Home Ấn tượng 24H Đẩy lùi ‘bóng ma’ tín dụng đen: Cách nào?

Đẩy lùi ‘bóng ma’ tín dụng đen: Cách nào?

0

Khơi gợi, mời chào vay rồi siết bằng lãi suất cắt cổ từ 240% – 600%/năm, tín dụng “đen” đang phủ “bóng ma” u ám trên thị trường tài chính. Đó là một phần câu chuyện tại một hội nghị chuyên ngành do Ngân hàng Nhà nước tổ chức mới đây tại Gia Lai.

Đẩy lùi ‘bóng ma’ tín dụng đen: Cách nào?

Phát biểu tại “Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen”, ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng nói: “Tín dụng đen ở đây len lỏi khắp nơi, chúng tôi phải xuống tận các thôn bản để tìm hiểu để có giải pháp ngăn chặn kịp thời”.

Tín dụng “đen” đã thành cướp ngày?

Theo ông Yên, tín dụng “đen” ở Lâm Đồng tồn tại dưới muôn hình vạn trạng và phần lớn trong đó gắn với tội phạm, hoạt động dưới nhiều hình thức tinh vi. “Các băng nhóm đi đòi nợ sắm cả xe ô tô, mô tô đề biển là 113 và trên xe toàn thành phần hảo hán cả. Chúng khiến người dân lầm tưởng là công an cho đến khi lộ nguyên hình là những tên đòi nợ thuê”, ông Yên bức xúc.

Những kẻ hoạt động tín dụng “đen” hầu hết là dân ngoại tỉnh, một bộ phận rất lớn trong đó từ phía Bắc di cư tới. Chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã thống kê được trên 2.000 biệt thự do người ngoại tỉnh thuê dài hạn để triển khai hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng “đen”.

Cùng đó, nạn nhân của loại hình tín dụng này cũng rất đa dạng: từ hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp vay đáo hạn ngân hàng đến người nghèo, thậm chí là dân đánh bạc, nghiện ma tuý.

Cũng theo ông Yên, tín dụng “đen” núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau, có khi là công ty đăng ký lĩnh vực ngành nghề một đằng nhưng hoạt động lại một nẻo, có khi lại lại núp bóng công ty tài chính không có giấy phép chuyên ngành.

Song hành với các ổ nhóm tín dụng “đen” là các công ty đòi nợ thuê. Tại Lâm Đồng hiện có tới 17 công ty đòi nợ thuê và phần lớn là dính đến tín dụng “đen”, hoạt động của họ rất phức tạp và như một thứ ung nhọt trong xã hội. Bởi vậy, tỉnh đã ban hành văn bản ngưng cấp phép thành lập doanh nghiệp đòi nợ thuê và động thái này đã bị Bộ Tư pháp “tuýt còi”.

“Chúng tôi đã trả lời bộ này rằng, trước diễn biến đòi nợ thuê, tín dụng “đen” phức tạp, Lâm Đồng buộc rà soát và đánh giá lại thực trạng hoạt động của các công ty đòi nợ thuê rồi sẽ cấp phép chứ không phải ngưng hẳn. Đời thuở nào đại diện công ty mà xăm mình loang lổ, cởi trần để đi đòi nợ”, ông Yên cho hay.

Ông Dương Văn Trang, Bí thư tỉnh uỷ Gia Lai kể: tỉnh này từng có trường hợp dính phải tín dụng “đen” không có tiền trả đã bị đánh đập cho tới chết.

Ông Lưu Duy Khanh, Phó Chủ tịch Uỷ ban mặt trận Tổ quốc tỉnh Kontum bổ sung, địa phương này cũng là một vùng trũng của tín dụng “đen”. Kết quả điều tra cho thấy, có tới 13 nhóm với 30 đối tượng có biểu hiện cho vay nặng lãi dưới hình thức tờ rơi quảng cáo, hợp đồng bảo hiểm, cho thuê tài sản là ô tô xe máy, cầm cố chứng minh, bằng lái xe và yêu cầu người vay ghi giấy nợ.

Giấy nợ này không ghi lãi suất mà chỉ có tổng số tiền; trong đó đã tính cả gốc cả lãi nhưng không thể hiện chi tiết từng khoản mục. Qua tìm hiểu, có những khoản vay thời hạn 30 – 40 ngày với lãi suất từ 20% – 50%/tháng (tức 240% – 600%/năm – PV).

“Có những đối tượng nắm được số điện thoại, địa chỉ người dân lân la đến tư vấn vay tiền nhưng sau đó dân không vay thì vẫn phải trả 500 nghìn đồng phí tư vấn. Nếu không trả ngay thì sẽ bị tính lãi hàng trăm phần trăm trên số tiền này. Trường hợp không trả, chúng đe doạ con cái, phá hoại tài sản”, ông Khanh nói.

Thống đốc Lê Minh Hưng (giữa) chủ trì Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen

Ngân hàng phải đáp ứng nhu cầu vay mượn của người dân

Trao đổi với VietnamFinance, ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói: “Để hạn chế tín dụng đen thì một trong những giải pháp kinh tế quan trọng là ngành ngân hàng phải đẩy mạnh hơn nữa đáp ứng nhu cầu vay mượn của người dân, từ hoạt động sản xuất kinh doanh đến các nhu cầu thiết yếu như chữa bệnh, tiêu dùng. Đặc biệt là phải đưa tín dụng tới vùng đồng bào các dân tộc thiểu số”.

