Gần 2 năm qua, đất nước ta phải gánh chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề về người và của bởi đại dịch Covid – 19. Nhưng, càng trong những lúc khó khăn đó, nhiều tấm gương người tốt, việc tốt được lan tỏa; điển hình trong đó, là những hoạt động thiện nguyện của doanh nhân Trần Thị Thủy.
Được mệnh danh là “đại gia chân đất”, bà Trần Thị Thủy ở huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) chỉ với văn hóa lớp 4 nhưng đã rất thành công trong kinh doanh, không những vậy, bà còn dành nhiều thời gian cho công việc thiện nguyện và được người dân gọi với cái tên đầy yêu thương “bà tiên” giữa đời thực.
Thành công đến muộn
Kể về cuộc đời của của vị “đại gia chân đất” này thì rất nhiều thăng trầm, đến năm 40 tuổi, bà Thủy vẫn là một người phụ nữ thuần nông, chân lấm tay bùn nuôi 4 con nhỏ. Lúc nông nhàn, bà tranh thủ đi buôn, có gì buôn đó, buôn cả rau cho lợn lên tận Lạng Sơn để bán. Có thể nói là cuộc đổi đời – bà rẽ sang một trang mới kể từ lần bà cứu giúp một thanh niên bị tai nạn giao thông, trong chuyến đi chợ ở Lạng Sơn, từ đó, bà được gia đình ân nhân cảm ơn ân nghĩa, nhận bà làm con gái nuôi, giúp đỡ và cho đi học nghề.
Sau thời gian học hỏi, năm 2000, bà Thủy trở về quê thuê 1,2 ha đất cạnh Quốc lộ 1A nằm trong cụm công nghiệp Tân Dĩnh – Phi Mô, nay là Tân Dĩnh – thị trấn Vôi, rồi thành lập Công ty TNHH Bích Thủy (Công ty Bích Thủy). Mặc dù, trình độ văn hóa chưa hết bậc tiểu học nhưng bà lại có một quyết tâm rất lớn, cần mẫn và chịu khó học hỏi. Qua mối quen biết, vị doanh nhân này đã mua được bản quyền sản xuất bình bơm thuốc trừ sâu bằng nhựa của nước ngoài và tổ chức sản xuất 10.000 bình/tháng (12 vạn bình/năm). Với thành công đó, Công ty Bích Thủy đã bán sản phẩm ra khắp 64 tỉnh thành trong cả nước.
Nhờ vào sự tháo vát, không ngừng nỗ lực, cộng thêm kinh nghiệm buôn bán trước đó, bà Thủy đã vận hành công ty một cách ổn định với doanh số hàng năm đạt hàng chục tỷ đồng, góp phần gia tăng cho ngân sách của tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn.
Có tích lũy từ kinh doanh, vị “đại gia chân đất” này lại mở rộng thêm quy mô bằng việc mua lại xưởng ép dầu thực vật, thành lập thêm Công ty Huyền Yến. Hai doanh nghiệp của bà đã tạo việc làm cho 140 lao động. Trong đó, có 80 lao động chính thức và 60 lao động thời vụ có thu nhập từ 5,5 đến 9,5 triệu đồng/người/tháng. Với những thành tựu trong kinh doanh trong suốt 20 năm qua, tạo nhiều công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, Công ty Bích Thủy liên tục được Cục thuế Bắc Giang khen thưởng vì thành tích đóng thuế nhiều nhất huyện Lạng Giang; được UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và Trung ương, Tổng cục thuế tặng nhiều bằng khen. Bên cạnh đó, Công ty Bích Thủy còn được vinh danh Cúp vàng “doanh nghiệp hội nhập và phát triển” (năm 2012); Cúp vàng “thương hiệu” (năm 2013)…
Cho đi là còn mãi
Không chỉ làm kinh tế giỏi, bà Trần Thị Thủy còn là một người giàu lòng nhân ái. Nhiều năm qua, Công ty Bích Thủy thường xuyên tổ chức các hoạt động thiện nguyện, quan tâm giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ xây dựng 25 nhà đại đoàn kết toàn dân cho đồng bào ở xã Hương Sơn, tặng hàng trăm nồi cơm điện, chăn cho hộ nghèo ở các xã Tân Dĩnh, Hương Sơn, Phi Mô và Dĩnh Trì… và nhiều hoạt động ý nghĩa khác trên khắp các tỉnh, thành trên cả nước.
