Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chứng kiến sự sôi động trở lại của cổ phiếu bất động sản trong thời gian gần đây với dòng tiền lớn đang đổ vào nhóm cổ phiếu này.
Các chuyên gia kinh tế – tài chính, lãnh đạo doanh nghiệp trao đổi tại Hội thảo Tiềm năng và Cơ hội đầu tư cổ phiếu bất động sản
Chính sách tài chính thuận lợi, nhiều nguồn vốn…
Trao đổi tại Hội thảo “Tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu bất động sản” do Thương Gia phối hợp với Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết trong 9 tháng đầu năm 2018 đã có khoảng 65 DN BĐS lớn niêm yết trên TTCK và tạo ra 157.922 tỷ đồng doanh thu thuần (tăng 42%) và 22.645 tỷ đồng lãi ròng (tăng 87%).
Trong đó, 58 DN có lãi (chiếm 89%), 7 DN báo lỗ, 24 DN bị sụt giảm lợi nhuận và nhóm DN thuộc Vingroup (Vinhome, Vinretails, Vincom) có mức tăng trưởng lợi nhuận áp đảo, chiếm đến 67,61% tổng lợi nhuận của 65 DN niêm yết.
Mặc dù tình trạng hàng tồn kho của 65 DN niêm yết lên đến 201.921 tỷ đồng rất đáng quan ngại. Tuy nhiên, kênh dẫn vốn từ TTCK vào thị trường bất động sản đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong thời gian sắp tới.
Giải thích thêm về sự tăng trưởng này, TS.LS.Bùi Quang Tín, chuyên gia Kinh tế Tài chính, trường ĐH Ngân hàng TP.HCM phân tích, phần lớn nhờ vào nguồn vốn từ quỹ đầu tư ngoại, đặc biệt vốn FDI vào bất động sản Việt Nam trong ba năm gần đây (2015-2017) không ngừng tăng so với giai đoạn giảm liên tiếp 2010-2013 và phần lớn vốn được triển khai vào các dự án.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, FDI đổ vào bất động sản đã chiếm hơn 1/4 tổng vốn đầu tư FDI đăng ký vào Việt Nam. Với lượng vốn này, bất động sản là lĩnh vực hút vốn ngoại lớn thứ 2, chỉ sau công nghiệp chế biến, chế tạo.
So với cả năm 2017, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào bất động sản chỉ ở mức 3 tỷ USD thì năm nay, chỉ trong 6 tháng, nguồn vốn này đổ vào Việt Nam đã đạt hơn 5,5 tỷ USD.
Đáng chú ý, lĩnh vực này cũng bắt đầu xuất hiện những dự án tỷ USD. Trong đó, các dự án bất động sản được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm không chỉ dồn vào các dự án khách sạn, nghỉ dưỡng như trước đây, mà còn phát triển cả các dự án nhà ở và hạ tầng đô thị.
Theo quy định hiện nay, mức ưu đãi cao nhất về thuế TNDN đối với một số lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư đang được áp dụng tại các khu kinh tế, khu công nghệ cao là 10% trong thời hạn 15 năm; miễn 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Đặc biệt, chính sách còn mở rộng thêm nhiều ưu đãi khác về tiền sử dụng đất, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu. Do vậy, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ còn tiếp tục thu hút mạnh mẽ đầu tư FDI hơn nữa, TS.Tín nhận định.
Ngoài ra, TTCK VN vừa được FTSE Russell – một trong những tổ chức cung cấp chỉ số uy tín toàn cầu chính thức đưa vào danh sách xem xét để nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier) lên thị trường mới nổi hạng hai (Secondary Emerging).
Điều này sẽ góp phần làm thay đổi vị thế của thị trường tài chính Việt Nam đối với công chúng và NĐT, hứa hẹn sẽ tác động tích cực lên khả năng hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, cũng như cải thiện thanh khoản của thị trường.
Bên cạnh đó, các yếu tố vĩ mô trong năm 2019 mà Quốc hội đã thông qua khá thuận lợi như: mức tăng GDP 6,6-6,8%, CPI khoảng 4%… sẽ hỗ trợ tốt cho TTCK tăng điểm nhiều hơn là rủi ro.
DN chủ động, ít rủi ro và tiềm năng lớn
Đồng quan điểm, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Môi giới, Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam, Chi nhánh TP.HCM cho biết hiện nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã vượt qua khó khăn và có những bước hồi sinh đáng nể.
Cụ thể, so với những năm trước, năm 2018 tăng trưởng tín dụng lên đến 12% và đây là con số không hề nhỏ và có thể sẽ tiếp tục tăng. Giao dịch căn hộ của 3 quý vừa qua đã tăng nhẹ 5% so với cùng kì năm trước (theo báo cáo CBRE) do dòng vốn cho bất động sản đã được khơi thông.
Các DN BĐS hiện nay đang mở rộng nguồn vốn không chỉ là từ tín dụng ngân hàng, mà còn TTCK, vốn từ quỹ đầu tư ngoại… việc phân bổ lựa chọn nguồn vốn sẽ tránh phụ thuộc vào một nguồn tài chính và rủi ro cũng sẽ giảm theo.
Từ 2017-2018, nhiều công ty BĐS đang sử dụng tối đa ngồn vốn mình có được, bản thân các DN có sản phẩm, có nguồn vốn sẽ tận dụng tối đa cơ hội của mình. Chính vì thế mà dòng tiền âm của các công ty BĐS hiện nay khá lớn, đồng nghĩa các DN đã chủ động “bung” tiền nhiều hơn vào các dự án, và lợi nhuận ròng của các DN đang tăng trưởng khá là tốt và có tính đồng đều, đi vào quỹ đạo, hướng đi chắc chắn hơn so với những năm trước, thì đây là một trong những tín hiệu vui mừng.
Đánh giá chung về tiềm năng cổ phiếu một số công ty BĐS đang hoạt động, ông Phương cho hay chỉ số PE của các công ty BĐS hiên nay đa phần dưới 15, còn chỉ số PB đa phần dưới 1 hoặc tiệm cận 1, như vậy vẫn còn rất là thấp so với thị trường nước ngoài, tất nhiên vẫn có một số đơn vị đạt mức cao hơn nhưng mặt bằng chung thị trường thì giá của các cổ phiếu của Việt Nam hiện nay còn khá là rẻ.
Trong 5 năm trở lại đây, tín hiệu tăng trưởng GDP rất tốt, tương lai tốc độ phát triển của các công ty BĐS và cổ phiếu BĐS sẽ còn “sáng” hơn nữa nếu doanh nghiệp bất động sản gia tăng tiềm lực, nắm bắt được tình hình và nhu cầu nhà đầu tư, và biết điều chỉnh những chiến lược phù hợp khi nền kinh tế biến động.
Đứng ở góc nhìn là một người chuyên làm về tài chính cổ phiếu, ông Phương khuyến nghị các nhà đầu tư nếu có quan tâm và muốn mua cổ phiếu thì điều đầu tiên hãy xem chi tiết về DN mà mình quan tâm, tìm hiểu kỹ về sức khỏe của DN đó và cuối cùng là chờ đợi khi nào thị trường có điều chỉnh hợp lý thì mua vào.
Theo Ngô Kiếm/Thương gia