ACV báo lãi năm 2022 đạt 7.122 tỷ đồng – gấp 9 lần năm trước khi thị trường hàng không dần phục hồi và các chính sách giá dịch vụ dần quay lại bình thường.
Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam – CTCP (UPCoM: ACV) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 với doanh thu tăng gấp hơn 4,3 lần cùng kỳ, đạt 4.177 tỷ đồng. Nguồn thu lớn nhất đến từ phục vụ hành khách (1.921 tỷ đồng), dịch vụ hạ cất cánh (585 tỷ đồng).
Trong kỳ, dù giá vốn hàng bán tăng thêm đến 88% ở mức 2.176 tỷ đồng nhưng lãi gộp của ACV nhảy vọt lên 1,932 tỷ đồng, tăng gấp 13 lần, tương đương hơn 2.094 tỷ đồng so với cùng kỳ (lỗ gộp 162 tỷ đồng). Biên lợi nhuận gộp của ACV cũng trở về mức ổn định 46%.
Doanh thu hoạt động tài chính của doanh nghiệp giảm 34% so với cùng kỳ, còn 633 tỷ đồng do không ghi nhận khoản lãi lớn từ chênh lệch tỷ giá đánh giá cuối kỳ. Đồng thời, chi phí tài chính cũng giảm 58%, xuống 28 tỷ đồng khi không phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư tài chính như quý IV/2021.
Ngoài ra, việc hoạt động kinh doanh phục hồi đã khiến chi phí bán hàng của doanh nghiệp tăng lên mức 82 tỷ đồng so với mức thấp là 3 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng ghi nhận mức nhảy vọt lên 950 tỷ đồng, gấp 2,8 lần cùng kỳ, cao hơn cả thời gian trước dịch.
Trong kỳ, ACV cũng ghi nhận gần 62 tỷ đồng lãi trong công ty liên doanh, liên kết. Sau khi khấu trừ các khoản chi phí khác, ACV báo lãi sau thuế quý IV/2022 lên gần 1.287 tỷ đồng, gấp gần 4,4 lần so với cùng kỳ.
Cả năm 2022, ACV ghi nhận doanh thu hơn 13.945 tỷ đồng, gấp 2,9 lần so với cùng kỳ; lãi sau thuế tăng gần gấp 9 lần so với năm 2021, đạt 7.127 tỷ đồng.
Năm 2022, công ty đặt kế hoạch doanh thu 10.294 tỷ đồng và 2.566 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, doanh nghiệp đã vượt 34% mục tiêu doanh thu năm. Với lợi nhuận trước thuế 8.833 tỷ đồng, ACV cũng vượt 244% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của ACV tăng thêm hơn 5.000 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 60.037 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là tài sản ngắn hạn với 40.220 tỷ đồng, chiếm 67%, chủ yếu là đầu tư tài chính ngắn hạn (30.498 tỷ đồng). Các khoản phải thu ngắn hạn của khách đã tăng lên 6.296 tỷ đồng, gấp 2,3 lần đầu năm.
Về cơ cấu nguồn vốn, vốn chủ yếu sở hữu gần 43.806 tỷ, tăng gần 6.154 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, doanh nghiệp này ghi nhận khoản lợi nhuận chưa phân phối sau thuế 15.940 tỷ đồng và gần 6.045 tỷ đồng dành cho quỹ đầu tư và phát triển.
Đồng thời, việc thực hiện các dự án trọng điểm của ngành hàng không cũng khiến chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng lên mức 4.678 tỷ đồng, gấp 2,8 lần thời điểm cuối năm 2021.
Doanh nghiệp tiếp tục duy trì nắm giữ tiền khi có gần 33.000 tỷ đồng tiền và tiền gửi ngắn hạn tại cuối năm 2022. Các khoản tiền gửi đã mang về gần 1.617 tỷ đồng tiền lãi cho ACV trong năm 2022.
Nợ phải trả của doanh nghiệp vào cuối năm 2022 là 16.232 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay với hơn 11.200 tỷ đồng, gồm 366 tỷ đồng vay ngắn hạn, 10.834 tỷ đồng vay dài hạn. Các khoản vay này chủ yếu là vay ODA bằng đồng yên Nhật. Chi phí lãi vay năm qua chỉ hơn 72 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2022, nợ xấu của ACV cũng tăng gấp 2,2 lần, thêm 1.958 tỷ đồng so với đầu năm, lên đến 3.588 tỷ đồng. Khoản dự phòng các khoản thu khó đòi cũng tăng 2,64 lần, lên đến 1.307 tỷ đồng.
Trong đó, Vietjet và Bamboo Airway là hai doanh nghiệp có mức nợ cao nhất lần lượt là 1.634 tỷ đồng và 857 tỷ đồng. Kế đến là Vietnam Airlines Group với mức nợ hơn 516 tỷ đồng và Pacific Airlines với hơn 432 tỷ đồng.
Năm 2023, ACV nhận định tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; ngành hàng không có thời cơ, thuận lợi nhưng có cả khó khăn, thách thức. Công ty đặt mục tiêu 116 triệu khách, tăng 18% so với 2022; tổng sản lượng phục vụ hàng hóa đạt 1.634 nghìn tấn, tăng 18%; tổng doanh thu 18.414 tỷ đồng, tăng 20%; lợi nhuận trước thuế 8.448 tỷ đồng, tăng 11%.
Lê Mạnh Quốc