Thị trường điều chỉnh trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2022 với thanh khoản sụt giảm mạnh. Nhà đầu tư nên thận trọng và quan sát diễn biến dòng tiền để đánh giá trạng thái của thị trường đầu năm. Đồng thời, vẫn nên cân nhắc chốt lời hoặc cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro khi nhịp hồi phục diễn ra.
Kết thúc tuần giao dịch cuối cùng của năm 2022, VN-Index giảm 13,25 điểm (-1,3%) xuống 1.007,09 điểm, HNX-Index lại tăng rất nhẹ 0,01 điểm để kết năm ở mức 205,31 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 34,4% so với tuần trước đó xuống 45.855 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 35,8% xuống 2.574 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 26,4% xuống 4.594 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 28,2% xuống 322 triệu cổ phiếu.
Theo Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường điều chỉnh khiến cho phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu đều sụt giảm. Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu giảm mạnh nhất với 2,1% giá trị vốn hóa. Với các cổ phiếu tiêu biểu thuộc ngành con tài nguyên cơ bản như HPG (-1,9%), HSG (-2,1%), NKG (-1,2%)… và ngành con hóa chất như DGC (-0,2%), DCM (-4,7%), CSV (-1,6%)…
Cổ phiếu ngành dịch vụ tiêu dùng giảm mạnh thứ hai với 2% giá trị vốn hóa, chủ yếu do sự sụt giảm của các doanh nghiệp thuộc ngành con bán lẻ như MWG (-6,3%), FRT (-2,8%), DGW (-4,2%)… Ngành tài chính giảm 1,6% giá trị vốn hóa. Các cổ phiếu thuộc ngành con bất động sản như NVL (-7,3%), HPX (-9,8%), VIC (-2,4%)… đều giảm. Ngành con chứng khoán cũng giảm với SSI (-3,3%), HCM (-5,7%), VND (-3,6%),…
Mặc dù thị trường suy yếu cuối phiên nhưng nhiều nhóm ngành vẫn giữ được sắc xanh và có sự phân hóa. Nhìn chung cũng không có nhóm nào có mức tăng mạnh, một số nhóm ngành có diễn biến sôi động hơn thị trường chung như nhóm Xây dựng – Vật liệu, nhóm Bảo hiểm, nhóm Điện…
Khối ngoại có tuần mua ròng thứ 8 liên tiếp trên hai sàn với tổng cộng giá trị mua ròng đạt 2.283,77 tỷ đồng. Xét theo khối lượng ròng, HPG là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 19,9 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là STB và VND với lần lượt 11 triệu cổ phiếu và 9,1 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, PDR là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 8,2 triệu cổ phiếu.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 1/2023 phân kỳ so với chỉ số cơ sở VN30 trong phiên cuối tuần khi tăng khá mạnh, qua đó thu hẹp mức basis âm xuống còn 0,69 điểm. Động thái này cho thấy các trader đang kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục trong tuần đầu tiên của năm mới.
Theo VCBS, thanh khoản thị trường những ngày cuối năm sụt giảm mạnh nhưng cũng không đáng ngại khi đây là hiện tượng thường thấy ở các kỳ nghỉ lễ. Xu hướng VN-Index thời gian tới khả năng cao sẽ tiếp tục nhịp phục hồi hướng tới kháng cự mạnh gần nhất quanh khu vực 1025 – 1030 điểm. Do đó, chuyên gia của VCBS khuyến nghị, các nhà đầu tư tiếp tục duy trì sự thận trọng, kiên nhẫn chờ đợi phản ứng của thị trường trong phiên và chủ động hiện thực hóa lợi nhuận từng phần đối với danh mục cổ phiếu đã bắt đáy.
Công ty cổ phần chứng khoán Rông Việt (VDSC) nhận định, với trạng thái của thị trường chưa có nhiều thay đổi, dự kiến thị trường sẽ duy trì diễn biến giằng co và thăm dò
trong vùng 1.000-1.020 điểm khi bước vào năm mới. Hiện tại vẫn cần cân nhắc áp lực cản từ vùng 1.020 điểm. Do vậy, nhà đầu tư nên thận trọng và quan sát diễn biến dòng tiền để đánh giá trạng thái của thị trường. Đồng thời vẫn nên cân nhắc chốt lời hoặc cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro khi nhịp hồi phục diễn ra.
Các chuyên gia của SHS cho rằng, việc lựa chọn danh mục cổ phiếu đầu tư trung dài hạn cần tiến hành cẩn trọng và kỹ lưỡng, nhà đầu tư nên tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, các cổ phiếu dẫn đầu ngành và vẫn duy trì được tăng trưởng lợi nhuận và tiếp tục có kỳ vọng tăng trưởng trong năm tới. Trong ngắn hạn, các cơ hội giải ngân không nhiều và có nhiều rủi ro, nhưng đối với nhà đầu tư trung, dài hạn thì mặt bằng giá đã ở vùng hấp dẫn để bắt đầu kế hoạch giải ngân mới.
Nguyễn Luận