Nhận định năm nay quả vải tiếp tục được mùa, Bộ Công Thương cùng các ngành chức năng, chính quyền các địa phương sớm xây dựng kế hoạch, chủ động kết nối, tìm đầu ra.
Mới đầu vụ, Bắc Giang tiêu thụ hơn 18.000 tấn vải thiều sớm
Theo báo Bắc Giang, thời điểm này, tỉnh Bắc Giang đang thu hoạch rộ vải thiều sớm. Tính đến hết ngày 5/6, toàn tỉnh tiêu thụ được hơn 18.000 tấn với giá ổn định.
Cụ thể, mới vào đầu vụ huyện Tân Yên thu hoạch khoảng 13.000 tấn trên tổng số 15,5.000 tấn (ước đạt cả vụ), đạt hơn 80%. Vải thiều được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường nội địa. Một số ít được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ (hơn 10 tấn), Nhật Bản, Úc, EU và một số nước khu vực Đông Nam Á (25 tấn).
Huyện Lục Ngạn đã tiêu thụ gần 4,7.000 tấn vải thiều sớm u hồng. Sản phẩm tiêu thụ chủ yếu tại các đại phương: Tp.Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Tp.HCM,… và xuất khẩu sang Trung Quốc. Sản lượng vải thiều xuất khẩu hơn 1,6 nghìn tấn.
Lượng vải thiều sớm còn lại là của các huyện: Lục Nam, Yên Thế… cơ bản tiêu thụ tại thị trường trong nước. Giá vải thiều sớm năm nay dao động từ 15-30.000 đồng/kg. Giá giá vải đầu vụ xuất khẩu từ 30-40.000 đồng/kg, tăng khoảng 5.000 đồng so với năm 2022, tiêu thụ thuận lợi.
Bắc Giang năm nay có tổng diện tích 29,7.000 ha trồng vải (tăng 1,4 nghìn ha so với năm 2022), năm nay sản lượng vải thiều toàn tỉnh ước khoảng 180.000 tấn, trong đó huyện Lục Ngạn 98.000 tấn, Tân Yên khoảng 17.00 tấn… Bắc Giang dự kiến xuất khẩu khoảng 96.000 tấn, chiếm khoảng 53% sản lượng và tăng 15,2% so với năm ngoái.
Nhiều thị trường “rộng cửa” với quả vải Việt Nam
Theo báo Chính Phủ, báo cáo tại “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 5/2023 với chủ đề “Xúc tiến thương mại các mặt hàng quả vải và nhãn”, diễn ra chiều 31/5, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết: Thời gian qua, địa phương đã tập trung đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật nên chất lượng vải thiều Bắc Giang năm 2023 cao nhất từ trước đến nay. Ước sản lượng vải toàn tỉnh năm 2023 trên 180.000 tấn; thời gian thu hoạch vải thiều từ ngày 25/5 đến ngày 30/7/2023.
Năm nay, thị trường xuất khẩu của vải thiều Bắc Giang, Trung Quốc tiếp tục được xác định là thị trường truyền thống, các thị trường tiềm năng là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia; UAE, Singapore, Trung Đông, Thái Lan, Hongkong (Trung Quốc)…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, với mặt hàng có tính mùa vụ như vải và nhãn, các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị cần chanh chóng có biện pháp để đảm bảo tiêu thụ, xuất khẩu hiệu quả.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ xuất khẩu, tiêu thụ mặt hàng vải và nhãn nói chung và trái cây nói riêng, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị Bộ Công Thương cần tiếp tục nắm bắt cập nhật tình hình các sản phẩm nông sản, trái cây khi đến vụ, thường xuyên trao đổi với doanh nghiệp nhằm nắm bắt nhu cầu hỗ trợ xuất khẩu, tiêu thụ.
Đối với các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Thứ trưởng đề nghị cần tăng cường theo dõi và thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến diễn biến thị trường, thông tin thị trường, chính sách thương mại, tiêu chuẩn điều kiện xuất khẩu và chính sách đối với từng mặt hàng chủ lực, kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo Bộ để có định hướng và chỉ đạo kịp thời hỗ trợ địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.
“Đặc biệt, các đơn vị thuộc Bộ, nhất là Cục Xúc tiến thương mại phải tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các kỳ giao ban trước, có các giải pháp tháo gỡ từ các kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương; đồng thời đẩy mạnh công tác nghiên cứu chính sách, dự báo nhằm tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải yêu cầu.
Vụ vải thiều năm 2023, Bắc Giang chủ động đổi mới cách tiếp cận thị trường. Theo đó, Sở Công Thương cũng tổ chức một loạt sự kiện nhằm quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ. Điểm nhấn đáng chú ý là việc Bắc Giang đăng ký chuyên đề xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại thị trường trong nước, thị trường Trung Quốc và các nước trên thế giới tại hội nghị giao ban giữa Bộ Công Thương với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Đây là dịp để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến các nước trên thế giới. Cùng đó, lần đầu tiên Bắc Giang tổ chức quảng bá hàng nông sản tại hội chợ hàng hoá Trung Quốc – Việt Nam được tổ chức tại thị Bằng Tường, Quảng Tây (Trung Quốc).
Ông Ngụy Đình Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) nói: “Năm nay, chúng tôi tiếp tục duy trì hai tổ công tác tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn và Lào Cai để hỗ trợ doanh nghiệp đưa vải thiều xuất ngoại. Tuy nhiên để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu hơn 50%, các địa phương cần chủ động hướng dẫn doanh nghiệp, người dân tuân thủ nghiêm các quy định về bảo đảm chất lượng quả vải, quy cách đóng gói, tránh tình trạng hàng hóa phải “quay đầu”. Cùng đó chủ động nhiều phương án thích ứng tình hình thực tế”.
Thời điểm này, các cơ sở sơ chế, đóng gói, sản xuất hàng phụ trợ, thương mại dịch vụ phục vụ mùa vải trên địa bàn một số huyện của Bắc Giang, đặc biệt là huyện Lục Ngạn đang đẩy mạnh hoạt động.
Một tin vui nữa đến với vựa vải của cả nước là Bắc Giang vừa được cấp thêm 12 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu sang thị trường Australia và Thái Lan. Bên cạnh đó, hiện toàn tỉnh có 110 mã số xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc, 37 mã xuất khẩu sang Nhật Bản và 15 mã xuất khẩu sang Mỹ.
Theo số liệu trên Kinh tế Việt Nam, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu quả vải của Việt Nam đạt 47,4 triệu USD, năm 2022 đạt 27,4 triệu USD (giảm 42,3%). Đối với quả nhãn, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 23,318 triệu USD, năm 2022 đạt 13,893 triệu USD (giảm tới 40,4%). Vụ vải và nhãn năm 2023, kim ngạch xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại do thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc đã dỡ bỏ chính sách zero-Covid, mở cửa trở lại. Việc xúc tiến tiêu thụ sang các thị trường khác cũng được Bộ Công Thương cùng các cơ quan, đơn vị liên quan, địa phương và doanh nghiệp tích cực thực hiện. |
Trúc Chi (t/h)