Home Chứng khoán Cổ phiếu tăng nóng, doanh nghiệp ngành gạo kinh doanh phân hóa

Cổ phiếu tăng nóng, doanh nghiệp ngành gạo kinh doanh phân hóa

0

Quý II/2023, Lộc Trời là doanh nghiệp ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan so với mặt bằng chung của các doanh nghiệp ngành gạo với số lãi kỷ lục kể từ khi niêm yết.

Sau lệnh cấm xuất khẩu gạo từ chính phủ Ấn Độ và Nga, giá lúa gạo tại Việt Nam tăng mạnh. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng lên 550 – 575 USD/tấn tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 2011.

Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo thời gian vừa qua tăng mạnh là do các đối tác nhập khẩu chủ động tìm đến doanh nghiệp Việt Nam hỏi mua với giá cao hơn 10 – 20 USD một tấn so với thời điểm trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu mặt hàng này.

Trong 7 tháng đầu năm năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,58 tỷ USD, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022.

Trước tình hình xuất khẩu lúa gạo đang “nóng” hơn bao giờ hết, kết thúc quý II/2023, tình hình sản xuất kinh doanh tại nhiều doanh nghiệp ngành gạo thể hiện nhiều sự khác biệt. Trong khi doanh thu tại các doanh nghiệp như Lộc Trời, Vinafood II, Trung An, Afiex đều ghi nhận tăng trưởng thì tại Vinaseed và Angimex lại “cài số lùi”.

Kết quả kinh doanh rẽ hai hướng

Theo đó, với quy mô doanh thu lớn nhất trong nhóm các doanh nghiệp ngành gạo, Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II, UPCoM: VSF) ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.867 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ. Cũng nhờ đó, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đã tăng vọt gấp hơn 2 lần lên 9,4 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinafood 2 đạt 11.337 tỷ đồng doanh thu và gần 10 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 58% và 103% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chung tín hiệu tích cực, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) có quý II/2023 bứt phá nhờ trích nhập phần lãi gần 327 tỷ đồng trong công ty liên kết, trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận. Đây là phần lợi nhuận của Lộc Trời sau khi mua Công ty Cổ phần Lương thực Lộc Nhân. 

Cụ thể, quý II/2023, Tập đoàn Lộc Trời ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.678 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,6% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, doanh thu từ hoạt động tài chính cũng đem lại cho công ty khoản thu gấp 8,5 lần so với cùng kỳ, chạm mốc 49 tỷ đồng.

Sau khi trừ các chi phí, tập đoàn của doanh nhân Huỳnh Văn Thòn báo lãi 424 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với số lỗ 44 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quý có lợi nhuận cao nhất của công ty kể từ khi niêm yết tới nay.

Là doanh nghiệp có sự tăng trưởng mạnh nhất về doanh thu, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR) ghi nhận doanh thu trong quý II/2023 cao hơn 111% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.615 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh dẫn đến sau thuế, công ty bão lỗ 8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 23,6 tỷ đồng.

Đối với Công ty Cổ phần Nông sản Thực phẩm An Giang (Afiex; UPCoM: AFX), quý II/2023, công ty ghi nhận doanh thu đạt 587 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy nhưng sau thuế, doanh nghiệp này báo lãi vỏn vẹn 5 tỷ đồng, giảm 71% so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed; HoSE: NSC) là một trong số 2 doanh nghiệp ngành gạo ghi nhận doanh thu giảm. Theo đó, doanh thu thuần của Vinaseed trong quý II/2023 đạt 519 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng năm trước. 

Do đó nên sau khi cấn trừ các chi phí, Vinaseed báo lãi đi lùi xuống còn 58 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ.

Cũng kinh doanh đi lùi như Vinaseed nhưng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex; HoSE: AGM) đạt doanh thu 163 tỷ đồng trong quý II/2023, giảm 88% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả, Angimex lỗ trước thuế 33,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ dừng lại ở số lỗ 18,2 tỷ đồng.

Nhiều cổ phiếu bứt tốc mạnh 

Ngay sau thông tin các nước siết chặt xuất khẩu, nguồn cung gạo thắt chặt, cổ phiếu hàng loạt doanh nghiệp ngành gạo đã nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư trong thời gian gần đây. Điều này cho thấy được sức hút của nhóm cổ phiếu gạo với mức tăng cao hơn đáng kể so với mặt bằng chung của thị trường.

Với cổ phiếu của Vinafood II, tại ngày 8/8, cổ phiếu VSF có giá chốt phiên là 37.400 đồng/cổ phiếu, tăng 14,72% so với giá tham chiếu. Như vậy, nếu so với mức giá chốt phiên ngày 24/7, cổ phiếu VSF đã tăng 306%, ghi nhận 7 phiên liên tiếp tăng kịch trần.

Đối với AGM, cổ phiếu của công ty ghi nhận nhiều phiên tăng liên tục, trong đó có 11 phiên trần liên tiếp. Tại ngày 8/8, cổ phiếu AGM có giá chốt phiên 13.800 đồng/cổ phiếu, tăng 5,34%.

Giải trình nguyên nhân cổ phiếu liên tiếp tăng trần, Angimex cho biết, thị trường lúa gạo Việt Nam đang biến động tăng giá do hiện tượng El Nino và lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng của Ấn Độ đã làm gia tăng kỳ vọng của nhà đầu tư. Do cung cầu trên thị trường chứng khoán, các quyết định giao dịch của nhà đầu tư dẫn đến giá cổ phiếu AGM tăng trần 5 phiên liên tiếp, nằm ngoài kiểm soát của công ty và Angimex không có sự tác động nào đến giá giao dịch của phiếu AGM.

Doanh nghiệp ngành gạo dự trữ hàng tồn kho ra sao?

Trước bối cảnh thị trường nhiều thuận lợi, hàng tồn kho của các doanh nghiệp ngành gạo, đóng vai trò như một phương án giúp hoạt động lưu thông hàng hoá của các công ty được diễn ra liền mạch. 

Theo đó, tại Vinafood II, chỉ số hàng tồn kho tính đến ngày 30/6/2023 đạt 2.977 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với số đầu năm. Trong đó, giá nguyên liệu, vật liệu tăng nhiều nhất từ 469 tỷ đồng lên 1.212 tỷ đồng, tương đương gấp hơn 2,5 lần. Bên cạnh đó, chi phí thành phẩm và hàng hóa cũng theo đó mà phi mã.

Đến cuối tháng 6/2023, hàng tồn kho của Lộc Trời tăng 24%, đạt 2.714 tỷ đồng, tăng chủ yếu đến từ thành phẩm. Bên cạnh đó, chỉ số hàng tồn kho tính đến ngày 30/6/2023 của Vinaseed đạt 327 tỷ đồng, của Afiex đạt 173 tỷ đồng; tăng lần lượt 6% và 10% so với số đầu năm.

Ngược lại với xu hướng trên, hàng tồn kho tại Gạo Trung An lại sụt giảm xuống còn 679 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do công ty giảm trích lập giá nguyên liệu, vật liệu. Đồng thời, giá thành phẩm cũng đi lùi từ 80 tỷ đồng xuống còn 8 tỷ đồng, tương đương giảm 10 lần.

Tương tự, Angimex cũng ghi nhận hàng tồn kho sụt giảm 11% xuống còn 93 tỷ đồng tại ngày 30/6/2023.

Nguyễn Phương Anh

Link nguồn