Khi một số nước đang lo ngại về “bẫy nợ” của Trung Quốc, Mỹ tung ra chiến lược để cạnh tranh và nhấn mạnh tính minh bạch.
Với sáng kiến Vành đai và Con đường được công bố vào năm 2013, Trung Quốc đã cung cấp hàng trăm tỷ USD cho các dự án đường sắt, cầu và cảng ở hàng chục quốc gia, mở rộng tầm ảnh hưởng chiến lược của họ. Trong số những bên nhận các khoản đầu tư này có các nền kinh tế từng cố gắng thu hút đầu tư của Mỹ hoặc tài trợ từ các ngân hàng đa phương nhưng không thành công, theo WSJ.
Chính quyền Trump đang tìm cách thay đổi điều đó. Hồi tháng 10, Trump ký đạo luật Xây dựng, tạo ra một cơ quan tài trợ phát triển mới cung cấp các khoản vay, bảo lãnh vay vốn và bảo hiểm rủi ro chính trị cho các công ty tư nhân.
Trump ám chỉ sáng kiến của Bắc Kinh khi nói rằng chiến lược này sẽ cung cấp “giải pháp thay thế mạnh mẽ cho các sáng kiến do nhà nước chỉ đạo đi kèm với nhiều ràng buộc”. Mục tiêu của Mỹ là khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các nước thu nhập thấp và thúc đẩy tăng trưởng với các dự án có ý nghĩa kinh tế lớn. Đạo luật Xây dựng cho phép một cơ quan mới là Cơ quan Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (IDFC) chi 60 tỷ USD cho các dự án toàn thế giới.
Mỹ coi Vành đai và Con đường như công cụ được Bắc Kinh sử dụng để nâng cao lợi ích chiến lược và quân sự. Một số quan chức chính quyền Trump và các nhà lập pháp Mỹ mô tả nó như “bẫy nợ” để Trung Quốc giành quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng nhạy cảm và làm suy yếu quyền tự chủ của các nước nợ nần. Sri Lanka đã phải cho Trung Quốc thuê một cảng chiến lược trong vòng 99 năm vì không thể trả khoản vay từ Bắc Kinh.
Một số chính phủ mới ở châu Á cũng nhìn nhận như vậy. Nhiều nước ban đầu chào đón các kế hoạch của Trung Quốc nhưng tình hình thay đổi sau các cuộc bầu cử. Tân thủ tướng Malaysia đã đình chỉ các dự án 20 tỷ USD của Trung Quốc, Pakistan chuyển đổi chiến lược để chống lại cuộc khủng hoảng tài chính và chính quyền thân Trung Quốc ở Maldives bị thay thế. Một số chính trị gia nói rằng các dự án do Trung Quốc hậu thuẫn được các chính phủ trước đây phê chuẩn đã khiến tham nhũng có cơ hội hoành hành, làm cho các quốc gia lâm vào cảnh nợ nần và chủ quyền bị đe dọa.
Tuy nhiên, các nước này có nhu cầu cơ sở hạ tầng rất lớn. “Họ không có nhiều lựa chọn thay thế cụ thể ngoài Trung Quốc”, Amitendu Palit, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Nam Á ở Singapore nhận xét. “Trung Quốc vẫn là bên tốt nhất để họ đánh cược”.
Khó khăn của Washington khi cạnh tranh với Bắc Kinh là lãnh đạo chính trị của Trung Quốc có thể chỉ đạo các quyết định đầu tư và quốc gia này thường sẵn sàng tài trợ cho dự án ở các thị trường có nguy cơ cao mà những nước khác thường tránh.
“Trung Quốc có những doanh nghiệp nhà nước lớn do các cơ quan nhà nước chỉ đạo để thực hiện nhiều khoản đầu tư khổng lồ, ngay cả các khoản đầu tư khó chắc chắn về giá trị thương mại”, Jeff Smith, nhà nghiên cứu châu Á tại Heritage Foundation, đánh giá. “Hệ thống chính trị và kinh tế Mỹ không được thiết kế để chơi trò chơi này”.
Chính quyền Trump đã dành 113 triệu USD cho các dự án kỹ thuật số, năng lượng và cơ sở hạ tầng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. “Với các công ty Mỹ, công dân trên toàn thế giới hiểu rằng những gì bạn thấy đúng là những gì bạn nhận được: hợp đồng trung thực, các điều khoản trung thực và không có những mối phiền lụy tiềm ẩn”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói.
Trung Quốc thì nói rằng các khoản vay trong sáng kiến Vành đai và Con đường không phải là “bẫy nợ” và mục đích của họ là thúc đẩy các liên kết kinh tế và thương mại. Nhưng ở Washington, có rất nhiều tranh luận về cách ứng phó với kế hoạch của Trung Quốc, Smith cho biết.
Thúc đẩy liên minh khu vực là một trong những nỗ lực của Mỹ. Một cơ quan chính phủ Mỹ sẽ được nhập vào IDFC đã ký thỏa thuận với Nhật Bản và Australia vào tháng 7 để cùng nhau huy động các khoản đầu tư.
Tokyo đã có kinh nghiệm trong việc tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước Đông Nam Á như đường sắt và sản xuất năng lượng. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hồi năm 2015 cho biết Nhật sẽ cung cấp 110 tỷ USD để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng châu Á trong 5 năm. Nhật cũng mở rộng hoạt động, tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Nam Á và cung cấp khoản vay cho các quốc gia như Bangladesh để phát triển cảng và cầu.
Nhật Bản khẳng định họ khác với Trung Quốc bằng cách nhấn mạnh họ chọn lọc dự án kỹ càng và thể hiện nỗ lực của mình là một phần trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương để cạnh tranh với Trung Quốc.
Các dự án cơ sở hạ tầng cần “tăng việc làm, giúp tăng cơ hội đào tạo cho người lao động, thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài và kết quả là giúp cho các nước dễ trả được nợ”, ông Abe nói hồi tháng 6. “Cơ sở hạ tầng kích thích sự duy trì theo cách này mới là cơ sở hạ tầng chất lượng cao”.
Koh King Hee, nhà phân tích tại công ty tư vấn toàn cầu Baker Tilly cho rằng cam kết về tính minh bạch và sự đáng tin sẽ là những điều Mỹ tập trung khi thúc đẩy chiến lược. Và điều đó có thể khiến Trung Quốc tìm cách thay đổi mình khi họp với lãnh đạo các nước trong sáng kiến Vành đai và Con đường năm sau. “Tôi coi nỗ lực của Mỹ với Đạo luật Xây dựng là nhằm tăng cường sự cạnh tranh giữa hai cường quốc”, Koh nói.
“Tôi cho rằng Bắc Kinh sẽ có một số cải thiện với sáng kiến Vành đai và Con đường. Sự cạnh tranh từ Mỹ sẽ khiến điều đó xảy ra”, ông nói thêm.
Theo Tạp chí Việt Mỹ