Đà Nẵng, một trong những địa điểm du lịch hút khách nhất khu vực, đang chứng kiến cuộc đua giành thị phần gay gắt giữa các ông lớn bất động sản nghỉ dưỡng ngoại quốc.
Tập đoàn kinh doanh khách sạn của Pháp, AccorHotels, là một trong 5 doanh nghiệp phương Tây đầu tiên đầu tư vào Đà Nẵng với khách sạn đầu tiên được khai trương vào năm 2011. Hiện tại, mạng lưới khách sạn của Accor tại Đà Nẵng đã tăng lên tới 5 địa điểm bao gồm cả khu nghỉ dưỡng cạnh bãi biển Pullman Đà Nẵng ra mắt vào năm 2013.
Sau Accor, ngày càng có nhiều tập đoàn đa quốc gia nhảy vào khai thác tiềm năng du lịch của Đà Nẵng. |
Cách Pullman khoảng 10 phút lái xe là khu nghỉ dưỡng Sheraton Grand Đà Nẵng của Marriott. Khu nghỉ dưỡng này mới được khai trương trong năm 2018 nhưng lại có tỷ lệ lấp đầy rất cao, khoảng 80%, một đại diện của tập đoàn cho biết.
Ngoài Accor và Marriott, Đà Nẵng cũng chứng kiến sự đổ bộ của nhiều cái tên nổi tiếng khác, như Hilton Worldwide của Mỹ, Route Inn Group của Nhật Bản, Ascott của Singapore hay InterContinental Hotels Group của Anh.
|
Cũng như Accor, InterContinental Hotels Group (IHG) là một trong những nhà đầu tư vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng sớm nhất. Tháng 06/2012, Tập đoàn này ra mắt Khu nghỉ dưỡng cao cấp InterContinental Danang Sun Peninsula tại bán đảo Sơn Trà với 200 phòng nghỉ hạng sang.
Đến năm 2017, tập đoàn Route Inn Group của Nhật Bản chọn Đà Nẵng là điểm đến đầu tiên tại Việt Nam khi ra mắt dự án khách sạn 4 sao Grandvrio Da Nang City. Đây là bước khởi đầu của Route Inn Group trong kế hoạch phát triển chuỗi 50 khách sạn tại Việt Nam.
Giữa năm 2017, tập đoàn Ascott Limited của Singapore cũng chính thức khai trương khu nghỉ dưỡng lớn nhất Việt Nam, Citadines Blue Cove Da Nang, với 548 phòng nghỉ trên bán đảo Sơn Trà. Đây là dự án bất động sản đầu tiên của Ascott tại Đà Nẵng và cũng là dự án bất động sản lớn nhất của tập đoàn này trên toàn thế giới.
Cái tên mới nhất là Hilton Worldwide, tập đoàn được xem đế chế trong làng kinh doanh khách sạn thế giới suốt gần thế kỷ qua với gần 5.000 khách sạn, hoạt động tại 103 quốc gia với 14 thương hiệu thuộc các phân cấp khác nhau. Cuối năm 2018, Hilton khai trương khách sạn Hilton Đà Nẵng với 28 tầng và 223 phòng nghỉ. Đây là thành viên thứ ba của Hilton tại Việt Nam sau Hilton Hanoi Opera và Hilton Garden Inn Hà Nội.
Ông Paul Hutton, Phó Chủ tịch phụ trách hoạt động tại Đông Nam Á của Hilton cho biết: “Sự kiện khai trương khách sạn Hilton Đà Nẵng đánh dấu mốc quan trọng trong việc đưa thương hiệu Hilton vươn tới một tầm cao mới Đông Nam Á.
Cuộc đua đường dài
Trong bối cảnh thị trường khách sạn nghỉ dưỡng tại Đông Nam Á đang phát triển nhanh chóng, AccorHotels đặt mục tiêu gấp đôi tổng số khách sạn tại khu vực này lên 600 trong vòng 10 năm tới. Động thái này thể hiện tham vọng của AccorHotels muốn thách thức Marriott International, một tập đoàn kinh doanh khách sạn của Mỹ cũng đang nỗ lực thu hút khách hàng giàu có tại Đông Nam Á.
Trong khi đó, Marriott, với trọng tâm là các khách sạn hạng sang, dự kiến thách thức AccorHotels bằng cách củng cố các thương hiệu khách sạn bình dân, đồng thời mở thêm nhiều khách sạn W Hotels và các khách sạn 5 sao khác.Số lượng phòng khách sạn của AccorHotels tại châu Á hiện chiếm 30% tổng số phòng của tập đoàn trên toàn thế giới. Tập đoàn này dự định xây thêm khách sạn tại Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Đông Nam Á. Trong đó, tại Trung Quốc, AccorHotels dự kiến tăng sự hiện diện bằng cách hợp tác với các công ty nội địa.
Tập đoàn này sẽ khai trương một khách sạn thuộc hệ thống Aloft tại Bali (Indonesia) trong mùa hè 2019. Chuỗi khách sạn Aloft của Marriott chủ yếu hướng tới khách du lịch là những người trẻ tuổi. Ngoài ra, Marriott sẽ sớm thâm nhập vào Myanmar và các thị trường mới nổi khác.
Không chỉ AccorHotels và Marriott, những “tay chơi” trong khu vực cũng bắt đầu gia tăng sự hiện diện.
Archipelago International và Santika Indonesia Hotels & Resorts lần lượt chiếm vị trí thứ hai và thứ 3 tại Indonesia, sau Accor. Tại Philippines, Shangri-La Hotels and Resorts của Hong Kong đang dẫn đầu, theo sau là một công ty của Thái Lan.
Châu Á đón khoảng 350 triệu khách du lịch mỗi năm, với tốc độ tăng trưởng 6%/năm, ông Basset cho biết. Tuy nhiên, số lượt khách du lịch tới Đông Nam Á giảm mạnh 40% trong giai đoạn 2012 – 2017, xuống còn hơn 100 triệu lượt mỗi năm, theo Nikkei Asian Review. |
Theo Đức Hậu/ Thời báo chứng khoán