Theo nhận định của các chuyên gia, đấu thầu vàng miếng là giải pháp tình thế hạ “cơn sốt” giá hiện nay.
Bắt đầu 10h ngày 22/4, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành đấu thầu vàng miếng SJC với tổng khối lượng dự kiến là 16.800 lượng, tương đương 6,3 tạ vàng.
Địa điểm đấu thầu tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước (NHNN), số 25, Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hình thức đấu thầu là đấu thầu theo giá.
Tổng khối lượng vàng miếng dự kiến sẽ đấu thầu là 16.800 lượng; khối lượng vàng miếng của 1 lô giao dịch là 100 lượng; loại vàng miếng bán là vàng miếng SJC được NHNN tổ chức sản xuất.
Theo tin từ NHNN, đơn vị đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho việc đấu thầu vàng miếng, nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường, can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch và hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, việc NHNN đưa ra kế hoạch đấu thầu vàng chắc chắn sẽ tác động tới nguồn cung và giá vàng.
Vị chuyên gia này nhận định, khi NHNN đẩy một khối lượng vàng vào trong thị trường vàng thì sẽ làm giảm nhiệt “cơn sốt” hiện nay. Hiện tại nguồn cung hạn chế và sức cầu tăng cao, tạo nên sự bất ổn trên thị trường vàng, đẩy giá vàng lên. Vì vậy khi NHNN đấu thầu, đưa một lượng vàng lớn vào lưu thông chắc chắn nó sẽ làm giá vàng giảm.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng việc đấu thầu cần phải có một lượng vàng rất lớn và thường trực để giữ sự bình ổn. Việc đấu thầu vàng thông qua NHNN có tác động tích cực, làm giảm nhiệt trên thị trường vàng. Tuy nhiên, chúng ta chưa biết NHNN sẽ đẩy khối lượng vàng bao nhiêu có lẽ chỉ là những động thái mang tính giai đoạn. Về lâu về dài NHNN phải xem xét việc sửa đổi và điều chỉnh Nghị định 24.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn của Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam, đánh giá, đấu thầu vàng là một trong những giải pháp để tạo nguồn cung nhanh nhất cho vàng miếng SJC.
Theo ông Khánh, để hạ “cơn sốt” giá vàng hiện nay, đấu thầu vàng miếng là biện pháp cần thiết và là giải pháp tình thế. Đây không phải lần đầu tiên diễn ra các phiên đấu thầu vàng miếng. NHNN đã sử dụng giải pháp này năm 2013, với hàng chục phiên.
Việc đấu thầu vàng miếng, ông Khánh cho rằng, chắc chắn sẽ giảm được chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Tuy nhiên, giảm ở mức độ bao nhiêu còn phụ thuộc vào lượng vàng mà NHNN sẽ cung ứng ra thị trường.
Ông Huỳnh Trung Khánh đưa ra tình huống, chẳng hạn, thị trường cần 10.000 lượng trong một tuần, NHNN cung ứng đủ số lượng đó mới có thể kéo giảm chênh lệch giá. Nhưng nếu chỉ cung cấp được 2.000-3.000 lượng, giá sẽ giảm phần nào nhưng vẫn cao.Qua một vài phiên đấu thầu sẽ phần nào nắm được nhu cầu của thị trường, từ đó Nhà nước sẽ cân nhắc cung ứng số lượng vàng SJC bao nhiêu.
Trước thông tin NHNN tổ chức đấu thầu vàng miếng, chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng, việc đấu thầu 16.800 lượng vàng cơ bản có thể đủ “hạ nhiệt” thị trường vàng miếng trong giai đoạn hiện nay.
“Tôi cho rằng mức 16.800 lượng vàng nếu cung ra thị trường sẽ giải quyết nhanh chóng nhu cầu thị trường. Chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới chắc chắn co lại”, ông Phương nói trên VTC.
Cũng theo ông Phương, mức giá các doanh nghiệp đưa ra đấu thầu chắc chắn cao hơn giá tham chiếu của Ngân hàng Nhà nước là 81,8 triệu đồng/lượng. Dự đoán về mức giá, ông Phương cho rằng sẽ xoay quanh ngưỡng 82,3 – 82,5 triệu đồng/lượng.
Theo phân tích của vị chuyên gia này, giá vàng hiện giao dịch ở ngưỡng 82,7 – 83,3 triệu đồng/lượng, nên mức giá đấu thầu 82,5 triệu đồng doanh nghiệp hoàn toàn chấp nhận được. Theo đó, doanh nghiệp chắc chắn sẽ đưa ra mức giá hợp lý để đấu thầu, tất nhiên, mức giá này phải phù hợp, còn nếu cao hơn thị trường thì họ sẽ không mua ở đấu thầu.
Trả lời báo Lao động, TS.Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia, đánh giá, việc NHNN đấu thầu vàng miếng chỉ giải quyết được vấn đề cung – cầu trong ngắn hạn. Ông Nghĩa góp ý, cách làm đúng vừa có giá trị ngắn hạn lẫn dài hạn, phù hợp thông lệ quốc tế, dễ kiểm soát là cho các công ty đủ điều kiện nhập khẩu, xuất khẩu vàng và kiểm soát bằng thuế.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng Đinh Thế Hiển cho rằng, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để tăng nguồn cung ra thị trường. “Đương nhiên, mức giá trúng thầu sẽ thấp hơn giá thị trường hiện nay, song tôi cho rằng, sẽ không thấp hơn đáng kể so với giá thị trường vì người đưa ra giá cao nhất mới trúng thầu. Đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để bổ sung nguồn cung vàng nhanh nhất ra thị trường, chứ không phải là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng chênh lệch giá vàng bất hợp lý”, ông Hiển nhấn mạnh.
Trước đó, tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I của Ngân hàng Nhà nước sáng 19/4, ông Đào Xuân Tuấn – Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng tăng cung vàng miếng SJC theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Ông Tuấn thông tin, Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng báo cáo tổng kết Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng đã lấy ý kiến các bộ ngành. Ngoài việc đánh giá đúng vai trò của nghị định trong hơn 10 năm qua và xem xét trong bối cảnh hiện nay. Ngân hàng Nhà nước xem xét bỏ độc quyền vàng miếng SJC và có thêm nhiều thương hiệu vàng miếng khác.
Chiều 19/4, Ngân hàng Nhà nước công bố để 15 doanh nghiệp xem điều kiện tham gia đấu thầu vàng với những quy trình cụ thể. Theo đó, thứ Hai tuần tới (tức 22/4) sẽ bắt đầu đấu thầu.
M.Vy (T/h)