Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT), tính đến nay, tỷ lệ cấp GCN quyền sử dụng đất (sổ đỏ) lần đầu trên cả nước đã đạt trên 96,9% tổng diện tích các loại đất cần cấp.
Trong số đó, đất sản xuất nông nghiệp đạt 92,9%; đất lâm nghiệp đạt 98,2%, đất nuôi trồng thủy sản đạt 86,1%; đất ở nông thôn đạt 96,1%; đất ở đô thị đạt 98,3%; đất chuyên dùng đạt 86,9%; cơ sở tôn giáo đạt 83,6%.
Các trường hợp còn tồn đọng chưa được cấp GCN cũng được tổng hợp để phân tích nguyên nhân đề xuất giải pháp thực hiện.
Theo đó, nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa kê khai đăng ký (chiếm 34,1%); nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho từ ngày 1/1/2008 trở về sau, đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất (chiếm 10,7%); phải thực hiện nghĩa vụ tài chính nhưng không nộp và không có nhu cầu ghi nợ (chiếm 5,4%); hồ sơ chưa hoàn thành thủ tục chia thừa kế (chiếm 5,2%);…
Phục vụ Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ về về đo đạc, cấp GCN đất nông, lâm trường, Tổng cục Quản lý đất đai đã chuẩn bị báo cáo về tình hình quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông trường, lâm trường tại các tỉnh vùng Tây Nguyên.
Tổng cục Quản lý đất đai đã có nhiều văn bản chỉ đạo tập trung đẩy mạnh xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai và đã được các địa phương quan tâm tổ chức thực hiện.
Kết quả tại các địa phương đạt được:Có 34/45 tỉnh, thành phố đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát ranh giới, cắm mốc; 38/45 tỉnh, thành phố đã cơ bản hoàn thành đo đạc lập bản đồ địa chính; 11/45 tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác cấp GCN. Các tỉnh còn lại đều đang triển khai thực hiện các hạng mục công việc, dự kiến sẽ cơ bản hoàn thành trong năm 2018.
Tính đến nay, đã có 132/713 đơn vị cấp huyện xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu địa chính (chiếm 18,5% trên tổng số huyện). Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, phục vụ đa mục tiêu và vận hành Chính phủ điện tử.
Theo Thương Gia