Home Bất động sản Cho phép thi công trở lại Dự án Nhà máy thủy điện...

Cho phép thi công trở lại Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng

0

EVN sẽ chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, Chính phủ và Bộ Công Thương về kết quả báo cáo đánh giá tổng thể Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng.

Theo đó, thực hiện công văn số 5659 ngày 30/8/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc báo cáo hồ sơ đánh giá tổng thể Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Thông báo số 302 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại buổi kiểm tra và làm việc về sạt lở khu vực thi công hố móng Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng.

Trên cơ sở báo cáo số 2400 ngày 6/5/2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sau khi xem xét, Bộ Công Thương đồng ý với đề xuất của EVN về việc cho phép thi công trở lại đối với Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng.

EVN chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, Chính phủ và Bộ Công Thương về kết quả báo cáo đánh giá tổng thể Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng.

Trong quá trình tổ chức thi công, yêu cầu EVN bảo đảm tuyệt đối an toàn cho Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, nhất là đập thủy điện Hòa Bình, an toàn tuyệt đối với tượng đài Bác Hồ và các công trình hiện hữu. Tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư, thi công xây dựng công trình và các quy định pháp luật liên quan.

Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng là công trình công nghiệp thuộc nhóm A, tổng mức đầu tư trên 9.220 tỷ đồng (Ảnh: Hữu Thắng).

Theo Bộ Công Thương, hồ sơ báo cáo đánh giá tổng thể Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng do EVN trình đã thể hiện rõ quá trình rà soát các bước thiết kế công trình, thông qua kết quả quan trắc, khảo sát bổ sung để phân tích, đánh giá điều kiện địa chất thực tế trong thời gian thi công vừa qua.

Qua đó, đánh giá việc thi công Dự án là phù hợp với thiết kế kỹ thuật được duyệt, đảm bảo an toàn theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, không ảnh hướng đến an toàn của đập Thủy điện Hòa Bình, Tượng đài Bác Hồ, đường dây 500 kV và các công trình hiện hữu.

Cho đến thời điểm này, công tác thi công xử lý khối sạt đợt 1, 2, 3 giai đoạn I đã được EVN tổ chức thực hiện cơ bản hoàn thành, tuân thủ phương án thiết kế đã được Bộ Công thương thẩm định, thông qua. Toàn bộ khối sạt cơ bản đã được xử lý triệt để, đảm bảo an toàn cho khu vực hố móng nhà máy và khu vực bãi quay xe chân Tượng đài Bác Hồ.

Hiện báo cáo đánh giá tổng thể Dự án đã được Tư vấn thiết kế (Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 1) lập trên cơ sở cập nhật kết quả khảo sát bổ sung, rà soát lại các tính toán trong quá trình lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật công trình, tính toán kiểm tra lại kết cấu các hạng mục công trình căn cứ hồ sơ mô tả địa chất sau khi mở móng.

Sau khi nghiên cứu, tính toán, thẩm tra hồ sơ báo cáo đánh giá tổng thể Dự án do Tư vấn thiết kế lập, Tư vấn thẩm tra độc lập (Liên danh Viện Kỹ thuật Công trình và Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo) đã có Văn bản số 170 ngày 29/4/2022 khẳng định: Hồ sơ thiết kế kỹ thuật của công trình là phù hợp với điều kiện thực tế sau khi mở móng.

Cùng với đó, các giải pháp thiết kế mà Tư vấn thiết kế đưa ra là phù hợp với thực tế thi công, đảm bảo an toàn ổn định theo yêu cầu, không ảnh hưởng đến các công trình lân cận như đập Thủy điện Hòa Bình, Khu tượng đài Bác Hồ, khu nhà hành chính của tỉnh Hòa Bình, cột điện 500 kV…

Dự án nằm bên bờ phải tuyến đập thủy điện Hòa Bình hiện hữu thuộc địa bàn phường Phương Lâm, Tp.Hoà Bình (Ảnh: Hữu Thắng).

Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng được đầu tư với mục tiêu tăng cường công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, cải thiện chế độ làm việc của hệ thống điện (tăng khả năng phủ đỉnh của biểu đồ phụ tải, tăng tính linh hoạt trong vận hành hệ thống, nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện…), từ đó góp phần trực tiếp giảm chi phí sản xuất của hệ thống điện.

Thống kê tình hình vận hành của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình trong 17 năm gần đây cho thấy, số giờ vận hành trung bình là 5.427 giờ/năm và đang có xu thế tăng cao từ khi hồ Sơn La, Lai Châu vào vận hành. Con số này được cho là cao hơn so với các nhà máy thủy điện khác đang vận hành và thể hiện còn lãng phí năng lượng của sông Đà.

Việc mở rộng Thủy điện Hòa Bình còn nhằm tận dụng khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện hữu để phát điện, góp phần bổ sung điện năng vào các tháng 5, 6, 7, 8. Số liệu quan trắc thủy văn trong 19 năm gần đây (1999-2018) cũng cho thấy, tổng lượng nước xả thừa không qua phát điện lên tới 175 tỷ m3, chiếm 19% lượng nước về hồ.

Điểm đặc biệt nhất của việc có thêm 2 tổ máy mới ở Hòa Bình chính là điều chỉnh tần số của hệ thống điện và linh hoạt trong việc cân bằng công suất phát với phụ tải, đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định, trong điều kiện năng lượng tái tạo có xu thế ngày càng phát triển, chiếm tỷ trọng cao trong hệ thống nhưng có tính không ổn định.

Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng là công trình công nghiệp thuộc nhóm A, tổng mức đầu tư trên 9.220 tỷ đồng.
Dự án có tổng công suất đặt 480MW, bao gồm 2 tổ máy. Sản lượng phát điện bình quân hàng năm khoảng 488,3 triệu kWh/năm.
Sau khi hoàn thành công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng với công suất 480MW sẽ nâng tổng công suất của toàn bộ Nhà máy thủy điện Hòa Bình đạt 2.400MW.

Nguyễn Thu Huyền

Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/cho-phep-thi-cong-tro-lai-du-an-nha-may-thuy-dien-hoa-binh-mo-rong-a568580.html