Tại Hội thảo, các đại biểu đã đề xuất các giải pháp cụ thể liên quan đến Quy hoạch phát triển năng lượng, việc thực hiện chuyển dịch năng lượng, năng lượng sạch…
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Ngày 6/3, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn 2016-2021: Thực trạng và giải pháp”.
Trình bày tham luận với chủ đề “Một số vấn đề trong thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý Nhà nước lĩnh vực năng lượng”, TS. Nguyễn Thăng Long, Hội Khoa học công nghệ Sử dụng năng lượng, tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung của các văn bản luật và văn bản dưới luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Trong đó, Luật Điện lực được ban hành cách nay gần 20 năm, ban hành lần đầu năm 2004, đã qua 2 lần sửa đổi, bổ sung một số điều, song nội dung sửa đổi, bổ sung không nhiều.
Theo ông Long, thực tế hiện nay đòi hỏi phải đánh giá tổng thể các quy định tại Luật Điện lực so với sự hiện trạng phát triển của lĩnh vực năng lượng trong thời gian qua để nghiên cứu sửa đổi, nhất là những vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được hoặc còn vướng mắc, chồng chéo, thiếu đồng bộ.
Xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 10của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản…
Ông Long cũng kiến nghị sửa đổi một số văn bản dưới luật liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, như: Xem xét điều chỉnh quy định mức sử dụng năng lượng đối với các chính sách sử dụng năng lượng hiện hành trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng dân dụng;
Bổ sung quy định cụ thể về nghĩa vụ thực hiện các quy định của Luật đối với các chính sách sử dụng năng lượng trọng điểm cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Quy định chi tiết hơn về việc xây dựng và áp dụng mô hình quản lý năng lượng tại các chính sách sử dụng năng lượng trọng điểm thuộc lĩnh vực công nghiệp xây dựng và giao thông vận tải; Đào tạo nhân lực trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…
Góp ý tại hội thảo, PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam nêu thực trạng việc thực thi chính sách, pháp luật trong thực hiện Quy hoạch phát triển năng lượng ở Việt Nam.
Trong đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của quy hoạch phát triển năng lượng cũng như quy hoạch phát triển các ngành kinh tế khác.
Tuy nhiên, có tình trạng quy hoạch được ban hành nhưng vài năm sau đã thay đổi, hiệu chỉnh, nhiều khi sự thay đổi chỉ là ý kiến chủ quan, không hoàn toàn dựa trên các phân tích theo nội dung của công tác quy hoạch.
Bên cạnh đó, quan hệ liên ngành giữa các quy hoạch phát triển ngành còn chưa thể hiện rõ, chưa có sự ràng buộc lẫn nhau, chưa thể hiện rõ quy hoạch phát triển của ngành này chịu ảnh hưởng hoặc chịu tác động của ngành kia và ngược lại.
Đối với quy hoạch Điện VIII, PGS.TS Trương Duy Nghĩa nhận xét, quy hoạch có thời hạn 10 năm là ngắn, vì thời gian triển khai nhiều công trình có thể rất dài. Có rất nhiều công trình, kể từ khi được “điểm danh” trong quy hoạch đến khi đưa công trình vào sản xuất tới trên 10 năm.
Ví dụ như quy hoạch Nhà máy điện Vân phong 1 đã nêu trong Quy hoạch từ 15 năm, gần đây mới chuẩn bị đưa vào vận hành; hay như quy hoạch Nhà máy điện Quảng Trạch đã khởi công từ 10 năm trước, nhưng hiện nay còn đang ngổn ngang… Vì vậy, trong quy hoạch cần khẳng định thời điểm khởi công và thời điểm hoàn thành công trình đưa vào sản xuất.
Kiến nghị sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII
Góp ý tại Hội thảo, TSKH. Mai Duy Thiện, Chủ Tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam đã nêu tiềm năng phát triển năng lượng sạch (năng lượng tái tạo) và chủ trương, chính sách của Việt Nam. Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng mặt trời.
Trong những năm qua, đặc biệt là 4-5 năm gần đây, đầu tư cho năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) ở nước ta phát triển vượt bậc, tính đến thời điểm hiện tại, tổng công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo và thủy điện vừa và lớn đạt 43.126 MW chiếm 55,2% tổng công suất hệ thống điện của Việt Nam.
Phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã được cụ thể hóa tại Nghị quyết của Bộ Chính trị đến các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng và các cơ chế khuyến khích phát triển các dự án năng lượng tái tạo.
“Chủ trương phát triển năng lượng tái tạo cần ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch.
Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn…”, ông Thiện nêu quan điểm.
Để hiện thực hóa chủ trương này, ngoài các giải pháp mà Chính phủ đang triển khai, ông kiến nghị sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII, Chiến lược, quy hoạch năng lượng.
Cần xây dựng giá mua điện hợp lỳ trên cơ sở tính toán khoa học, hài hòa giữa bên bán và bên mua điện (bên bán là các nhà đầu tư, bên mua là EVN).
Các quy hoạch liên quan đến điện gió ngoài khơi cần triển khai khẩn trương để có thế hoàn thành phê duyệt sớm. Cơ chế, chính sách cho phát triển năng lược tái tạo cần được xây dựng có tính liên tục và dài hạn hơn, đủ để các nhà đầu tư định hướng đầu tư phát triển các dự án.
Nghiên cứu quy định về điện mặt trời áp mái tự dùng không nối lưới tại các khu công nghiệp; đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng các thuỷ điện tích năng, nghiên cứu hệ thống lưu trữ điện năng, để tạo cơ hội cho phát triển điện gió và mặt trời, vận hành an toàn ổn định hệ thống điện.
Hoàng Thị Bích