Ông Tuấn Hà – CEO Vinalink, Điều phối chính hệ sinh thái khởi nghiệp EMI
‘Startup Việt rất thiếu tính cam kết. Sáng tạo thì rất nhiều, nhưng nghĩ ra xong không làm’, ông Hà Anh Tuấn – Đồng sáng lập Hệ sinh thái khởi nghiệp EMI nói với VietnamFinance.
Như VietnamFinance đã thông tin, ngày 24/9, sau gần 1 tháng rời ghế Tổng giám đốc Sam Holdings, ông Trần Anh Vương (Shark Vương) đã xuất hiện trở lại và giới thiệu dự án mới là Hệ sinh thái khởi nghiệp EMI (education, mentoring, investing). Cùng với “Shark” Vương, hai đồng sáng lập của EMI là ông Nguyễn Hữu Thái Hòa và ông Hà Anh Tuấn – CEO Vinalink. Ông Hà Anh Tuấn (Tuấn Hà) cũng là người điều phối chính của EMI.
VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ông Tuấn Hà về hệ sinh thái khởi nghiệp EMI.
– Hệ sinh thái khởi nghiệp EMI được vận hành như thế nào thưa ông?
EMI chính thức khởi động từ tháng 6/2018, đến nay đã hoạt động được gần 4 tháng. Có thể nói EMI là biến thể của mô hình iBosses, chương trình đào tạo về tư duy khởi nghiệp của Singarpore đã được áp dụng trên 22 quốc gia.
Giai đoạn đầu, EMI tập trung nghiên cứu về thị trường startup. Ở giai đoạn này, chúng tôi đã kết hợp với các quỹ đầu tư và triển khai một số hoạt động ở 4 trường đại học trên địa bàn Hà Nội.
Hiện tại, EMI đã chuyển từ giai đoạn nghiên cứu thị trường startup sang nghiên cứu thị trường cố vấn (mentor). Thời gian tới, EMI cũng sẽ hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ theo Đề án 844 về “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.
Buổi gặp gỡ giữa các cố vấn và 100 startup hôm 24/9 là hoạt động kết nối đầu tiên. Sau khoảng 3 buổi gặp gỡ/kết nối (matching) giữa cố vấn và startup thì EMI sẽ có định hướng tiếp theo.
Cách làm của chúng tôi là vừa làm vừa điều chỉnh, tùy thuộc vào thực tiễn chứ không phải lập kế hoạch một nèo từ đầu đến cuối.
Tại EMI, chúng tôi cũng chia các thế mạnh của startup thành 4 nhóm: công nghệ, nhân sự, ngoại giao và marketing. Sau đó, chúng tôi sẽ đưa 4 người có 4 thế mạnh đó vào thành 1 startup.
Nghĩa là, EMI không chỉ giúp các bạn có cố vấn mà còn giúp các bạn chọn người đồng hành. Phải có 4 thế mạnh như trên thì công ty mới trụ được.
– EMI đã quy tụ được bao nhiêu cố vấn/nhà đầu tư, thưa ông?
Hiện nay, câu lạc bộ iMentor đã có 200 người cố vấn/nhà đầu tư tham gia hoạt động. Chúng tôi lọc ra, mỗi iDeation (ý tưởng kinh doanh, dự án) chúng tôi chọn 1 cố vấn đi cùng startup. Ví dụ, trong lĩnh vực nhà hàng thì EMI có mấy chục cố vấn, tuy nhiên mỗi dự án thì chúng tôi chọn 1 cố vấn phù hợp.
Tại EMI, toàn bộ chi phí đào tạo startup do nhà đầu tư bỏ ra, các bạn khởi nghiệp không mất đồng nào để học. Chẳng hạn sau khóa iDeation chuyên về ý tưởng kinh doanh thì chúng tôi sẽ làm tiếp khóa iBussiness có thời lượng 60 buổi. Ở đó, các cố vấn sẽ dạy startup về kiến thức và kỹ năng quản trị. Rồi sau này trong quá trình làm thực tế lại đào tạo tiếp tục.
– Theo ông, trở ngại lớn nhất trong hợp tác giữa startup và các cố vấn/nhà đầu tư là gì?
Startup Việt rất thiếu tính cam kết. Còn sáng tạo thì rất nhiều, nhưng nghĩ ra xong không làm.
Khác với ở nước ngoài, startup sẵn sàng bỏ ra 5.000 USD, thậm chí 10.000 USD để đi theo dự án đào tạo về tư duy khởi nghiệp thì ở Việt Nam không như vậy.
Mô hình iBosses là lấy tiền của startup. Nhưng ở Việt Nam thì không làm như vậy được. Ở Việt Nam chúng tôi đang đào tạo miễn phí mà họ còn bỏ cam kết.
Ví dụ, khi chúng tôi tổ chức khóa học, nếu thông báo ngày hôm trước, đến ngày hôm sau đào tạo luôn thì họ còn đến. Tuy nhiên, nếu thông báo từ đầu tháng mà cuối tháng mới tổ chức lớp thì họ không có tính cam kết.
Cho nên, tạo hệ sinh thái cho khởi nghiệp ở Việt Nam cũng khá khó khăn. Nhiều bạn chỉ muốn làm thế nào có tiền mà không phải làm.
Khi khởi nghiệp, nếu chúng ta cứ sợ thì không bao giờ làm được. Nếu nhìn lại, chúng ta sẽ thấy, tại Việt Nam, trong ngành nước giải khát không ai bằng Dr. Thanh, trong ngành thực phẩm không ai bằng Masan… Họ thắng nước ngoài luôn. Thế thì tại sao chúng ta không dám làm?
Chẳng hạn như ngành công nghệ thì doanh nghiệp Việt Nam khó có thể cạnh tranh với Google, Facebook… nhưng không ai phủ nhận là các doanh nghiệp Việt như Zalo, Cốc cốc cũng đã thành công. Họ cũng đã chiếm được những thị phần nhất định.
Thế nên doanh nghiệp Việt vẫn có cách đi để thắng được nước ngoài. Quan trọng là chúng ta phải làm.
Một yếu tố nữa khiến các startup Việt khó thành công bởi vì chúng ta chỉ quan tâm đến tiền và hay muốn kiếm tiền nhanh chứ chúng ta chưa nghĩ nhiều đến việc tạo ra giá trị. Nếu như chúng ta quan tâm nhiều hơn đến việc tạo ra giá trị thì chúng ta sẽ thành công lâu dài. Tất nhiên kiếm tiền quan trọng nhưng nó không quan trọng bằng trách nhiệm làm ra giá trị. Tiền chỉ là kết quả của giá trị mà mình tạo ra mà thôi.
Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Theo Hoàng Lan/VietnamFinance