Công ty TNHH Khải Đức, doanh nghiệp được coi là “hạt nhân” chi phối lĩnh vực lụa và chuỗi nhà hàng cao cấp của Khải Silk (Hoàng Khải) đã âm vốn chủ sở hữu từ năm 2016, trước khi dính bê bối “lụa Tàu – nhãn Việt”. Tình hình tiếp tục xấu đi trong năm 2017.
Khách sạn Tajma vẫn đang là chi nhánh của công ty Khải Đức nhưng được tuyên bố đã chuyển quyền khai thác cho Chloe Hospital
Trái ngược với sự hào nhoáng, xa xỉ của những sản phẩm lụa Khaisilk, những chuỗi nhà hàng cao cấp được đồn đoán là đầu tư hàng chục triệu USD như Cham Charm hay “lâu đài” Tajma.. là bức tranh tài chính không mấy sáng sủa của công ty Khải Đức – “hạt nhân” chi phối hoạt động của “đế chế Khải Silk”.
Đằng sau sự hào nhoáng
Cụ thể, theo báo cáo tài chính của Công ty TNHH Khải Đức, năm 2016, doanh nghiệp này đã âm vốn chủ sở hữu 1,2 tỷ đồng. Năm 2017, tình hình tồi tệ hơn với vốn chủ sở hữu âm 2,5 tỷ đồng.
Được biết, trước khi bị tẩy chay do bán lụa Trung Quốc gắn mác “Made in Việt Nam”, công ty Khải Đức của doanh nhân Khải Silk nức tiếng một thời đã lâm vào tình trạng kinh doanh bết bát ở tất cả các mảng: tơ lụa, nhà hàng, kinh doanh bất động sản.
Năm 2017, công ty Khải Đức ghi nhận khoản lỗ lũy kế lên đến gần 49 tỷ đồng, tăng gần 2 tỷ đồng so với con số 47,7 tỷ đồng cùng kỳ 2016.
Tại ngày 31/12/2017, tổng tài sản của Khải Đức là 35, 991 tỷ đồng, giảm hơn 13 tỷ đồng so với đầu kì. Nợ phải trả là gần 38,5 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là hơn 31 tỷ đồng, nợ dài hạn chiếm hơn 7,3 tỷ đồng.
Công ty TNHH Khải Đức được thành lập ngày 13/8/2002, có vốn điều lệ 46,5 tỷ đồng, được góp bởi 2 thành viên là ông Hoàng Khải và bà Nguyễn Thu Nga.
Đến ngày 19/12/2018, theo tài liệu của VietnamFinance, phần vốn góp của ông Hoàng Khải vẫn là 46,035 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 99%. Cổ đông còn lại là bà Nguyễn Thu Nga, góp vốn 465 triệu đồng, tương ứng tỷ lệ 1%.
Công ty Khải Đức có trụ sở tại số 23 Nguyễn Khắc Viện, phường Tân Phú, quận 7, TP. Hồ Chí Minh.
Các chi nhánh của công ty Khải Đức đang hoạt động cho đến thời điểm này gồm: Nhà hàng Cham Charm, nhà hàng Trung Hoa Minh, nhà hàng Trung Hoa Tao Li, khách sạn Sài Gòn Tajma. Ông Hoàng Khải vẫn là người đứng đầu các chi nhánh này.
Ngày 11/6/2018, Chi cục Thi hành án dân sự quận 7, TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản ngăn chặn hành vi đăng ký, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp hoặc giải thể doanh nghiệp của Công ty TNHH Khải Đức. Theo văn bản này, người đại diện theo pháp luật của công ty Khải Đức là ông Hoàng Phi Phi.
Trước đó, Bộ Công Thương đã kết luận công ty Khải Đức của “ông trùm tơ lụa” Khải Silk có một loạt vi phạm liên quan tới bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Ngoài ra, Khải Đức còn vi phạm luật về quản lý thuế, hóa đơn…
“Vang bóng một thời”
Theo truyền thông, ông Hoàng Khải sinh năm 1964 tại Hà Nội. Tuy nhiên, theo hồ sơ tại cơ quan đăng ký kinh doanh, ông Hoàng Khải sinh ngày 1/11/1963 tại Hà Nội.