Thực tế cho thấy, nhu cầu vay vốn của người dân trong sản xuất hộ và tiêu dùng là rất lớn nhưng không phải tất cả trong đó đều lành mạnh. Chẳng hạn, qua báo cáo ở các địa phương tây nguyên, một tỷ lệ khá lớn dính đến tín dụng “đen” là do cờ bạc, lô đề, vay đáo hạn ngân hàng khi đến hạn.

Bởi vậy, tại hội nghị lần này, đa số các ý kiến tập trung đưa ra các giải pháp mà đầu tiên là: khi tiếp cận nhu cầu vay, tổ chức tín dụng cần tiến hành xác minh phân loại mục đích của người vay. Nếu nhu cầu vay chính đáng để sản xuất, kinh doanh, chữa bệnh, trả tiền học phí… ngân hàng sẽ tạo điều kiện tối đa để người dân tiếp cận tín dụng.

Tiếp đó, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra một loạt giải pháp và biện pháp; điểm nhấn trong đó là tối đa hoá tiếp cận nhu cầu vay của đối tượng khách hàng của Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội.

Cụ thể, Agribank sẽ đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng tín chấp quy mô 5.000 tỷ đồng đáp ứng các nhu cầu cấp bách của người dân. Trước mắt, sẽ thí điểm gói vốn này ngay tại Gia Lai, địa phương được cho là một trong 7 vùng trũng tín dụng “đen” của cả nước. Hướng giải ngân là Agribank phối kết hợp chặt chẽ với chính quyền phường xã, hội đoàn thể, mức lãi suất thoả thuận đảm bảo bù đắp rủi ro chi phí.

Với Ngân hàng Chính sách xã hội, Thống đốc chỉ đạo: Hội đồng quản trị ngân hàng giao cho Ban điều hành khẩn trương rà soát xây dựng cơ chế cho vay tiêu dùng đối với đối tượng vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội.

“Hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội mới chỉ phục vụ 19 chương trình cho vay của Chính phủ nhưng một bộ phận rất lớn đối tượng phục vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội có nhu cầu vay tiêu dùng như khám chữa bệnh và các nhu cầu lành mạnh khác. Vì vậy, phải nghiên cứu cơ chế tạo nguồn đầu vào cả về quy mô và lãi suất để phục vụ người dân”. Thống đốc nói.

Hiến thêm kế, ông Trần Xuân Hải, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Nông nói: “Ngân hàng Nhà nước nên thí điểm cung cấp số hướng dẫn tín dụng bằng hai thứ tiếng Kinh và tiếng dân tộc cho đồng bào thiểu số để họ biết tìm đến tổ chức tín dụng và tránh xa tín dụng “đen”. Thực tế là đồng bào muốn vay nhưng không biết ngân hàng ở đâu, trong khi tín dụng “đen” thì chào mời nên họ dễ bị sa bẫy”.

Đến hết năm 2018, quy mô dư nợ tín dụng toàn hệ thống tổ chức tín dụng lên tới 7,2 triệu tỷ đồng.

“Khu vực Tây Nguyên, hiện có 5 chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, 39 ngân hàng thương mại, 51 quỹ tín dụng nhân dân, 6 công ty tài chính, 495 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội. Mặc dù nguồn vốn huy động tại chỗ vào hệ thống ngân hàng chỉ đạt 149.214 tỷ đồng (tăng 9%, toàn quốc tăng 11,95%) nhưng các tổ chức tín dụng đã chủ động điều chuyển vốn để đáp ứng nhu cầu vốn của người dân tại khu vực với dư nợ tín dụng đạt 318.969 tỷ đồng, tăng 16,6% so cuối năm 2017. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 194.208 tỷ đồng, tăng 38,67%, dư nợ tín dụng tiêu dùng đạt 42.282 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cuối năm 2017.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước

“Để hạn chế tín dụng “đen”, trên giác độ là thành viên tích cực của thị trường, BIDV đề xuất một số biện pháp hạn chế tín dụng “đen” như sau: Một là, áp dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn tín dụng phi chính thức. Trong đó, xem xét việc thực hiện cơ chế cấp phép hoạt động đối với các tổ chức trong khu vực tài chính phi chính thức và hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định như chơi họ, biểu, phường, công ty đòi nợ thuê… trên cơ sở đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định.

Đồng thời, nỗ lực thể chế hóa, quy định chặt chẽ các hoạt động ngân hàng phi chính thức; kiểm soát tốt hoạt động của hệ thống tài chính, kể cả hệ thống tài chính ngầm.

Hai là, triển khai các biện pháp chống các hành vi tín dụng lừa đảo như: thông tin, tuyên truyền hậu quả của việc tham gia hoạt động cho vay nặng lãi, cũng như các biểu hiện, hành vi, mưu kế của những kẻ hoạt động tín dụng đen. Cùng đó, các tổ chức tín dụng cần chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông và chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị xã hội thực hiện các chương trình truyền thông mạnh mẽ, toàn diện để người dân nắm bắt đầy đủ các chính sách tín dụng ngân hàng.

Nguồn: Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Theo Nguyễn Hoài/VietnamFinance