Home Kinh tế vĩ mô Cuộc chiến khí hóa lỏng toàn cầu khi mùa Đông đến gần

Cuộc chiến khí hóa lỏng toàn cầu khi mùa Đông đến gần

0

Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) được vận chuyển bằng đường biển có thể giúp châu Âu thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào khí đốt Nga và vượt qua mùa Đông giá lạnh.

Tàu chở khí hóa lỏng MV Excelsior neo tại cảng Texas, Mỹ. Ảnh: Bloomberg/TTXVN

Báo Le Monde mới đây có bài viết “Khi mùa Đông đến gần, cuộc chiến toàn cầu về khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) bắt đầu”, trong đó cho rằng LNG được vận chuyển bằng đường biển có thể giúp châu Âu thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào khí đốt Nga và vượt qua mùa Đông giá lạnh.
Nhưng khi sự chuyển hướng của châu Âu đã trở thành chiến lược, các nước sẽ phải cạnh tranh nhau để có nguồn tài nguyên hữu hạn này. Nội dung bài viết như sau:
Kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng nổ, các tàu chở LNG đã xuất hiện nhiều hơn trên các bờ biển của châu Âu. Những con tàu chở LNG, hay còn gọi là nhà máy nổi với những bồn chứa lạnh lớn được dùng để vận chuyển khí đốt trên một quãng đường dài, vốn quen các tuyến đường biển đến châu Á giờ đây bắt đầu chuyển hướng đến “Lục địa Già”, vốn đang rất khát khí đốt sau khi bị Nga khóa gần như tất cả nguồn cung.
Theo những thống kê sơ bộ, kể từ khi có xung đột, lượng LNG mà Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu đã tăng khoảng 60%, đặc biệt từ Mỹ. Những biến động lớn về năng lượng này đang cho thấy một thực tế rằng cuộc chiến toàn cầu về LNG đã bắt đầu.
Giáo sư Thierry Bros, một chuyên gia về năng lượng thuộc cơ quan nghiên cứu Sciences Po, cho biết: “Sau thảm kịch hạt nhân Fukushima năm 2011, LNG đã làm giảm nhẹ cú sốc. Châu Âu sau đó đã chở khí đốt hóa lỏng đến Nhật Bản và sử dụng khí đốt nhập khẩu từ Nga để thay thế. Và bây giờ, đang có một tiến trình đảo ngược. Nếu châu Âu có thể bổ sung lượng khí đốt dự trữ nhanh như hiện nay thì đó chính là nhờ lượng LNG được chuyển hướng khỏi châu Á. Để có được kết quả này, châu Âu đã chấp nhận trả một cái giá cao hơn, thậm chí bất chấp việc gây ra tình trạng ‘mất điện’ ở các nơi khác, chẳng hạn như Ấn Độ và Pakistan”.
Khi mùa Đông đến gần, các nước châu Á cũng cần bổ sung kho dự trữ quốc gia và chắc chắn điều này sẽ làm cho cuộc chạy đua quốc tế trở nên gay cấn hơn. Hàn Quốc, nơi buộc phải bơm đầy 90% kho dự trữ vào cuối tháng 10 theo luật định, sẽ phải nhập khẩu nhiều hơn.
Về phần mình, Nhật Bản là nước “hay lo xa”, đã bơm đầy trên mức trung bình trong suốt 5 năm qua. Nhưng còn nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc thì sao?
Theo Vincent Demoury, tổng đại diện của Nhóm các nhà nhập khẩu LNG quốc tế, thì “đó là một ẩn số lớn, bởi mọi thứ sẽ phụ thuộc vào thời tiết mùa Đông có ôn hòa hay không, cũng như vào tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền công nghiệp”.
Ngoài ra, điều này cũng phụ thuộc vào hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than. “Không loại trừ trường hợp khi giá cả có lợi, Trung Quốc sẽ quyết định hạn chế sử dụng các nhà máy nhiệt điện than để nhập khí đốt từ Trung Á và Nga như đã làm trong những tháng qua”.
