 90,27% giá trị xây lắp.

“Tiến độ dự án bị chậm do bên cạnh yếu tố thời tiết vẫn có những thời điểm thiếu vật liệu đất đắp, giá vật tư, nhiên liệu tăng đột biến làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thi công của các nhà thầu”, ông Sáu cho hay.

Trên cơ sở khối lượng còn lại, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh báo cáo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể về việc Ban đã thực hiện rà soát và báo cáo Bộ điều chỉnh tiến độ các gói thầu và cam kết giữ nguyên tiến độ hoàn thành dự án trong năm 2022.

Hiện, để bù tiến độ cho dự án, các nhà thầu đã huy động thiết bị, nhân lực, tài chính để nỗ lực hoàn thành dự án theo tiến độ đã được điều chỉnh.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trực tiếp kiểm tra dự án tại hiện trường – Ảnh: VGP

Đưa dự án vào diện theo dõi đặc biệt

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhận định, cao tốc Cam Lộ-La Sơn mặc dù đã chuyển sang giai đoạn hoàn thiện nhưng trên thực tế vẫn vướng mặt bằng, có gói thầu xảy ra tình trạng thiếu vật liệu, có tình trạng nhà thầu phụ năng lực chưa bảo đảm dẫn đến việc Bộ GTVT phải xử lý, điều chuyển khối lượng.

Thời gian qua, dù Ban QLDA và các đơn vị đã cố gắng bù đắp phần tiến độ bị chậm. Tuy nhiên, dự án đang vào giai đoạn nước rút và hoàn thiện, có nhiều hạng mục cần thực hiện cùng lúc do đó Ban QLDA cùng nhà thầu phải tập trung hơn nữa, nhất là việc bảo đảm chất lượng.

“Cần đưa dự án này vào diện theo dõi đặc biệt. Nếu đến 30/11 vẫn không đáp ứng tiến độ sẽ đề nghị xử lý trách nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc Ban QLDA. Riêng đối với nhà thầu làm chậm hoặc để xảy ra vấn đề, Bộ GTVT sẽ đưa vào danh sách hạn chế, không được tham gia các dự án tiếp theo”, Thứ trưởng nói.

Sau khi trực tiếp kiểm tra hiện trường và lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và các nhà thầu thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Bộ, trong đó đặc biệt lưu ý đến việc đẩy nhanh tiến độ thi công và bảo đảm chất lượng cho dự án.

Bộ trưởng giao Ban QLDA đường Hồ Chí Minh xắn tay cùng với các nhà thầu xây dựng lại biểu đồ tiến độ chi tiết. Đồng thời, gắn trách nhiệm với từng cán bộ phụ trách, từng đơn vị thi công. Đồng thời, yêu cầu Ban tiếp tục rà soát năng lực các nhà thầu, kiên quyết loại bỏ các nhà thầu yếu kém, không đủ năng lực hoặc làm mà không có trách nhiệm.

Chia sẻ với các nhà thầu về những khó khăn đang gặp phải, như giá nhiên liệu tăng cao, trượt giá, khan hiếm vật liệu… Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể động viên nhà thầu nỗ lực vượt qua khó khăn hiện tại, vận dụng mọi giải pháp linh hoạt để bảo đảm chất lượng và tiến độ dự án. Bởi hiện nay Chính phủ cùng các bộ, ngành đang rốt ráo đưa ra các chính sách để tháo gỡ các khó khăn cho ngành giao thông.

“Các đồng chí cố gắng, nỗ lực tập trung tối đa nhân lực, vật lực để triển khai thi công dự án theo đúng tiến độ đã được điều chỉnh. Tuyệt đối không được có tư tưởng chờ đợi, thi công cầm chừng đối với dự án trọng điểm quốc gia. Các đơn vị của Bộ, Ban QLDA tiếp tục đồng hành, tháo gỡ khó khăn cùng nhà thầu để dự án có thể cán đích vào cuối năm 2022”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Dự án cao tốc Cam Lộ – La Sơn là một trong những dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020.

Dự án có chiều dài tuyến 98,3 km (trong đó đoạn qua tỉnh Quảng Trị 37,3 km, đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế 61 km), gồm 11 gói thầu xây lắp. Dự án khởi công tháng 9/2019, dự kiến hoàn thành trong năm 2022.

Phan Trang

Link nguồn: https://baochinhphu.vn/cao-toc-cam-lo-la-son-khac-phuc-kho-khan-giu-nguyen-cam-ket-hoan-thanh-trong-nam-2022-102220712110821532.htm