Tuy doanh nghiệp không lớn, nhưng hàng năm công ty vẫn trích ra một khoản tiền là 200 triệu đồng từ lợi nhuận làm thành các suất quà để trao tặng tới mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, gia đình liệt sỹ, hộ nghèo, trẻ em gặp khó khăn trong huyện và tỉnh Bắc Giang vào mỗi dịp 27/7, Tết Nguyên đán. Không những vậy, công ty còn cam kết với xã Hương Sơn nhận nuôi dưỡng suốt đời 01 cựu chiến binh không nơi nương tựa, 01 vợ liệt sỹ cô đơn và 03 cháu mồ côi là người dân tộc Nùng đến tuổi trưởng thành; năm 2020 bà còn kêu gọi bạn bè cùng hỗ trợ 3 cháu nhỏ được mổ tim an toàn …
Giúp người không chỉ bằng cách ủng hộ về vật chất, bà Thủy còn tạo điều kiện cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn được làm việc trong công ty. Chị Mai Thị Nguyệt, 50 tuổi (thôn Tân Thành, thị trấn Vôi) là một trong những người được bà giúp đỡ. Chị bị bệnh động kinh, chồng mất sớm, phải nuôi mẹ chồng già yếu và con học đại học, khó khăn trăm bề. Được bà Thủy nhận vào công ty làm việc thời vụ từ năm 2012 đến nay, chị Mai đã có thu nhập từ 5 – 6 triệu đồng/tháng. Với sự hỗ trợ của bà Thủy, chị Nguyệt đã có thêm kinh tế, chăm sóc được mẹ chồng già yếu và con trai học đại học ra trường có việc làm ổn định; tu sửa lại nhà, mua các sắm thêm vật dụng cho gia đình. Khi được hỏi về vị ân nhân đã giúp đỡ mình chị Mai cảm động nói: “ơn của bà Thủy với gia đình em là rất to lớn. Nhờ có bà Thủy mà em có việc làm ổn định. Công ơn này mẹ con em không bao giờ quên”. Không chỉ có chị Mai mà rất nhiều hoàn cảnh khó khăn khác đã được bà Thủy hỗ trợ giúp đỡ; bởi vậy người dân thường gọi bà bằng cái tên đầy yêu thương “bà tiên” giữa đời thực…
Đặc biệt hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”, bà Trần Thị Thủy đã mua 50 tấn gạo trị giá 600 triệu đồng tặng các lực lượng tuyến đầu làm nhiệm vụ phòng, chống dịch là: Trung đoàn 831 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang), Bộ Chỉ huy Quân sự Lạng Sơn và Quân Y viện Quân khu III. Khi miền Trung bị lũ lụt, công ty Bích Thủy cùng một số doanh nghiệp trên địa bàn quyên góp được 1.400 xuất quà gồm mỳ tôm, mắm muối, đường và hơn 3 tấn quần áo vượt gần 600 km vào cứu trợ Nhân dân xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Với việc làm kịp thời đó, ông Trần Hòa Hợi, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy đã thay mặt cho Đảng ủy, UBND, Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã Thanh Thủy gửi lời cảm ơn sự giúp đỡ kịp thời của Công ty Bích Thủy và các doanh nhân huyện Lạng Giang đối với Nhân dân trong xã trong đợt lũ lụt lịch sử này”. Khi dịch Covid – 19 bùng phát trở lại lần thứ 4, bà Thủy đã ủng hộ 150.000 khẩu trang tới một số xã, cơ quan của huyện Lạng Giang, Công an Bắc Giang, Lạng Sơn và Bộ đội biên phòng Lạng Sơn.
Chia sẻ về những việc làm của vị “đại gia chân đất” ông Nguyễn Văn Mười, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận tổ quốc huyện Lạng Giang cho biết: “chúng tôi ghi nhận sự nỗ lực, phấn đấu của công ty và bà Trần Thị Thủy trong sản xuất, kinh doanh; không chỉ hoàn thành các nghĩa vụ với Nhà nước, bà Thủy còn rất tích cực trong các hoạt động từ thiện, nhân đạo, là tấm gương sáng về trách nhiệm của doanh nhân với xã hội”.
Với vốn tính chân chất của người thuần nông, quanh năm bà vẫn giữ thói quen chỉ đi chân đất, dù bây giờ bà có đầy đủ mọi tiện nghi; chia sẻ của bà khiến cho người nghe cũng cảm thấy ấm lòng: “xuất thân từ nghèo khó phải chạy ăn từng bữa, nên tôi thấu hiểu nỗi khổ của người nghèo. Họ hay tự ti, mặc cảm. Bây giờ tôi có chút tích lũy, muốn san xẻ để động viên người nghèo, giúp họ có động lực vượt qua khó khăn. Với các mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, gia đình liệt sỹ và những người có công, nhất là những người lính đang cầm súng bảo vệ tổ quốc, tôi luôn trân trọng, động viên và bày tỏ tấm lòng tri ân.
Với bà cho đi là còn mãi”. Chỉ từng đó thôi cũng đủ để cảm nhận về nhân cách của vị doanh nhân này, đó là người phụ nữ khiêm nhường, giàu lòng nhân ái, bà muốn dành cả đời để tận hiến làm việc và thiện nguyện, góp phần xây dựng quê hương, làm đẹp cho đời.
Văn Phương
Link nguồn: https://doanhnghiepthuonghieu.vn/dai-gia-chan-dat-tran-thi-thuy-mang-yeu-thuong-den-nhung-manh-doi-bat-hanh-p34997.html