Bởi nếu như Mỹ đã xuất khẩu nhiều khí đốt hơn, chủ yếu lấy từ nguồn khí đá phiến, thì quốc gia hưởng lợi thực sự trong cuộc khủng hoảng này chắc chắn sẽ là Trung Quốc.
Nước này có thể bán lại cho châu Âu – với một mức giá cao ngất ngưởng – một phần khối lượng LNG mà họ mua được theo hợp đồng dài hạn.
Các nguồn cung góp phần giúp châu Âu thoát khỏi sự ràng buộc của Nga này đã “chắp cánh” cho người châu Âu. Bằng chứng là các dự án cơ sở hạ tầng mà Liên minh châu Âu (EU) đang xây dựng xuất hiện khắp nơi. Điều này diễn ra bất chấp nguy cơ châu Âu phải dấn thân vào một chiến lược khí hậu tốn kém hơn nhiều.
Bởi vì việc khí hóa lỏng, tiếp theo là quá trình vận chuyển khí đốt, tiêu tốn nhiều năng lượng hơn và do đó tạo ra nhiều khí thải CO2 hơn so với vận chuyển bằng đường ống. LNG cũng thường có nguồn gốc từ khí đá phiến như đang được thấy tại Mỹ.
Riêng tại Đức, một nền kinh tế đầu tàu EU từng phụ thuộc hoàn toàn vào việc nhập khẩu thông qua hệ thống đường ống dẫn, đã có 6 dự án trạm khí đốt nổi được lên kế hoạch xây dựng. Tây Ban Nha cũng đã có không dưới 6 trạm nhập khẩu LNG, trong khi một trạm thứ 7 ở Gijon cũng sẽ sớm đi vào hoạt động.
Về phần mình, Pháp đã có 4 trạm đang hoạt động và dự kiến sẽ đưa trạm thứ 5 ở Le Havre (Seine-Maritime) vào vận hành trong năm 2023. Căng thẳng khí đốt với Nga đang mang lại cho LNG một vai trò đặc biệt quan trọng tại châu Âu trong khuôn khổ đoàn kết khối.
Trong khi đó cho đến nay, Đức vẫn nước chưa có bất cứ trạm LNG lớn nào.
Liệu những cơ sở hạ tầng mới này có tìm được đủ nguồn cung để thay đổi tình hình tại châu Âu? Theo chuyên gia Thierry Bros, cho đến nay LNG đã giúp châu Âu thay thế phần lớn khí đốt nhập khẩu của Nga. Tuy nhiên việc thay thế 10% còn lại sẽ không hề đơn giản do sự cạnh tranh của châu Á và do thiếu sản lượng bổ sung.
Các dự án quan trọng, chẳng hạn như LNG Canada (Shell) hoặc North Field East (Qatar), sẽ chỉ đi vào hoạt động sau năm 2024.
Tổng đại diện Vincent Demoury cho biết một vài dự án khác cũng có thể đóng góp thêm cho nguồn cung tới châu Âu, trong đó có nhà máy nổi Coral South ở Mozambique của tập đoàn Eni, Grand Tortue ở Mauritania của BP, hoặc một dự án khác ở Cộng hòa Congo cũng của Eni.
Tuy nhiên, ngoài những dự án quy mô nhỏ này, nguồn sản xuất bổ sung hầu như sẽ không đáng kể vòng hai năm tới.
Thêm vào đó là những nguy cơ tiềm ẩn trong toàn bộ chuỗi sản xuất. Vụ hỏa hoạn hồi tháng 6 tại trạm Freeport LNG ở Texas, một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất sang châu Âu, đã cho thấy hậu quả lớn thế nào.
Ngoài ra còn phải kể đến đội tàu vận chuyển LNG ngày càng yếu, hoặc do chi phí tăng cao, hoặc do một số tàu bị loại bỏ vì không còn đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường.
Những thực tế này cho thấy một điều rằng khi nói đến vấn đề năng lượng hiện nay, ngay cả đối với lĩnh vực LNG cũng không phải là điều gì quá màu nhiệm./.

Nguyễn Tuyên

Link nguồn: https://bnews.vn/cuoc-chien-khi-hoa-long-toan-cau-khi-mua-dong-den-gan/259630.html