Chuyên gia nêu rõ, ngoài việc đăng ký kinh doanh, Temu cũng cần tuân thủ những quy định khác như chất lượng hàng hóa, giá cả hay bảo vệ dữ liệu cá nhân cho người dùng.
Lo ngại hàng hoá giá siêu rẻ trên Temu
Đầu tháng 10, Temu – phiên bản quốc tế của Pinduoduo, nền tảng thương mại điện tử lớn thứ 2 Trung Quốc đã xuất hiện tại Việt Nam. Các sản phẩm tại Temu được bán với mức giá rẻ chưa từng thấy, Temu đánh vào tâm lý mua sắm thả phanh mà không lo về giá của người tiêu dùng.
Ngay khi vừa đổ bộ, Temu không chỉ tung ra hàng loạt ưu đãi như miễn phí giao hàng, cho phép trả hàng hoàn tiền lên tới 90 ngày mà còn sẵn sàng chia hoa hồng “khủng” lên tới 30% cho hoạt động tiếp thị liên kết nhằm đẩy mạnh số lượng người dùng mới. Như vậy, Temu đang sẵn sàng “chi mạnh tay” để tham gia vào cuộc chiến dành thị phần với các sàn TMĐT khác tại Việt Nam.
Xuân Phạm (22 tuổi, sinh viên) vốn là một người thường xuyên mua sắm trên các sàn TMĐT cho biết ngay khi có những thông tin về sàn Temu giá rẻ, Xuân đã lập tức tải app để sử dụng.
“Tôi đang mua hàng nhưng khi thấy phần bắt buộc thanh toán trước thì thôi, dù sao đây cũng là hàng từ Trung Quốc nên cũng không dám chắc chắn chất lượng sản phẩm”, Xuân cho biết.
Khác với Xuân, Đỗ Ngọc (25 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết vẫn chỉ dùng sàn Shopee và chưa có ý định sử dụng Temu.
“Người ta có câu “của rẻ là của ôi”, nếu thật sự là rẻ như những gì họ (Temu) quảng cáo thì tôi cũng đặt ra câu hỏi lớn về chất lượng sản phẩm. Hiện nay, tôi đang dùng Shopee và vẫn thấy hài lòng với các dịch vụ ở đây nên việc sử dụng sàn khác là không cần thiết”, Ngọc chia sẻ.
Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Nguyễn Lan Phương – Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông – IPS cho biết trước hết nên có hoạt động điều tra từ phía cơ quan Nhà nước.
“Cần điều tra cả về mô hình kinh doanh, các thức Temu cung cấp hàng hóa vào Việt Nam. Đồng thời là quyền lợi của người tiêu dùng được bảo vệ, đảm bảo như nào”, bà Phương nhấn mạnh.
Sau đó, chúng ta cần yêu cầu Temu tuân thủ pháp luật Việt Nam. Ngoài việc đăng ký kinh doanh, Temu cũng cần tuân thủ những quy định khác như: chất lượng hàng hóa, giá cả hay bảo vệ dữ liệu cá nhân cho người dùng.
Chia sẻ trong buổi họp báo thường kỳ 23/10 của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định theo quy định của Nghị định 85, các sàn thương mại điện tử nước ngoài khi vào Việt Nam đều phải đăng ký theo quy định.
Đề cập đến việc một số quốc gia quan ngại và cấm Temu như Indonesia, ông Tân cho biết đang giao cho Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát, đánh giá lại những tác động.
Về nguyên tắc, Bộ Công Thương triển khai đề án đảm bảo quản lý chặt, chống gian lận hàng gian, hàng giả, hàng nhái. Bộ đã giao Tổng cục Quản lý thị trường theo dõi chặt.
Vấn đề giá cả, Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ: “Bản thân tôi cũng giật mình vì giá hàng hóa trên Temu rất rẻ. Tuy nhiên, chúng ta phải điều tra, nghiên cứu cụ thể, chưa dám khẳng định giá đó là cho hàng thật hay không, vì tôn trọng việc mua bán là thỏa thuận trên thị trường”.
Dù đã xuất hiện tại Việt Nam từ đầu tháng 10, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết tới nay, phía Temu chưa đăng ký với cơ quan quản lý Việt Nam.
Ngay sau đó vào ngày 24/10, Temu cũng đã có văn bản chính thức gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật thương mại điện tử Việt Nam khi gia nhập thị trường.
