Theo Bộ trưởng GD&ĐT, giáo viên là tầng lớp ưu tú, có trí tuệ cần có thu nhập xứng đáng. Tuy nhiên đây là câu chuyện của tương lai và cần nhiều giải pháp.
Khó có một bảng lương riêng cho nhà giáo
Nội dung về thu nhập, chế độ đãi ngộ với các thầy cô là một trong những vấn đề được đưa ra thảo luận nhiều lần tại buổi gặp gỡ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học, trường đại học do Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 15/8.
Đại diện cho các giáo viên, TS Trần Trọng Đạo – Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Nha Trang nêu ý kiến về thực trạng đời sống, thu nhập của viên chức, người lao động trong cơ sở giáo dục đại học.
Theo TS Trần Trọng Đạo, hiện nay, công việc của viên chức, người lao động chịu nhiều áp lực nhưng thu nhập thấp, đời sống khó khăn.
Thực trạng này dẫn đến hệ quả là không ít viên chức, người lao động xin thôi việc, chuyển công tác khác, học ở nước ngoài xong thì không muốn về trường làm việc. Điều lo lắng hơn, không ít viên chức, người lao động dành nhiều thời gian, tâm huyết để làm nhiều việc khác nhau ngoài công việc chính, như: bán hàng online, bất động sản…
Kết quả là, công việc chính thì đem lại thu nhập phụ, việc làm phụ thì đem lại thu nhập chính. Việc chính cần được dành nhiều trí tuệ, tâm huyết thì lại không. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục, đào tạo.
Từ đó, ông Đạo đưa ra đề xuất: “Nên có chính sách tiền lương, bảng lương riêng cho nhà giáo. Đây là việc khó bởi nguồn lực của Nhà nước có hạn và phải xem xét trong tương quan với các ngành khác. Ngoài ra, có chính sách cho vay vốn với các ưu đãi đặc thù cho viên chức, người lao động trong ngành. Nhà nước có thể cho vay để mua đất, xây nhà, đi học với các ưu đãi về lãi suất, thời gian vay (10-20 năm), phương thức trả nợ vay”.
Đối với nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng đây là vấn đề khó, bởi “chúng ta luôn mong muốn các giáo viên phải có thu nhập sống được, sống đàng hoàng. Vì đây là tầng lớp ưu tú, có trí tuệ cần có thu nhập xứng đáng. Tuy nhiên đây là câu chuyện của tương lai và cần nhiều giải pháp”.
Hiện nay, Nghị quyết 29 có nêu tiến tới phấn đấu giáo viên sẽ được hưởng mức lương cao nhất trong số viên chức trong khối sự nghiệp công lập, nhưng điều này cần thời gian, Bộ trưởng cho rằng để có một bảng lương riêng cho đội ngũ nhà giáo là khó ở thời điểm này.
Một trong những giải pháp trước mắt hiện nay theo lãnh đạo ngành giáo dục đó là ở một số các trường đại học tự chủ, nếu có nhiều nguồn lực cũng sẽ giúp tăng thu nhập cho giáo viên
Đa dạng nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học
Tại phần thảo luận, TS. Đinh Minh Hằng – Trưởng phòng Hành chính đối ngoại, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đánh giá, nghiên cứu khoa học (NCKH) và giảng dạy là 2 nhiệm vụ song song trong các trường đại học, cao đẳng.
Tuy nhiên, vị đại diện cho rằng việc đầu tư cho NCKH ở các trường đại học, cao đẳng hiện còn khá nhỏ lẻ. Do đó, cần có những đề xuất và giải pháp, tùy thuộc vào thực tế nhà trường và năng lực của mỗi nhà khoa học.
“Vì vậy, mong Bộ trưởng cho biết, thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ có các giải pháp, chính sách ra sao để tạo động lực, khuyến khích NCKH và chuyển giao công nghệ trong các trường đại học”, cô Đinh Minh Hằng bày tỏ ý kiến. Ngoài ra, việc tạo điều kiện cho phát triển, đẩy mạnh NCKH cũng là nội dung được nhiều thầy cô quan tâm.
Về nội dung liên quan đến nghiên cứu khoa học, các giải pháp phát triển năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học của đội ngũ; vấn đề đầu tư và các chính sách khác có liên quan, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định là vấn đề lớn, quan trọng với hệ thống giáo dục đại học
Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học, cả định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng, thì khoa học và nghiên cứu khoa học là yếu tố mang tính nền tảng, cốt lõi, đặc biệt với trường đại học nghiên cứu.
Ông Sơn đánh giá: “Việc triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và đầu tư cho nghiên cứu khoa học, các sản phẩm khoa học thể hiện năng lực của đội ngũ giảng viên, cho thấy vị thế và tầm ảnh hưởng của các trường đại học. Một nhà khoa học có trình độ khoa học và kết quả nghiên cứu tốt là tiền đề để đóng vai trò một giảng viên tốt”.
Trong quyền hạn của Bộ GD&ĐT, năm 2022, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 109 quy định về hoạt hoạt động nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng. Trong đó có quy định cơ chế khuyến khích các giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, chế độ khuyến khích phát triển các nhóm nghiên cứu, các lĩnh vực nghiên cứu.
Liên quan chi phí cho nghiên cứu khoa học, theo Bộ trưởng, chi phí từ Nhà nước bao giờ cũng là phần quan trọng, nhưng có hạn. Cùng chi phí từ nhà nước còn nhiều nguồn: nguồn thu từ tự chủ của trường đại học, bằng đặt hàng của doanh nghiệp, địa phương.
Với Bộ GD&ĐT, kinh phí nghiên cứu của Bộ cũng rất có hạn và Bộ ưu tiên đặt hàng những nghiên cứu cơ bản, hoặc liên quan đến giáo dục, đến việc quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT. Do đó, nhà trường phải hướng tới có được các đặt hàng từ doanh nghiệp, địa phương để giải quyết vấn đề thực tiễn.
Riêng với khối trường sư phạm, khoa học cơ bản, cơ quan nhà nước sẽ phải tăng cường dưới dạng kinh phí đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu; nhưng vẫn cần quan tâm chú trọng đặt hàng từ doanh nghiệp, địa phương…
Bộ trưởng cho biết hiện nay đã có nhiều chính sách để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học. Nhưng có một điểm nghẽn, nút thắt khiến hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên chưa phát huy được là việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.
“Việc này, hệ thống chính sách còn phức tạp, còn phải tháo gỡ nhiều. Bộ GD&ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ cần tham gia vào việc này nhiều hơn. Làm được mới giải phóng được năng lực sáng tạo, mong muốn nghiên cứu của giảng viên”, Bộ trưởng nói.
Nguyễn Hoa Trà