Năm 25 tuổi, Hoàng Khải quyết định bỏ học Nhạc viện và thành lập cửa hàng Khaisilk đầu tiên trên phố Hàng Gai. Các sản phẩm của Khaisilk được định hình là sản phẩm cao cấp, được giới thiệu là do ông Hoàng Khải thiết kế và thuê gia công từ làng lụa Vạn Phúc hoặc Đà Nẵng.
Tuy nhiên, trên thực tế, từ những năm 1990, những sản phẩm lụa của Khaisilk đều là hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam. Điều này đã được chính ông Hoàng Khải thừa nhận.
Ngoài việc phát triển chuỗi cửa hàng độc lập, Khải Silk còn mở thêm các cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm tại các khách sạn 5 sao ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh như khách sạn Marriott, InterContinental, Legend…
Khi thành công trên thị trường tơ lụa, thông qua công ty Khải Đức, ông Hoàng Khải đầu tư vào bất động sản và nhà hàng cao cấp tại TP. Hồ Chí Minh, như Au Menoir de Khai, Ming Dynasty, Nam Phan chuyên ẩm thực Việt Nam; Cham Charm, Trois Pommes chuyên ẩm thực Pháp; Tao lI chuyên về hải sản; London Steak House, Khai’s Brothers và That’s Cafe.
Ngoài ra, ông Hoàng Khải còn khai thác TajmaSago, một biệt thự lấy cảm hứng từ ngôi đền Taj Mahal Ấn Độ tại khu Phú Mỹ Hưng làm resort, trung tâm thương mại cao cấp Saigon Paragon được khai trương vào tháng 7 năm 2009. Ông Khải cũng từng tuyên bố sẽ xây dựng 2 khách sạn tại Bãi dài Cam Ranh 15 triệu USD và tòa cao ốc The Khai trị giá 30 triệu USD.
Đầu tháng 10/2017, trước khi xảy ra bê bối bán hàng giả, hàng kém chất lượng, ông Hoàng Khải được giới thiệu là nhà đầu tư khách mời trong chương trình truyền hình thực tế về khởi nghiệp Shark Tank Việt Nam, được phát sóng trên VTV3.
“Khải nhận tham gia chương trình này trên VTV3 để có tiền lên xây lớp học cho các trẻ em nghèo trường Tiểu học xã Thái Sơn (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng), nơi mà tháng trước các báo đã đưa tin các em phải khai giảng ngoài trời dưới những cơn mưa nặng hạt đấy”, ông Hoàng Khải từng chia sẻ về lý do tham gia chương trình Shark Tank trên trang cá nhân.
Sau khi vụ việc bán lụa Tàu gắn nhãn Việt vỡ lở, chiều 27/10/2018, chương trình Shark Tank Việt Nam cho biết ông Hoàng Khải đã quyết định rút khỏi chương trình để tập trung vào các công việc của tập đoàn.
Trước đó, vào năm 2012, ông Hoàng Khải từng được bình chọn vào danh sách “Top 50 Người tiên phong”.
“Nhân vật được đề cử vào danh sách Top 50 Người Tiên phong là những người hoạt động trong 5 lĩnh vực gồm kinh doanh, xã hội, nghệ thuật, thể thao và khoa học – công nghệ. Danh sách được sắp xếp theo thứ tự ABC. Đây là những người có thành tựu nổi bật, ghi dấu ấn với các bước đi mang tính tiên phong và có khả năng tạo ra bước ngoặt hoặc thay đổi xu thế trong lĩnh vực hoạt động của mình. Những người được đề cử bao gồm cả người Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, hoặc người nước ngoài đang sinh sống và hoạt động ở Việt Nam”, Vnexpress – đơn vị khởi xướng cuộc bình chọn giới thiệu.
Theo Hoàng Lan/VietnamFinance