Ở Việt Nam, những nền tảng như Taobao, Temu và Shein được phép bán hàng mà không phải nộp thuế và được hưởng lợi từ hệ thống logistics từ Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ. Do đó, những sản phẩm tại các sàn này thường có mức giá rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm nội địa.
Kinh doanh trong ngành da giày và doanh thu từ sàn TMĐT chiếm đến 70%, Long Vũ – kinh doanh mặt hàng da giày trên sàn thương mại điện tử cho biết: “Hiện tại kinh tế khá khó khăn nên nhiều người dễ dàng bị thu hút bởi mức giá rẻ. Sàn Temu hoàn toàn có thể khiến những người bán hàng như tôi thấy lao đao. Sẽ lại có một cuộc đua về giá xảy ra, tuy nhiên, hàng Việt Nam gặp nhiều bất lợi hơn trong cuộc đua này. Nếu giảm quá sâu, người bán hàng sẽ khó mà có lãi”.
Trang Phạm là bà chủ một gian hàng bán thiết bị spa trên Shopee và Tiktok, Trang chia sẻ hiện tại vẫn đang tìm hiểu và cập nhật thông tin về sàn này.
“Bên Trung Quốc, nhiều người bán hàng đang kiện Temu vì chính sách “hoàn tiền không cần trả hàng” nên tôi không có mấy thiện cảm lắm. Còn việc hàng Trung Quốc ảnh hưởng tới doanh nghiệp nội địa chỉ là trước mắt. Nếu Temu muốn cạnh tranh được tại Việt Nam thì cần nhiều yếu tố hơn nữa để đảm bảo quyền lợi cho người mua hàng, người bán hàng chứ không chỉ là câu chuyện giá rẻ”, Trang cho biết.
Bàn về vấn đề này, bà Nguyễn Lan Phương – Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông – IPS cũng bày tỏ những lo ngại: “Bước đầu khi mà nhìn vào giá cả hàng hóa được bán trên sàn Temu, có những vấn đề lo ngại về việc các sản phẩm trên Temu có thể đang bán phá giá, gây ảnh hưởng hoặc đe dọa tới những doanh nghiệp nội địa”.
Tuy nhiên, theo bà Phương, chúng ta vẫn phải đợi kết quả điều tra chính thức từ Bộ Công Thương.
“Muốn biết cạnh tranh không lành mạnh thì phải xác định xem ở Việt Nam những đối tượng nào bị cạnh tranh bởi giá bán trên Temu. Cũng phải nói thêm rằng cấm Temu thì người hưởng lợi chưa chắc đã là doanh nghiệp sản xuất Việt Nam mà là mấy anh chị lái buôn nhập hàng Trung Quốc về bán”, đại diện IPS chia sẻ.
Đặc biệt, bà Nguyễn Lan Phương cũng nhấn mạnh việc hàng nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng được miễn thuế VAT và thuế nhập khẩu. Vì vậy, cần xem xét và sửa đổi quy định này. Đây là vấn đề không chỉ ở riêng Việt Nam mà cả Mỹ, châu Âu và một số nước Đông Nam Á khác lo ngại.
Đồng thời, bà Phương cũng cho biết Temu hoàn toàn có thể chiếm được thị phần các sàn TMĐT tại Việt Nam nếu giá cả đi liền với chất lượng hàng hóa, chính sách bảo vệ khách hàng tốt.
Bên hàng lang Quốc hội ngày 24/10, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Tp.Hồ Chí Minh) cũng đánh giá việc hàng hóa giá rẻ tràn vào Việt Nam qua thương mại điện tử đang đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý Nhà nước.
“Với tâm lý người mua hàng, nếu có mức giá rẻ, lại đúng mặt hàng mình đang mong muốn thì sẽ lựa chọn. Tuy nhiên người mua cũng cần lưu ý đến các vấn đề về chất lượng, về đảm bảo công bằng trong kinh doanh”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhìn nhận.
Theo đại biểu Ngân, giá rẻ ở trên các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein chưa hẳn do sự tiến bộ của khoa học công nghệ, quy trình sản xuất khiến giá thành hạ, mà có thể do phía nhà bán hàng không phải chịu các loại thuế, hay nói cách khác là trốn thuế.
Khi các loại hàng hóa không đóng thuế, hạ giá bán để ồ ạt vào Việt Nam, sẽ tác động đến các ngành sản xuất trong nước, thiếu sự công bằng đối với các doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Thương mại điện tử giúp người dân dễ tiếp cận trong mua hàng, nhưng cũng đặt ra các vấn đề về thất thu thuế, thiếu công bằng trong sản xuất kinh doanh”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.